Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

6 điều kiện thành lập doanh nghiệp mới nhất năm 2019

Chính sách - Hạ tầng

25/09/2019 08:26

Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những điều kiện thành lập riêng nhất định nhưng để thành lập doanh nghiệp cá nhân, tổ chức phải đạt 6 yêu cầu dưới đây.

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đang có nhu cầu thành lậpcông ty, doanh nghiệp vì đam mê kinh doanh, đam mê khởi nghiệp và quan trọng đó là khai phá khả năng lãnh đạo của bản thân mình.

1. Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp

Trước tiên, cá nhân, tổ chức muốn mở công ty phải thuộc đối tượng được quyền thành lập doanh nghiệp. Theo đó, tất cả tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014:

- Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án;

-  Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định liên quan có thể bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 3 năm (khoản 3 Điều 130 Luật Phá sản 2014);

- Người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh (điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018).

6 điều kiện thành lập doanh nghiệp mới nhất năm 2019

2. Điều kiện về ngành, nghề đăng ký kinh doanh

Một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh (điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Doanh nghiệp).

Luật này cũng trao cho doanh nghiệp quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Đáng chú ý, Luật Doanh nghiệp 2014 cùng với Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định rõ yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu kinh doanh ngành, nghề có điều kiện.

Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2005 dành riêng Điều 7 quy định về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh. Theo đó, điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng:

Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

Với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Doanh nghiệp 2005 yêu cầu phải có một số điều kiện như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định ngay tại thời điểm đăng ký kinh doanh.

Qua đây, có thể thấy, điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện bị lẫn lộn với điều kiện thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề này đã được loại bỏ khi Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ra đời, các điều kiện kinh doanh ngành, nghề có điều kiện được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Các tổ chức, cá nhân cứ tiến hành thành lập doanh nghiệp trước, chỉ khi nào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì mới phải thỏa mãn các điều kiện kinh doanh tương ứng.

Như vậy, nếu như ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Điều 6 Luật Đầu tư thì doanh nghiệp đã đảm bảo điều kiện về ngành, nghề đăng ký kinh doanh. 

6 điều kiện thành lập doanh nghiệp mới nhất năm 2019

3. Điều kiện về tên doanh nghiệp dự kiến thành lập

Tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập phải thỏa mãn các quy định từ Điều 38 - Điều 42 Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu, gồm 2 thành tố theo thứ tự là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.

Đồng thời, không được vi phạm những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:

- Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác đã đăng ký;

- Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.

Trước khi đăng ký kinh doanh, các nhà đầu tư nên lựa chọn một số tên doanh nghiệp dự kiến sau đó tham khảo tên các doanh nghiệp đang hoạt động tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

4. Điều kiện về trụ sở chính của doanh nghiệp

6 điều kiện thành lập doanh nghiệp mới nhất năm 2019

Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp, trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp.

Cụ thể, trụ sở chính phải có địa chỉ xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Trường hợp nơi đặt trụ sở chính chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì làm công văn có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm hồ sơ khi đăng ký kinh doanh. 

5.  Điều kiện về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ theo khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ  theo quy định của Luật này, có nội dung được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Người thành lập doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ.

Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà tổ chức, cá nhân dự kiến thành lập, thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. 

6. Điều kiện về nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp phải nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (trừ một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp).

Lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Lệ phí đăng ký doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Từ ngày 20/9/2019, lệ phí đăng ký doanh nghiệp: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) là 50.000 đồng/lần theo Thông tư số 47/2019/TTT-BTC.

(Nguồn: LuatVietNam)

DƯƠNG THỤY(t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement