30/08/2023 11:36
3 ngân hàng mua lại 2.350 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong tháng 8
Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 8, có 3 ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị lên đến 2.350 tỷ đồng, hầu hết là các lô trái phiếu được phát hành trong giai đoạn 2021 - 2022.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 8/2023, có 3 ngân hàng đã mua lại trái phiếu trước hạn gồm: HDBank, Sacombank và VIB.
HDBank (HDB) thông báo mua lại toàn bộ lô trái phiếu có mã HDBL2225011 được phát hành ngày 25/8/2022 kỳ hạn 3 năm. Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá trị lô trái phiếu này là 1.000 tỷ đổng, được mua lại vào ngày 25/8/2023.
Trước đó là Sacombank (STB) mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu có mã STBL2225005 và STBL2225006, được phát hành lần lượt ngày 22/8/2022 và 24/8/2022, đều có kỳ hạn 3 năm. Các trái phiếu đều có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá trị mua lại của 2 lô trái phiếu là 1.300 tỷ đồng. Ngày thực hiện mua lại lần lượt là 22 và 24/8/2023.
Tương tự, VIB cũng thông báo mua lại lô 50 trái phiếu có mã VIBL2128012, được phát hành ngày 19/8/2021, có kỳ hạn 7 năm. Mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị mua lại là 50 tỷ đồng vào ngày 19/8/2023.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, từ đầu năm đến nay, khi mặt bằng lãi suất giảm, nhiều ngân hàng đã tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn của các lô đã phát hành trong năm 2020-2022.
Báo cáo từ CTCK MB (MBS) cho biết tăng trưởng tín dụng thấp thể hiện nhu cầu vay vốn không cao trong khi thanh khoản trong hệ thống dồi dào. Tình trạng tiền dư tồn đọng xảy ra khiến các ngân hàng dịch chuyển dòng tiền vào việc mua lại trái phiếu để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn, làm giảm mức độ thừa vốn.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết lũy kế từ đầu năm đến ngày 11/8, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại trái phiếu trước hạn. Theo dữ liệu VNBA tổng hợp từ HNX, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 145.267 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng nhóm ngân hàng chiếm 53% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 76.968 tỷ đồng. Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 127.816 tỷ đồng. Trong đó có 49% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản tương ứng với gần 62.657 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 24.910 tỷ đồng, chiếm 19,5%.
Riêng trong quý 2 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn.
Xu hướng ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra liên tục nhiều tháng qua. Theo các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, sở dĩ ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, một lý do khiến các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là để cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Theo đó, không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Điều này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%.
Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2-3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5-10 năm.
Trong tháng 8/2023 (tính đến ngày 25/8), có 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 56%. Đáng chú ý, ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, MSB phát hành 1.000 tỷ đồng, OCB 2.000 tỷ đồng, BacABank 800 tỷ đồng, BIDV 700 tỷ đồng…
Các doanh nghiệp bất động sản cũng tăng phát hành trái phiếu trở lại. Ngày 25/8 vừa qua, Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt phát hành thành công 4.100 tỷ đồng trái phiếu, Công ty cổ phần Phú Thọ Land cũng phát hành thành công 1.900 tỷ đồng trái phiếu. Như vậy, trong tháng 8 (tính đến 25/8), các doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, chiếm tỷ trọng hơn 38,4% tổng giá trị phát hành.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp