21/10/2019 12:51
5 điểm mới áp dụng ở Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ
Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 đã mang đến sự phát triển toàn diện cho CPTPP.
Nhằm đảm bảo thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có 5 điểm mới như sau:
1. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là một bộ phận của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi.
Đây là một loại hình kinh doanh bảo hiểm mới được quy định, theo đó, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm 5 hoạt động:
- Tư vấn bảo hiểm;
- Đánh giá rủi ro bảo hiểm;
- Tính toán bảo hiểm;
- Giám định tổn thất bảo hiểm;
- Hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ 2019, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư sửa đổi.
2. Tư vấn bảo hiểm phải có trình độ từ đại học trở lên
Để cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, cá nhân phải có đủ các điều kiện theo Điều 93b Luật Kinh doanh bảo hiểm:
- Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có văn bằng từ đại học trở lên và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.
Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng đủ các điều kiện:
- Có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động hợp pháp;
- Cá nhân trực tiếp hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có văn bằng, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm phù hợp với loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thực hiện.
Tới 1/11/2020, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm trước ngày Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực (1/11/2019) phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Trường hợp hết thời hạn mà không đáp ứng các điều kiện, cá nhân, tổ chức đó không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.
3. Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phụ trợ bảo hiểm
Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm và tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được:
- Cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hợp đồg bảo hiểm mà tổ chức đố đồng thời là bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đó thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Lưu ý, hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
4. Chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu không được sử dụng liên tục 5 năm
Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu (khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ 2019).
Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 5 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.
5. Thay đổi tiêu chí xác lập quyền sở hữu công nghiệp với chỉ dẫn địa lý
Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luât Sở hữu trí tuệ hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thay vì như trước đây, quyền này được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ tiếp tục kế thừa tinh thần của khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, theo đó, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Luật sửa đổi Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1/11/2019, trừ một số quy định về sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 (khoản 4 Điều 3).
(Nguồn: LuatVietNam)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp