27/04/2021 20:34
4 nữ doanh nhân Việt vào danh sách truyền cảm hứng năm 2021, họ là ai?
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách "20 Phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021".
Bà Trần Thị Lệ, Tô Thụy Diễm Quyên, Nguyễn Thị Phương Thảo và Văn Đinh Hồng Vũ là 4 nữ doanh nhân nằm trong danh sách này.
Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Nutifood
Bà được biết đến như là một "nữ tướng" đã thành công trong việc đánh thức Nutifood - một tập đoàn "đang ngủ quên" để rồi giờ đây vươn mình ra thị trường quốc tế.
Vào những năm 90, bà Lệ thấy rằng cứ 10 trẻ em đến nhập viện thì có 2-3 trẻ tử vong vì tình trạng suy dinh dưỡng, không thể đáp ứng được yêu cầu điều trị. Lúc bấy giờ, bà đã mày mò kết hợp các loại thực phẩm cho vào chiếc máy xay sinh tố xay nhuyễn kèm men tiêu hóa, giúp nuôi các em ăn qua ống thông dạ dày.
Bà Trần Thị Lệ thích nghiên cứu dinh dưỡng, lại có khiếu kinh doanh nên từ năm 1999 đã được phân công về làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở Đồng Tâm - tiền thân của NutiFood ngày nay.
Xuất thân là bác sĩ dinh dưỡng tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, bà Trần Thị Lệ nổi lên trong vai trò nhà điều hành doanh nghiệp vực dậy Nutifood.
Nutifood phát triển các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt với các loại sữa đặc trị, các dòng sản phẩm đi theo vòng đời người tiêu dùng từ trẻ sơ sinh cho đến người già.
Trong suốt chặng đường phát triển đến nay, Nutifood giữ vững vị thế là nhà sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa hàng đầu, và là một trong ba nhà sản xuất và kinh doanh sữa lớn nhất Việt Nam.
Tô Thụy Diễm Quyên, Giám đốc điều hành InnEdu
Nữ doanh nhân này từng là trẻ tự kỷ và mắc chứng khó đọc, bà trở thành người truyền lửa sáng tạo hướng dẫn các phương pháp giáo dục tích cực để học sinh hạnh phúc khi học tập.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên làm việc trong lĩnh vực giáo dục 30 năm ở cả ba vai trò giáo viên, chuyên viên đào tạo và chủ doanh nghiệp giáo dục InnEdu, chuyên về STEAM.
Là giảng viên của các chương trình về đổi mới sáng tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám khảo các cuộc thi giáo viên sáng tạo cấp địa phương và quốc gia, bà đào tạo và tập huấn cho hơn 60.000 lượt lãnh đạo giáo dục và giáo viên tại hơn 40 tỉnh, thành về các kỹ năng liên quan đến STEAM, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, các phương pháp dạy học sáng tạo và tạo động lực tích cực cho học sinh.
Hành trình trở thành chuyên gia giáo dục của Diễm Quyên bắt đầu từ quan sát con và nhiều học sinh đến trường với cảm giác chán nản. Bà muốn học sinh cảm nhận niềm hạnh phúc trong học tập. Với bà, giải thưởng Trái tim người thầy, do phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP.HCM trao tặng năm 2000 “có ý nghĩa quan trọng nhất,” khiến bà nhận ra “không bao giờ nên quay lại với những cách dạy cũ kém hiệu quả nữa.”
Từ giáo viên dạy hóa ở một trường cấp hai công lập, bà trở thành chuyên gia giáo dục chuyên đào tạo, tập huấn cho giáo viên và các lãnh đạo giáo dục. Quyết định này giúp bà “mỗi năm chạm đến hàng chục ngàn học sinh thay vì chỉ vài trăm em”.
Năm 2014, bà tham gia diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha, cũng là người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Expert Fellow). Tháng 10/2020, InnEdu do bà sáng lập trở thành đối tác đào tạo toàn cầu đầu tiên của Microsoft tại Việt Nam.
Bà Quyên thực hiện nhiều dự án cá nhân như mở khóa đào tạo trực tuyến miễn phí cho giáo viên, huy động trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên khó khăn… Chương trình 1.000 laptop yêu thương cho giáo viên nghèo ở các tỉnh, thành phố do bà khởi xướng đã trao tặng 400 laptop sau sáu tháng.
Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Hãng hàng không Vietjet
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người sáng lập và điều hành Vietjet, hãng hàng không tư nhân đang nắm thị phần lớn về chuyên chở hành khách ở Việt Nam.
Trong bối cảnh ngành hàng không phải giảm số chuyến bay trung bình 33% do tác động của COVID-19, Vietjet là một trong số ít hãng hàng không trong khu vực có lợi nhuận trong năm 2020.
Với lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 đạt 274 tỉ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietjet đạt 70 tỉ đồng. Để bù đắp sự sụt giảm do mất lượng khách quốc tế và nội địa suy giảm, Vietjet tăng doanh thu chuyên chở hàng hóa, đa dạng hóa dịch vụ.
Bên cạnh Vietjet, bà Thảo còn tham gia điều hành HDBank và Sovico.
Văn Đinh Hồng Vũ, CEO ELSA
Văn Đinh Hồng Vũ là nhân vật nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng startup Việt. Đồng sáng lập kiêm CEO ELSA (English Language Speech Assistant), trợ lý ngôn ngữ ảo nhận diện giọng nói để sửa lỗi phát âm tiếng Anh có độ chính xác cao, vừa trở thành gương mặt nữ Việt Nam duy nhất đến nay có mặt trong mạng lưới các doanh nhân tạo tác động cao Endeavor.
Năm 2018, hai năm sau khi ra mắt, ELSA gọi vốn 3,2 triệu USD ở vòng tiền seri A. Năm tiếp theo, ELSA trở thành lựa chọn đầu tư đầu tiên của Gradient, quỹ mạo hiểm chuyên về trí tuệ nhân tạo của Google ở châu Á.
ELSA cũng là công ty Việt Nam đầu tiên được chọn tham dự Google Launchpad, chương trình của Google giúp các start-up công nghệ xây dựng công ty thành công.
Vào tháng 2/2021, ELSA gọi vốn thành công vòng B tổng số 15 triệu USD trong bối cảnh huy động vốn trong giới khởi nghiệp khó khăn.
Năm năm kể từ khi ra mắt tại thung lũng Silicon, tính đến tháng 3/2021, start-up này đã gọi vốn thành công 27 triệu USD từ các nhà đầu tư, với các văn phòng tại Bồ Đào Nha, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản.
Theo thông tin từ ELSA, ứng dụng hiện có hơn 13 triệu lượt người dùng từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 5 triệu người dùng từ Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại thương TP.HCM, Vũ làm việc tại nước ngoài, trở thành trợ lý tổng giám đốc của Maersk và trưởng dự án cấp cao cho công ty tư vấn Booz & Company. Vũ có hai bằng thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh và thạc sĩ quản lý giáo dục của ĐH Stanford. Cô phát triển ELSA trong lúc có con đầu lòng.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement