13/11/2019 11:08
2.662 công trình nguy hiểm cháy, nổ chưa được thẩm duyệt đã đưa vào sử dụng
Sáng 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, bước vào phên Giám sát tối cao về công tác phòng cháy chữa cháy.
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC, theo An ninh thủ đô.
Mặc dù vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên đã hạn chế ý thức về PCCC của người dân ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa.
Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp sáng 13/11. Ảnh: Quốc Khánh. |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, công tác kiểm định và chứng nhận an toàn đối với các phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được thực hiện nghiêm túc với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Cảnh sát PCCC, nên các vụ cháy đối với phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về PCCC trên cả nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy, nổ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh.
Mặc dù vậy, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở vẫn còn tính hình thức hoặc đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do nhiều lý do không được dập tắt kịp thời đã bùng phát thành cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ.
Cũng theo báo cáo, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng.
Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng. Mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng.
Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về PCCC. Tuy nhiên, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những nội dung không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung...
Báo cáo còn nêu rõ, trong giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách đầu tư cho công tác PCCC và CNCH khoảng 8.341 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả giám sát cho thấy nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác PCCC không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế.
Số lượng phương tiện được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, CNCH; tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, CNCH còn hết sức hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt - Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Quốc Khánh. |
Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về PCCC, từ 2014 - 2018, lực lượng chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, kiểm tra an toàn PCCC trên 1 triệu 500 nghìn lượt, trong quá trình kiểm tra đã kịp thời phát hiện hàng triệu tồn tại, thiếu sót.
Đã điều tra đã làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (đạt 85,76%); đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt hành chính trên 98.000 trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp…
Bên cạnh đó, việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chưa thực sự nghiêm túc do nhận thức, ý thức của người đứng đầu cơ sở còn hạn chế; chính sách bảo hiểm cháy, nổ còn bất cập; chế tài, hình thức xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...
Đặc biệt, báo cáo còn chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Đó là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến PCCC chưa được ban hành đầy đủ. Tại một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC chưa thực sự quyết liệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC chưa đạt hiệu quả, nhận thức, ý thức của người dân về PCCC còn hạn chế.
Mặt khác, việc tổ chức thi hành các quy định của Luật PCCC tại địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để; Công tác đầu tư cho hoạt động PCCC về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, trang bị, phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC còn thiếu, chưa đồng bộ, đã lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả. Việc quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng chưa tốt, đa số địa phương thiếu so với yêu cầu, nhiều nơi bị xuống cấp, chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời...
Advertisement
Advertisement