28/05/2020 18:18
5 lý do phụ nữ phải bổ sung “sắt” đều đặn hằng ngày
Sắt là một trong những khoáng chất quan trọng với sức khỏe mỗi người. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, gây ra nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe tổng thể.
Bổ sung sắt đầy đủ là yêu cầu quan trọng để bạn khỏe mạnh. Nếu bạn thuộc một trong năm đối tượng sau đây, bạn sẽ hiểu được lý do vì sao mình nên bổ sung sắt mỗi ngày.
Phụ nữ cần phải bổ sung thêm chất sắt lúc mang thai
Sắt là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể bởi sắt là nguyên liệu để tổng hợp hemoglobin (chất có mặt trong tế bào hồng cầu), tham gia vào quá trình cấu tạo thành myoglobin (sắc tố hô hấp của cơ) cũng như nhiều enzyme khác và đặc biệt là tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Do đó trước khi mang thai phụ nữ phải bổ sung nhiều sắt cho cơ thể vì trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cần sản xuất một lượng máu gần gấp đôi so với bình thường để có thể nuôi cả 2 mẹ con.
Thiếu sắt không chỉ gây nguy hại cho mẹ mà nó còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con. Thiếu sắt làm tăng nguy cơ bị khuyết tật ống dây thần kinh ( nứt đốt sống, thai vô sọ…), cân nặng lúc sinh thấp, suy dinh dưỡng bào thai…
Lý do cần bổ sung sắt: Bạn đang nuôi bé sơ sinh
Từ lúc còn trong bụng mẹ, em bé đã được thừa hưởng chất sắt từ cơ thể mẹ để phát triển. Đến khi ra đời, nếu bé được bú sữa mẹ hoàn toàn, bé cũng nhận chất sắt từ sữa mẹ. Nếu cơ thể mẹ không có đủ chất sắt để truyền cho con thông qua dòng sữa, bé cũng sẽ bị thiếu hụt dưỡng chất này.
Đó là lý do những người đang nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cần tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống thường ngày. Nếu cần thiết, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về việc uống thuốc bổ sung sắt.
Nếu bạn muốn bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh, kể cả trẻ sinh non, bạn cần tham khảo và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa.
Bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt
Những ngày hành kinh khiến cơ thể bạn thất thoát nhiều máu và chất sắt. Đó cũng là lý do vì sao phụ nữ là đối tượng có nhiều nguy cơ thiếu máu cao hơn đàn ông.
Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng thuốc hoặc viên uống bổ sung sắt mỗi ngày, kể cả trong những ngày hành kinh. Liều lượng sử dụng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm.
Bạn bị thiếu máu do thiếu sắt
Tình trạng thiếu máu xảy ra khi hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng vì không tổng hợp đủ hemoglobin trong cơ thể do thiếu lượng chất sắt.
Các triệu chứng xảy ra khi bị thiếu máu do thiếu sắt:
Mệt mỏi bất thường: mệt mỏi được coi là biểu hiện bình thường trong cuộc sống hiện nay, tuy nhiên khi bị thiếu máu do thiếu sắt ngoài tình trạng mệt mỏi cơ thể còn có các dấu hiệu như yếu ớt, mức năng lượng thấp, khó tập trung hay giảm năng suất làm việc.
Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt: khi thiếu sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin cho các tế bào máu đỏ, kết quả làm làn da sẽ bị nhợt nhạt hơn.
Đau ngực, khó thở: triệu chứng này trở nên nặng hơn khi gắng sức, hoạt động thể lực. Triệu chứng này có thể vì hàm lượng hemoglobin trong cơ thể ít hơn bình thường dẫn đến oxy vận chuyển đến các tế bào bị hạn chế.
Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu: Nó bắt nguồn từ việc oxy lên não không đủ làm các mạch máu sưng lên, gây áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Tim đập nhanh: đây cũng là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.
Lý do phải bổ sung sắt: Bạn đang điều trị một loại bệnh lý khác
Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể can thiệp vào khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể bạn. Những loại thuốc ấy có thể bao gồm:
- Kháng sinh nhóm Quinolones bao gồm ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin (Levaquin) và tetracycline (Panmycin)
- Ranitidine (Zantac) và omeprazole (Prilosec) điều trị chứng ợ nóng, loét và các vấn đề khác về dạ dày
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) cho người bị cao huyết áp
- Colestipol (Colestid) và cholestyramine (Prevalite) điều trị chứng cholesterol cao
Ngoài ra, người mắc bệnh thận và đang chạy thận nhân tạo cũng có nguy cơ thiếu máu rất cao. Điều này được lý giải là do thận có trách nhiệm tạo ra hormone erythropoietin. Hormone này tham gia vào quá trình sản sinh tế bào hồng cầu. Vì thế, nếu thận không làm đủ chức năng của nó, cơ thể bạn cũng sẽ bị thiếu hụt hồng cầu dẫn đến thiếu máu.
Nếu bạn đang dùng những loại thuốc vừa nêu hoặc đang chạy thận nhân tạo, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm ra cách khắc phục tình trạng thiếu máu do tác dụng phụ của thuốc. Điều cần lưu ý là bạn không nên tự ngưng dùng thuốc hoặc thay đổi một loại thuốc khác trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp