27/05/2018 08:47
4 bước quan trọng cần thực hiện khi mua bán nhà tại phòng công chứng
Công chứng viên càng lâu năm thì khả năng nhận biết rủi ro càng tốt như sổ đỏ giả, chủ nhà giả... hoặc các rủi ro khác của người đi giao dịch.
Thực hiện giao dịch mua bán bất động sản luôn đòi hỏi nhiều bước liên kết chặt chẽ với nhau, kéo theo đó là những chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng mà bạn không thể bỏ qua. Và 4 lưu ý khi đi công chứng mua bán bất động sản dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế những sai sót không cần thiết.
Công chứng ở đâu?
Kinh nghiệm cho thấy là công chứng ở đâu cũng được. Công chứng Nhà nước (phòng công chứng) thì một số người cảm giác yên tâm hơn. Tuy nhiên công chứng tư (văn phòng công chứng) thì có những ưu điểm riêng khác như dịch vụ, cơ sở vật chất tốt hơn.
Điểm quyết định để chọn công chứng tư hay công chứng Nhà nước là năng lực của công chứng viên. Công chứng viên càng lâu năm thì khả năng nhận biết rủi ro càng tốt như sổ đỏ giả, chủ nhà giả... hoặc các rủi ro khác mà có thể người đi công chứng chưa biết nên hạn chế thấp nhất rủi ro của người đi giao dịch.
4 lưu ý khi đi công chứng mua bán bất động sản sẽ giúp bạn hạn chế những sai sót không cần thiết. |
Bạn nên thiết lập một mối quan hệ thân thiết với công chứng viên phòng khi hữu sự. Đồng thời mối quan hệ này sẽ hỗ trợ cho con đường kinh doanh bất động sản của bạn trong tương lai.
Chi phí hay thuế gì?
Khi công chứng mua bán nhà đất, bạn phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 2% giá trị mua bán, ghi trên hợp đồng công chứng. Tiền này người bán đóng. Trường hợp người bán chỉ có một căn nhà duy nhất và đã sở hữu căn nhà này trên 183 ngày thì được miễn thuế.
Thuế trước bạ là 0,5% giá trị mua bán ghi trên hợp đồng công chứng. Thuế này người mua đóng. Ví dụ, nhà bán 5 tỷ đồng thì người bán đóng 100 triệu và người mua đóng 25 triệu. Nếu người bán có căn nhà duy nhất và sở hữu căn nhà này trên 183 ngày thì được miễn.
Ngoài ra còn có lệ phí công chứng, phí này tuỳ theo giá trị nhà. Phí đăng bộ thì không đáng kể. Chẳng hạn ở quận 3 khoảng 150.000 đồng cho nhà dưới 6,5 tỷ đồng.
Giá bán trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá giao dịch để bớt thuế có rủi ro gì không?
Câu trả lời là có và sẽ tạo rủi ro cho bên người bán. Giả sử nhà bán trong hợp đồng đặt cọc ghi 10 tỷ đồng. Nhưng ra phòng công chứng ghi có 3 tỷ đồng thì trong trường hợp tranh chấp, Toà án phải chứng minh giao dịch thực sự là 10 tỷ. Nhưng trong trường hợp đó khả năng là bên bán và bên mua sẽ còn liên đới trách nhiệm liên quan tới việc trốn thuế.
Hoặc giả bên mua xảy ra tranh chấp thì căn cứ trên hợp đồng công chứng cũng rất khó khăn cho bên bán. Vì giá ghi trên hợp đồng công chứng thấp hơn trên hợp đồng đặt cọc rất nhiều. Nên phải ghi đúng, ghi đủ hoặc phải chọn mặt gửi vàng, thoả thuận chặt chẽ với bên mua nếu bạn là người bán.
Ký tên mua bán và giao nhận tiền sao cho an toàn?
Bước 1: Hai bên ký hợp đồng, lăn tay trên hợp đồng mua bán.
Bước 2: Thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng để tiết kiệm thời gian kiểm đếm. Nên chọn ngân hàng gần phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng.
Bước 3: Quay lại phòng công chứng, nhận hợp đồng công chứng có dấu phát hành của phòng công chứng.
Tất cả 3 bước này phải diễn ra trong một buổi và không nên kéo dài thời gian vì sẽ có nhiều phát sinh không đáng có.
*Tác giả là Tổng giám đốc Phú Vinh Group.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp