Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

4 tuyến đường “dát vàng” trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm trễ tiến độ: Công ty Đại Quang Minh có vô can?

Vàng - Ngoại tệ

11/01/2019 08:22

4 tuyến đường dài 11,9km nhưng trị giá 12.182 tỷ đồng do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, tháng 2/2017 phải hoàn thành nhưng đến nay vẫn dang dở.

Đắt khủng khiếp!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 12/11/2013, UBND TP.HCM và Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đã ký tắt Hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cận cảnh 4 tuyến đường "dát vàng" bị trễ tiến độ trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đại diện UBND TP.HCM ký hợp đồng này khi đó là ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Đại diện Công ty Đại Quang Minh là ông Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật của công ty.

Theo đó, Đại Quang Minh cam kết xây dựng 4 tuyến đường với nguồn vốn do công ty tự thu xếp theo đúng nội dung, quy mô, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thiết kế cơ sở và chuyển giao cho UBND TP.HCM sở hữu, quản lý, khai thác sau khi hoàn thành.

Đổi lại, UBND TP.HCM cam kết giao đất cùng thời điểm ký hợp đồng số 698 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 79ha để Công ty Đại Quang Minh làm dự án khác để thu hồi vốn đã bỏ ra để thực hiện hợp đồng BT và thu lợi nhuận.

Mục tiêu của 4 tuyến đường này là từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Thủ Thiêm để xây dựng một khu đô thị tầm cỡ trong khu vực và thế giới, có hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại…

Hệ thống giao thông trên 4 tuyến đường chính là cầu, đường, nút giao thông, cây xanh, chiếu sáng và trạm xe buýt.

Các công trình tiện ích trên 4 tuyến đường chính là công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước, hệ thống cấp điện, hệ thống viễn thông và hệ thống thu gom nước thải, rác thải.

4 tuyến đường do Đại Quang Minh xây dựng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm có ký hiệu từ R1-R4.

Trong đó, Đại lộ Vòng Cung (R1) có điểm đầu là nút giao C1, cắt giữa đường Lương Định Của và Trần Não hiện hữu. Điểm cuối là nút giao C4, cắt giữa đường Vùng châu thổ, đường Ven hồ trung tâm và đường Ven sông Sài Gòn.

Đường Ven hồ trung tâm (R2) có điểm đầu là nút giao C1, điểm cuối là nút giao C4. Đường ven sông Sài Gòn (R3) có điểm đầu là nút giao C3 cắt với Đại lộ Vòng cung, điểm cuối là nút giao C4.

Đường Vùng châu thổ, đường Châu thổ, đường Ven sông khu dân cư có ký hiệu là R4. Trong đó, đường Vùng châu thổ có điểm đầu là nút giao C4, điểm cuối là nút giao C5 cắt với đường Trục Bắc Nam.

Đường Châu thổ có điểm đầu là nút giao C5, điểm cuối tiếp giáp với đường Ven sông khu dân cư. Còn đường Ven sông khu dân cư có điểm đầu tiếp giáp với đường Châu thổ, điểm cuối giao cắt giữa đường Mai Chí Thọ và đường Ven sông khu dân cư.

Về khối lượng, 4 tuyến đường R1-R4 có mặt đường bê tông bằng nhựa, tổng chiều dài khoảng 11,9km, chiều rộng mặt cắt ngang từ 11,6-55m. Ngoài ra, 4 tuyến đường này còn có 10 cây cầu. Trong đó có 2 cầu cạn với tổng chiều dài khoảng 1,8km. 6 nút giao chính và 76 nút giao nội bộ…

Đường Ven sông Sài Gòn không vướng mặt bằng nhưng còn rất nham nhở.
Đường Ven sông Sài Gòn không vướng mặt bằng nhưng còn rất nham nhở.

Về kỹ thuật của 10 cây cầu là bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm. Tiêu chuẩn thiết kế với tải trọng HL-93, người đi bộ 3x10-3MPa theo tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN272-05. Cấp động đất cấp 7, thang MSK-64.

Còn 4 tuyến đường có kết cấu áo đường là mặt đường cao cấp A1, mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc lớn hơn hoặc bằng 161MPa với tuyến R1 và R2, mô đun đàn hồi yêu cầu Eyc lớn hơn hoặc bằng 146MPa với tuyến R3 và R4.

Bề mặt vỉa hè lát đá hoặc gạch Terrazzo, tuỳ theo tuyến đường. Hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông và an toàn giao thông thực hiện theo QCVN41:2012/BGTVT và các quy định hiện hành. Kè bảo vệ các đoạn dọc tuyến sông là kè đứng bằng cừ bê công cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài khoảng 550m…

Tổng mức đầu tư 4 tuyến đường là hơn 12.182 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 6.500 tỷ đồng, chi phí thiết bị 24,5 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 28,3 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 278 tỷ đồng.

Chi phí khác là 117,3 tỷ đồng, chi phí dự phòng do thay đổi mức lương và bù giá nhiên liệu 635 tỷ đồng, chi phí dự phòng do phát sinh khối lượng 681 tỷ đồng, chi phí dự phòng do trượt giá 1.805 tỷ đồng, chi phí lãi vay 2.111 tỷ đồng.

Công ty Đại Quang Minh chịu trách nhiệm huy động toàn bộ vốn đầu tư. Trong đó, vốn tự có tối thiếu là 10,91% của số tiền 12.182 tỷ đồng và Đại Quang Minh được huy động 89,09%. Công ty phải bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng này dưới hình thức bảo lãnh thực của một ngân hàng với số tiền gần 98 tỷ đồng.

Như vậy, 4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12km, chiều rộng từ 11,6-55m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay 3.917 tỷ đồng thì tổng số vốn lên đến 12.182 tỷ đồng.

Trong khi đó, những con đường khác phụ vụ cho Khu đô thị Sala thì đã làm xong và rất tươm tất.
Trong khi đó, những con đường khác phụ vụ cho Khu đô thị Sala thì đã làm xong và rất tươm tất.

Như vậy, trung bình mỗi km đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng, gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua là gần 182 tỷ đồng/km và hơn gấp 3 lần cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khoảng 250 tỷ đồng/km. Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, suất đầu tư này đắt khủng khiếp.

Điều đáng nói hơn, căn cứ theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức BOT, BT… thì UBND TP HCM chỉ được phê duyệt các dự án BT có tổng mức đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng, trong khi dự án này tổng mức đầu tư hơn 12.182 tỷ đồng. Như vậy, việc ký kết hợp đồng này là không đúng thẩm quyền.

Trễ tiến độ

Công ty Đại Quang Minh cam kết hoàn thành 4 tuyến đường trong 36 tháng và dự kiến tháng 2/2017 sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đã 60 tháng trôi qua nhưng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa thể hoàn thành vì rất nhiều lý do.

Cụ thể, đường R1 có mặt cắt ngang 55m, 6 làn xe đoạn giữa trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn chỉ là nền đất. Dù trên thực tế, tuyến đường này thuộc đường cấp 1, là trục xương sống kết nối các khu chức năng của Thủ Thiêm. Ngay tại hạng mục đường vượt qua cửa hầm Thủ Thiêm vẫn đang ngổn ngang.

Tương tự, đường Ven sông Sài Gòn dài 3km, mặt cắt ngang 28,1m chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn, hiện đoạn từ hầm Thủ Thiêm tới cầu Thủ Thiêm 2 vẫn đang thi công dang dở. Con đường này ngưng thi công hơn 1 năm qua và chưa có dấu hiệu thi công trở lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà đầu tư ban đầu cho 4 tuyến đường này không phải Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh mà Tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI).

Cụ thể, ngày 19/12/2008, UBND TP.HCM có văn bản số 7910/UBND-ĐTMT chấp thuận cho VIDIFI lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT. Sau đó, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm tuyến đường Vòng cung châu thổ, nên dự án có 4 tuyến đường.

Tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận và giao UBND TP.HCM quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT này. Dựa vào đó, năm 2010, UBND TP.HCM giao quyền đầu tư dự án cho VIDIFI.

Quỹ đất trong Hợp đồng BT làm 4 tuyến đường
Quỹ đất trong Hợp đồng BT làm 4 tuyến đường "dát vàng" trong Khu đô thị Thủ Thiêm đã trở thành Khu đô thị Sala. Căn hộ, biệt thự thì Công ty Đại Quang Minh đã bán vài năm nay nhưng đường thì chưa xong.

Tuy nhiên, VIDIFI lại đề xuất hợp tác đầu tư cùng Đại Quang Minh. Ngày 7/12/2012, UBND TP.HCM đồng ý với sự hợp tác trên. Nhưng đến ngày 27/5/2013, VIDIFI có công văn gửi UBND TP.HCM xin rút khỏi liên doanh thực hiện dự án.

Tháng 6/2013, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất trên và chấp thuận cho Công ty Đại Quang Minh thay thế VIDIFI triển khai 4 tuyến đường với tổng mức đầu tư 12.182 tỷ đồng. Trong đó, 3.917 tỷ đồng là chi phí dự phòng trượt giá và chi phí lãi vay.

Vào tháng 2/2014, Công ty Đại Quang Minh khởi công dự án. Tiếp đó ngày 22/5/2014, Đại Quang Minh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông vào chung một hợp đồng BT với dự án 4 tuyến đường chính.

Về cơ chế đầu tư và thanh toán hợp đồng BT cho dự án này, năm 2014, UBND TP.HCM giao cho Đại Quang Minh gần 79ha đất vàng tại 2 phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông ở quận 2. Trong đó có 36ha là đất ở và thương mại dịch vụ. 8,73 ha đất công trình công cộng và tiện ích xã hội như trường học, nhà văn hóa, bến du thuyền. 1,79ha đất xây dựng công viên cây xanh và 31,25ha đất giao thông.

Trả lời về vấn đề này, đại diện truyền thông Công ty Đại Quang Minh cho biết, 4 tuyến đường chính theo hợp đồng đã ký kết với UBND TPHCM có tổng vốn đầu tư là 8.265 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí trượt giá và dự phòng lãi vay. Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 2/2018, trừ một số phân đoạn còn vướng  giải phóng mặt bằng chưa được thi công.

Hiện tại, dựa theo thực tế thi công và nghiệm thu công trình, chi phí đầu tư xây dựng dự án dự kiến khoảng 6.300 tỷ đồng. Tuy nhiên TP.HCM chỉ mới giải ngân cho công ty số tiền khoảng 2.600 tỷ đồng.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement