09/01/2025 08:52
3 'ông lớn' viễn thông Viettel, VNPT và MobiFone làm ăn ra sao?
Cùng được định vị “ông lớn" ngành viễn thông nhưng doanh thu năm 2024 của Viettel, VNPT, MobiFone có khoảng cách lớn. Trong khi Viettel và VNPT vượt mức kế hoạch, thì MobiFone thiếu khoảng 2.500 tỷ đồng mới về đích đúng hẹn.
Khoảng cách trong cuộc đua "tam mã"
Thị trường dịch vụ viễn thông di động mặt đất được coi là "đất diễn" của 3 doanh nghiệp thống lĩnh: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.
Tính đến cuối năm 2024, doanh thu hợp nhất của Viettel ước đạt 189,9 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 50,4 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 44,3 nghìn tỷ đồng.
Doanh thu năm 2024 nêu trên giúp Viettel đạt mức tăng trưởng 10,3% so với năm 2023, khi doanh thu hợp nhất của Viettel đạt 172,5 nghìn tỷ đồng. Đây là mức tăng cao nhất ngành và đạt 2 con số sau 7 năm - như giai đoạn vàng son trước đây.
Viettel cho rằng mức tăng trưởng này có phần đóng góp từ thị trường quốc tế. Doanh thu dịch vụ từ các thị trường quốc tế của Viettel tăng 17,3%, đóng góp 80% vào mức tăng trưởng chung của toàn tập đoàn và cao hơn 7 lần mức trung bình trên thế giới.
Năm 2025, Viettel đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 203,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 51,6 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 7,3 và 2,5% so với năm 2024.
Xếp sau là VNPT với doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt gần 42 nghìn tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) giao.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 đạt hơn 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt hơn 4,5 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước hợp nhất năm 2024 đạt gần 5,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ dự kiến đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Năm 2024, tổng doanh thu tập đoàn tăng gần 7% so với năm 2023, khi đạt 54,8 nghìn tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm tới, VNPT đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ đạt 4,6 nghìn tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất Tập đoàn Viettel đạt 62.344 tỷ đồng, trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 44 nghìn tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ ba, MobiFone có doanh thu công ty mẹ năm 2024 ước đạt gần 23,5 nghìn tỷ đồng, đạt 90,3% so với kế hoạch năm 2024, thiếu khoảng 2.500 tỷ đồng mới về đích đúng hẹn. Mức doanh thu này chỉ đạt 90,1% cùng kỳ năm 2023.
Kết quả về doanh thu năm 2024 của MobiFone không có đột biến đáng kể so với năm 2023. Theo báo cáo của MobiFone, năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ của tổng công ty đạt hơn 25,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2024. Cũng trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế và mức nộp ngân sách nhà nước đều ở ngưỡng 1,6 nghìn tỷ đồng, bám sát mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Trong bối cảnh đó, theo dữ liệu của VietTimes, MobiFone đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu gần 26 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ở mức gần 1,8 nghìn tỷ đồng.
Kết quả doanh thu của 3 ông lớn viễn thông trong năm 2023, 2024 và dự kiến năm 2025 cho thấy mức độ suy giảm của nhu cầu thị trường. Không còn tăng trưởng doanh thu hàng năm của các nhà mạng luôn ở mức 2 con số từ nhiều năm qua, thị trường viễn thông di động đã gần tới ngưỡng bão hòa.
Xu hướng sử dụng các dịch vụ OTT (như Zalo, Facebook Messenger, Viber,...) dần chiếm chỗ các dịch vụ thoại, SMS truyền thống. Việc này khiến tốc độ tăng trưởng doanh thu viễn thông giảm mạnh và đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm hướng mở rộng không gian tăng trưởng.
Tại buổi làm việc với Tổng Công ty MobiFone vào tháng 10/2024, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý rằng doanh thu từ SMS, thoại của các nhà mạng trên thế giới chỉ còn khoảng 8-10%, trong khi mảng dịch vụ này vẫn chiếm đến 35% trong tổng doanh thu của MobiFone. Bộ trưởng cho rằng đã đến lúc MobiFone phải phát triển dịch vụ mới, phải đổi mới sáng tạo, không thể phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ truyền thống.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong lịch sử phát triển, MobiFone đặt mục tiêu "chuyển từ giữ vững viễn thông sang tấn công viễn thông, chuyển từ ứng phó 5G sang tấn công 5G". Doanh nghiệp này đề cao việc tận dụng công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị để tiến tới mục tiêu chuyển đổi từ nhà mạng truyền thống (Telco) trở thành một doanh nghiệp công nghệ số (Techco).
Không gian mới 5G từ góc nhìn của 3 "ông lớn"
Điểm nhấn công nghệ năm 2024 là việc thương mại hóa 5G. Hạ tầng số trên nền tảng công nghệ 5G mở ra không gian mới để phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đem đến nhiều giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, cách nhìn nhận về không gian mới này và hướng khai thác dịch vụ 5G của mỗi nhà mạng rất khác nhau.
Nắm giữ 56,6% thị phần di động, Viettel đã khai trương kinh doanh 5G đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, khoảng 70% thuê bao trong vùng phủ 5G Viettel đã sử dụng 5G, tương đương 4 triệu người dùng. Trung bình mỗi thuê bao 5G của Viettel tiêu thụ khoảng 21GB data mỗi tháng, gấp 1,7 lần so với thời điểm mới triển khai 5G.
Việc sử dụng các dịch vụ 5G được nhận định sẽ còn tăng hơn nữa trong năm 2025. Ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel thông tin rằng trong tổng số 66 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ, có khoảng 10 triệu thuê bao Viettel trên toàn quốc có thiết bị đầu cuối 5G, còn khoảng 6 triệu thuê bao đã sẵn sàng chuyển lên dùng 5G. Dư địa tăng trưởng thuê bao 5G của Viettel rất lớn.
Thương mại hóa 5G chỉ 3 tuần qua (từ ngày 20/12/2024), ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó trưởng ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho rằng việc này sẽ giúp mang lại các giá trị mới cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
"Đây là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới", ông Khánh tin tưởng nói và khẳng định công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ khác như Cloud, AI, Big Data,... tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ để phục vụ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn bộ xã hội.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, doanh nghiệp này đã được cấp giấy phép khai thác băng tần C3 và đang nhanh chóng, khẩn trương làm các thủ tục để thương mại hóa 5G trong những tháng đầu năm 2025.
Đáng nói, để mở rộng không gian tăng trưởng mà vẫn tối ưu chi phí, VNPT và MobiFone đã ký thỏa thuận chiến lược, chia sẻ hạ tầng. Hai bên đã tiến hành thử nghiệm liên quan đến 4G và tới đây là 5G. Thỏa thuận giúp tăng khoảng 50% vùng phủ sóng của hai doanh nghiệp.
Bước đầu, VNPT sẽ triển khai ít nhất 3.000 trạm và nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn tiếp theo nhằm bảo đảm phủ sóng mạnh, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.
Tuy vậy, ông Nguyễn Tuấn Huy nêu ra thực tế rằng công nghệ 5G tạo các gói dịch vụ dung lượng lớn hơn về tiêu dùng, khiến nhà mạng không có doanh thu nhảy vọt từ nhóm khách hàng cá nhân.
Thực tế ở thế giới cho thấy, doanh thu trung bình trên một khách hàng cá nhân của thuê bao di động B2C chỉ tăng 1%, trong khi 20% tăng trưởng đến từ B2B, B2G (hợp đồng với doanh nghiệp, chính phủ).
Ông Huy cũng cho biết 5G MobiFone hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ sinh thái về giáo dục, y tế… thông qua bộ sản phẩm riêng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp