20/04/2020 19:48
5 cuốn sách hay về năng lực cạnh tranh, người làm quản lý nên đọc
Tập hợp 5 cuốn sách về năng lực cạnh tranh dưới đây sẽ lấp đầy khoảng trống trong tư duy quản lý, những người điều hành doanh nghiệp không thể bỏ qua.
5 quyển sách hay về năng lực cạnh tranh là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ quản lý của các cơ quan, doanh nghiệp cả khu vực nhà nước và tư nhân…; học viên các trường đào tạo về quản trị kinh doanh… và những bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Chiến lược cạnh tranh
Tác phẩm tiên phong “Chiến lược cạnh tranh” của Michael E. Porter - đã thay đổi cả lý thuyết, thực hành và giảng dạy chiến lược kinh doanh trên toàn thế giới. Hấp dẫn trong sự đơn giản - giống như mọi phát minh lớn - phân tích của Porter về các ngành công nghiệp đã thâu tóm toàn bộ sự phức tạp của cạnh tranh ngành vào năm yếu tố nền tảng.
Porter đã giới thiệu một trong những công cụ cạnh tranh mạnh mẽ nhất cho tới nay: ba chiến lược cạnh tranh phổ quát - chi phí thấp, khác biệt hóa và trọng tâm, những chiến lược đã biến định vị chiến lược trở thành một hoạt động có cấu trúc.
Sách được viết cho những người hoạt động thực tiễn cần phát triển chiến lược cho những doanh nghiệp cụ thể và cho những học giả muốn hiểu về cạnh tranh tốt hơn. Nó cũng hướng đến những độc giả khác muốn hiểu về ngành và các đối thủ cạnh tranh của họ. Phân tích cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc hoạch định chiến lược kinh doanh mà cả đối với tài chính doanh nghiệp, marketing, phân tích chứng khoán và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.
Tương lai của cạnh tranh
Cuốn sách này trình bày những cơ hội chưa từng có cho việc kiến tạo giá trị và quá trình cách tân. Sách có mục đích rất rõ ràng: hướng dẫn các nhà lãnh đạo kinh doanh trong việc tìm kiếm trọng tâm chiến lược mới, giúp họ phá vỡ những phương thức gò bó và khám phá ra phương thức mới.
Các nhà kinh doanh đều nhận thấy, khách hàng ngày nay có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết, tuy vậy họ lại có ít sự hài lòng. Những ban quản trị hàng đầu đưa ra nhiều chọn lựa mang tính chiến thuật, song chúng mang lại ít giá trị thật sự. Những nghịch lý này đưa ra gợi ý gì về tương lai của cạnh tranh?
C.K. Prahalad, đồng tác giả cuốn sách bán chạy mang tính bước ngoặt, Tương lai của cạnh tranh, và Venkat Ramaswamy lý luận rằng chúng ta đang ở đỉnh của một thế giới với rất nhiều thay đổi - một thế giới mà trong đó vai trò rõ rệt của các công ty và khách hàng có sự giao thoa, đồng thời những nguồn lực kiến tạo giá trị đang thay đổi nhanh chóng.
Lợi thế cạnh tranh
Phát triển những khái niệm và khung mẫu phân tích trong hai tác phẩm nêu trên, tác phẩm Lợi Thế Cạnh Tranh của Michael Porter đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về quá trình tạo dựng và duy trì sự thịnh vượng trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại.
Nghiên cứu đột phá của Porter về cạnh tranh quốc tế đã định hình chính sách quốc gia cho nhiều nước trên thế giới. Nó cũng làm thay đổi suy nghĩ và hành động ở các bang,các thành phố, các công ty và thậm chí là toàn bộ khu vực như Trung Mỹ…
Cuốn sách bắt đầu với tiền đề rằng lợi thế cạnh tranh xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó đưa ra cách thức gắn lợi thế cạnh tranh với những hoạt động cụ thể cũng như cách liên kết các hoạt động ấy với nhau và với hoạt động của nhà cung cấp, khách hàng.
Cuốn sách này cũng nghiên cứu những nguyên nhân tiềm tàng của lợi thế trong một hoạt động cụ thể: lý do tại sao một doanh nghiệp đạt chi phí thấp hơn, bằng cách nào mà các hoạt động tạo ra giá trị hữu hình cho người mua. Nó nhấn mạnh rằng đa số vị thế cạnh tranh tốt bắt nguồn từ các hoạt động khác nhau.
Cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực
Cuốn sách “Cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực” do TS. Vũ Thanh Sơn - Trưởng khoa Kinh tế Chính trị (Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I) chủ biên đã làm rõ bức tranh cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực thời gian qua, nhận diện các nét “sáng” và “tối” của bức tranh này ở Việt Nam.
Dựa trên số liệu sơ cấp và thứ cấp sưu tầm được, cuốn sách đã chỉ rõ nhiều phát hiện nghiên cứu bao hàm cả những yếu tố tích cực tạo tiền đề cho môi trường cạnh tranh và nhiều hạn chế, bất cập trong phát triển thị trường lao động nói chung và tuyển chọn nhân lực nói riêng của Việt Nam.
Cuốn sách có những gợi mở tư duy về cách tuyển chọn nhân lực phù hợp hơn trong xu thế vận động của thị trường trong nước và hội nhập thị trường lao động toàn cầu. Bên cạnh đó là hệ thống giải pháp xúc tiến cạnh tranh trong tuyển chọn nhân lực của nền kinh tế nói chung và khu vực công nói riêng trong điều kiện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội Việt Nam.
Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ quản lý của các cơ quan, doanh nghiệp cả khu vực nhà nước và tư nhân…; học viên các trường đào tạo về quản trị kinh doanh… và những bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Lý thuyết cạnh tranh doanh nghiệp thương mại
Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh không những được thừa nhận là môi trường, động lực của sự phát triển nói chung, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả của các doanh nghiệp nói riêng, mà còn được xem là yếu tố quan trọng làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội khi Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế.
Chính sách đổi mới, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam đã làm cho các doanh nghiệp chủ động tạo lập vị thế và cạnh tranh trên thị trường, phát huy năng lực thông qua các sản phẩm sáng tạo và khẳng định vị thế doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thương mại nói riêng hiện nay còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cuốn sách chuyên khảo “Lý thuyết cạnh tranh doanh nghiệp thương mại” được viết cho học viên đào tạo sau đại học và độc giả quan tâm tới chuyên ngành quản lý kinh tế. Cuốn sách gồm 5 chương bao toán toàn bộ các lý thuyết cạnh tranh trong doanh nghiệp thương mại.
Advertisement
Advertisement