21/08/2020 15:16
45 ngày 'điên đảo' cùng giá vàng
Từ mốc dưới 49 triệu, giá vàng vọt tăng điên đảo sau khi vượt 50 triệu đồng/lượng vào ngày 6/7. Trong 45 ngày, vàng đã tăng đến 10 triệu đồng/lượng.
Vài ngày trở lại đây, bà Thanh Hương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn chưa hết hoàn hồn về sự biến động của giá vàng. Là cán bộ nhà nước đã về hưu và đang có vài lượng vàng phòng thân, bà Hương gọi những ngày qua là những ngày điên đảo cùng giá vàng, bởi vàng liên tục lập đỉnh, có thời điểm vượt ngưỡng 62 triệu đồng/lượng.
Tăng nhanh nhưng cũng giảm nhanh, sau khi lên đỉnh thì giá vàng rớt mạnh, hiện loanh quanh ở vùng 56 triệu đồng/lượng.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ vàng lên đến 50 triệu đồng một lượng, nhưng nó đã vượt qua và vượt cả 60 triệu đồng những ngày qua. Câu chuyện hơn một tháng nay của tôi và mấy bà bạn già đều xoay quanh giá vàng để quyết định mua hay bán”, bà Hương nói.
45 ngày điên đảo cùng giá vàng
Chỉ hơn 1 tháng, vàng đã khiến nhà đầu tư lớn đến người mua nhỏ lẻ bán loạn. Ảnh: TTO |
Giá vàng miếng SJC trong nước lần đầu tiên chạm mốc 50 triệu đồng/lượng vào cuối ngày 6/7.
Các doanh nghiệp trong nước như như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Tập đoàn PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu đều niêm yết giá bán ra cuối ngày 6/7 quanh mức 50 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá vượt xa mốc kỷ lục 49 triệu đồng/lượng mà vàng từng chinh phục hồi 9 năm về trước, tháng 8/2011.
Với các nhà đầu tư, 50 triệu đồng/lượng được xem là “mốc tâm lý”. Do đó, việc những ngày sau, vàng miếng vẫn loanh quanh ở vùng này đã tạo điều kiện để vàng nhanh chóng bứt tốc, tăng vọt vào tuần cuối cùng của tháng 7.
Ngày 24/7, giá vàng tăng vọt lên thêm vài triệu đồng mỗi lượng, bán ra lên đến 55,16 triệu đồng/lượng và đến ngày 28/7, các doanh nghiệp chấp nhận bán với giá chẵn 58 triệu đồng/lượng.
Chưa dứt đà tăng, “cơn sốt” vàng thực sự nóng vào những ngày đầu tháng 8.
Hôm 6/8, thị trường vàng căng thẳng khi giá liên tục trồi sụt, các doanh nghiệp điều chỉnh mỏi tay, có thời điểm lên đến 62 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán ra nhưng cuối ngày giảm mạnh về mức 60,9 triệu đồng/lượng. Dù vậy, đây vẫn là mốc cao kỷ lục của vàng trong nước.
Ngay ngày hôm sau, 7/8, giá vàng SJC lại tiếp tục tăng sốc, lần đầu tiên chốt phiên giữ giá ở mức 62,4 triệu đồng/lượng (bán ra) và 60,75 triệu đồng/lượng (mua vào). Chỉ trong 2 ngày, giá vàng miếng SJC trong nước đã tăng đến 4 triệu đồng mỗi lượng. Lần đầu tiên vàng mua vào và bán ra trên mức 60 triệu đồng, là kỷ lục của kỷ lục từ trước đến nay.
Diễn biến giá vàng từ ngày chính phục mức 50 triệu đến nay. Đồ họa: N.Phương |
Sau vài ngày tăng nóng, các phiên giao dịch sau đó, giá vàng nhanh chóng giảm mạnh vài triệu đồng mỗi lượng. Hiện vàng trong nước giao dịch ở vùng 56 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào - bán ra khoảng 1,5 triệu đồng/lượng và ít có sự biến động mạnh giữa các phiên.
Bán vàng lời ngay 10-20 triệu đồng
45 ngày giá vàng tăng điên đảo sau khi chạm mốc 50 triệu đồng/lượng, khiến bà Hương và những “những người bạn già” của mình như những chuyên gia tài chính, vì liên tục dõi theo giá bán giá mua hàng giờ. Thực tế, không riêng bà Hương, vàng chính là tâm điểm của dư luận hơn một tháng qua.
Tại TP.HCM, một thị trường ít bị tác động bởi giá vàng hơn Hà Nội nhưng ngày vàng “lên đỉnh”, trụ sở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) tấp nập người ra vào bốc số, chờ đến lượt giao dịch, bất chấp dịch COVID-19.
Đây là một hiện tượng khác biệt so với những lần vàng “sốt giá” trước đó. Tính chung, nếu mua vàng từ đầu năm ở vùng 42 triệu đồng/lượng, những người bán vàng tại SJC hay những cửa hàng kinh doanh vàng miếng khác trên cả nước hôm 7/8 đã lời đến 20 triệu đồng/lượng.
Số tiền lời sẽ càng cao hơn với những người đã mua vàng phòng thân từ vài năm trước như bà Hương. Trường hợp nếu bán vàng ở điểm hiện nay thì tiền lời ít nhất cũng hơn chục triệu đồng.
Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn cũng xác nhận giai đoạn qua, xu hướng khách bán ra để chốt lời nhiều hơn mua vào. Tuy vậy, vẫn không ít người bỏ tiền gom vàng, vì cho rằng xu hướng vàng sẽ tiếp tục tăng cao do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới.
Cảnh xếp hàng mua vàng tại SJC trong đợt sốt 7/8. Ảnh: TTO |
Trước tác động của dịch bệnh, vàng thế giới đã tăng mạnh từ mức 1.775 USD/ounce (ngày 6/7) lên đỉnh 2.058 USD (ngày 7/8), tăng gần 300 USD/ounce chỉ sau một tháng. Tuy nhiên, hiện kim loại quý trên sàn giao dịch quốc tế đã rớt về 1.945 USD/ounce, trước thông tin về số lượng người thất nghiệp tại Mỹ giảm, cũng như các tín hiệu lạc quan về vaccines phòng chống COVID-19.
Song còn nhiều lo ngại về sự khả quan của vaccines nên các nhà đầu tư quốc tế cho rằng vàng tiếp tục là kênh đầu tư truyền thống an toàn trong tình hình hiện nay. Trong khi Việt Nam không sản xuất được vàng nguyên liệu nên giá vàng trong nước chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới.
4 dấu hiệu không nên mua vàng
Nhận định về giá vàng, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng ngắn hạn, thị trường vàng khó có động lực giảm giá mạnh trước khi mẻ vaccine chống COVID-19 đầu tiên chính thức được tung ra thị trường vào đầu quý IV/2020.
Là nơi trú ẩn an toàn nhất cho nhà đầu tư khi giá trị tiền tệ suy giảm, giá vàng khó quay trở lại mức dưới 40 triệu/lượng, và tùy thuộc vào kết quả hai mặt của các gói hỗ trợ kinh tế thế giới mới tung ra do dịch COVID-19, cũng như triển vọng hạ nhiệt căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung cả về kinh tế và ngoài kinh tế.
Điều đáng mừng là dù giá vàng trong nước và thế giới có nhiều biến động, song các động thái tăng giảm thường cùng chiều và trật tự thị trường vàng trong nước vẫn được bảo đảm, không xuất hiện tình trạng đầu cơ.
4 dấu hiệu không nên mua vàng. Ảnh: VNE |
Ông cho rằng tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát tốt.
Chuyên gia khuyến cáo người dân cần cảnh giác và chủ động giảm bớt tác động tiêu cực của các yếu tố tâm lý đám đông trên thị trường vàng trong nước, với 4 dấu hiệu nhận diện nổi bật.
Thứ nhất, mức chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán tới hàng triệu đồng so với bình thường chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Thứ hai, mức cao hơn vài trăm nghìn đồng giữa giãn cách giá trong nước và giá thế giới, tức mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới.
Thứ ba, có quá nhiều số lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử, tức các doanh nghiệp điều chỉnh giá vàng nhiều lần trong ngày.
Thứ tư, sự giảm giá nhanh chóng mỗi khi có tuyên bố của NHNN về sẵn sàng bán vàng ra để can thiệp thị trường vàng trong nước…
“Thực tế cho thấy, khi xuất hiện một hay vài yếu tố nhận diện trên có nghĩa là giá vàng trong nước đang chịu tác động mạnh mẽ của tâm lý. Khi đó, người dân không nên mua vàng, vì sẽ chịu rủi ro giá giảm nhanh”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp