24/03/2023 07:48
Xiaomi, Oppo, Vivo cho chuyển dữ liệu giữa các smartphone trong cuộc chiến chống Apple
Người dùng điện thoại thông minh Xiaomi, Vivo và Oppo sẽ có thể truyền dữ liệu giữa các thiết bị của 3 công ty mà không cần ứng dụng của bên thứ ba. Đây là liên minh có thể thách thức sự phổ biến của Apple tại quốc gia này.
Chủ sở hữu smartphone của Xiaomi (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh), Vivo và Oppo (có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông) sẽ có thể chuyển dữ liệu hệ thống và ứng dụng dễ dàng đến một chiếc máy khác trong số các thương hiệu này, các công ty đã công bố vào ngày 23/3 trên tài khoản Weibo tương ứng của họ.
Dù người dùng smartphone Android bên ngoài Trung Quốc thường sử dụng Google Drive để di chuyển dữ liệu khi chuyển đổi thiết bị, dịch vụ đó không khả dụng trên thiết bị cầm tay được bán tại thị trường Trung Quốc.
Thay vào đó, hầu hết người dùng ở Trung Quốc dựa vào các ứng dụng truyền dữ liệu của bên thứ ba, chẳng hạn WeSync của Tencent Holdings và Smartphone Clone của Huawei.
Mặt khác, người dùng iPhone của Apple ở trong nước có thể trực tiếp chuyển dữ liệu sang thiết bị iOS mới thông qua dịch vụ iCloud của công ty hoặc kết nối Bluetooth và Wi-fi.
Mối quan hệ hợp tác mới giữa Xiaomi, Vivo và Oppo, cùng kiểm soát gần một nửa thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc, diễn ra sau khi quốc gia này chứng kiến doanh số bán điện thoại thông minh giảm mạnh nhất trong một thập kỷ vào năm ngoái.
Doanh số smartphone Vivo, Oppo và Xiaomi vào năm 2022 lần lượt giảm 25%, 28% và 24%, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu ngành IDC (Singapore).
Apple, thương hiệu smartphone bán chạy nhất Trung Quốc trong quý 4/2022, đã ghi nhận doanh số bán hàng giảm 4,4% trong cả năm 2022 ở nước này.
Zhang Yi, nhà sáng lập kiêm giám đốc phân tích của công ty tư vấn công nghệ iiMedia có trụ sở tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc), cho biết: "Động thái mới nhất từ ba nhà sản xuất smartphone Android Trung Quốc cho thấy nỗ lực của họ trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng bằng cách nâng cao mức độ sẵn sàng nâng cấp lên thiết bị mới của người tiêu dùng, đồng thời chống lại bước tiến của Apple".
Zhang Yi nói thêm: "Liên minh của họ đến vào thời điểm thị trường smartphone Trung Quốc đang rời khỏi giai đoạn tăng trưởng cao và phải đối mặt với nhu cầu yếu đi. Nếu các công ty vẫn giữ nguyên hệ sinh thái đóng kín của mình, điều đó sẽ khiến cho cả ngành công nghiệp bỏ lỡ cơ hội để phát triển".
Tuy nhiên, chỉ riêng động thái này có thể có tác động hạn chế đến doanh số bán hàng, theo Zhang.
Zhang nói: "Tôi không nghĩ (các công ty) có thể trông cậy vào sự hợp tác như vậy để vượt qua nhu cầu yếu của người tiêu dùng.
Các nhà phân tích dự đoán doanh số smartphone sẽ vẫn chịu áp lực ở Trung Quốc trong năm nay, do người tiêu dùng tiết kiệm hạn chế chi tiêu, trong khi những người giàu có hơn chọn cách vung tiền đi du lịch nước ngoài sau khi được dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều người dùng internet Trung Quốc hoan nghênh động thái của Xiaomi, Vivo và Oppo nhằm tạo ra quá trình di chuyển dữ liệu mượt mà hơn cho người dùng.
"Tuyệt vời, tôi sẽ có thể chuyển dữ liệu sang smartphone Xiaomi một cách trôi chảy", người dùng có nickname Biedanghanhansheng nhận xét dưới thông báo của Oppo trên mạng xã hội Weibo.
Đây không phải là lần đầu tiên các thương hiệu smartphone lớn nhất Trung Quốc cố gắng phá vỡ rào cản truyền dữ liệu giữa các thiết bị của họ.
Vào năm 2019, Oppo, Vivo và Xiaomi đã thiết lập giao thức truyền không dây phản ánh chức năng AirDrop của Apple, cho phép người dùng iPhone di chuyển hình ảnh, video và các file khác trực tiếp giữa các smartphone bằng Bluetooth và Wi-Fi.
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement