17/05/2021 18:24
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 17/5
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/5 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua HSG với giá mục tiêu 47.800 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC): Kết quả thực hiện nửa đầu niên độ 2020/21 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) hoàn thành 107% kế hoạch lợi nhuận năm. Lũy kế nửa đầu niên độ 2020/21, doanh thu thuần HSG đạt 19.946 tỷ đồng (tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 1.607 tỷ đồng (gấp 4,2 lần cùng kỳ).
Bên cạnh đó, HSG đã triển khai 02 siêu thị nội thất và vật liệu xây dựng Hoa Sen Home tại Thốt Nốt và Cái Răng, Cần Thơ.
Ngoài ra, HSG trình kế hoạch mua lại 22 triệu CP (5% số CP lưu hành) làm cổ phiếu quỹ từ nay đến T1/2022.
BSC nâng dự báo doanh thu thuần 2020/21F của HSG lên 43.668 tỷ đồng (tăng 58,6% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 3.129 tỷ đồng (tăng trưởng 171%), tăng lần lượt 29% và 86% so với dự báo trong báo cáo gần nhất. EPS niên độ 2020/21 ước đạt 6,828 đồng/CP, P/E fw =5,5 lần.
Niên độ 2021/22, chúng tôi dự báo doanh thu hoạt động kinh doanh sản phẩm thép truyền thống của HSG đạt 38.812 tỷ đồng (giảm 11,1% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế 2.563 tỷ đồng (giảm 18,1%), tương đương với EPS = 5.483 đồng/CP.
BSC khuyến nghị mua và nâng giá mục tiêu với HSG lên 47.800 đồng/CP do (1) tăng 86% dự báo lợi nhuận sau thuế niên độ 2020/21 sau khi phản ánh đà tăng và triển vọng giá HRC, tuy nhiên (2) hạ P/E mục tiêu từ 9 lần về mức bình quân 10 năm là 7 lần để phản ánh dự báo của chúng tôi về sự suy giảm lợi nhuận trong quý IV niên độ 2020/21 và niên độ 2021/22 khi giá HRC điều chỉnh sau thời gian tăng nóng.
Chốt lãi khi cổ phiếu VSC tiếp cận ngưỡng 57.000 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam có đang hình thành xu hướng tăng giá sau khi tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng giá 48.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu vượt lên dải mây Ichimoku báo hiệu nhịp tăng giá trung hạn.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 51.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 57.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 48.0.
Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu PVS
CTCK MB (MBS): Lĩnh vực kho nổi dầu khí (FSO/FPSO) là điểm sáng trong năm 2021 của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX), chúng tôi tiếp tục đánh giá cao cơ hội đầu tư trung và dài hạn với cổ phiếu PVS bởi: 1) Doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước và khu vực với các lĩnh vực hoạt động trải rộng từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn dầu khí;
2) Triển vọng phát triển sáng sủa trong giai đoạn 2021-2025 với các dự án dầu khí lớn khi giá dầu đang tăng mạnh. Xác định giá trị cổ phiếu ở mức 22.700 đồng/cổ phần, chúng tôi khuyến nghị giữ cổ phiếu PVS. Trong năm 2021, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 560 tỷ đồng, lần lượt bằng 50% và 68% so với thực hiện của năm 2020. Chúng tôi đánh giá đây là kế hoạch khá thận trọng.
Doanh thu quý I/2021 đạt 2.614 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 221 tỷ đồng, bằng 81% và 126% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành lần lượt 26% và 32% kế hoạch năm.
Doanh thu đạt thấp trong khi lợi nhuận khả quan nhờ lợi nhuận gộp trong kỳ tốt hơn (biên lợi nhuận gộp đạt 6,8% so với mức 5,9% cùng kỳ và 3,9% của năm 2020) và đặc biệt lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng mạnh 391% lên 157 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp là yếu tố góp phần làm giảm lợi nhuận khi tăng 54% lên 191 tỷ đồng.
Giá dầu tiếp tục hồi phục và tăng lên mức 65-70 usd/thùng (dầu Brent) tạo điều kiện hết sức thuận lợi, kích hoạt và đẩy nhanh tiến độ trở lại các dự án dầu khí lớn, hứa hẹn làm cơ sở cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí trong giai đoạn 2021-2025.
Đối với PVS, các lĩnh vực hoạt động cốt lõi vẫn tiếp tục cơ bản ổn định, lĩnh vực tàu chuyên dụng ngoài phục vụ các hoạt động dầu khí, sẽ mở rộng sang thị trường năng lượng điện gió ngoài khơi, PVS đã tham gia ký kết MOU với CTCP phát triển điện gió La Gàn công suất 3,5GW, mở ra một thị trường dịch vụ năng lượng mới trong tương lai (PVS cũng đã cung cấp một số dịch vụ tàu chuyên dụng cho dự án Hải Long - Đài Loan với giá trị nhỏ).
Lĩnh vực kho nổi là điểm sáng nhất trong hoạt động của công ty trong năm 2021, các kho nổi Lam Sơn, Ruby hoạt động ổn định trở lại nhờ các hợp đồng kinh doanh đã được ký kết chính thức, MV12 đã khắc phục hoàn toàn sự số từ tháng 10.2020 và đặc biệt có sự đóng góp mới của FSO Sao Vàng từ tháng 11.2020.
Đối với lĩnh vực cơ khí dầu khí, xác định là điểm trũng trong năm 2021 khi các dự án mới quy mô lớn (Nam du U minh, Lô B) là chưa có, nhưng các dự án đang thực hiện vẫn cơ bản đảm bảo để công ty hoạt động ổn định và tiếp tục tìm kiếm các dự án đầu tư mới trong nước và quốc tế. Triển vọng đầy tiềm năng trong năm 2022-2024 khi các dự án lớn được thực hiện.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp