07/06/2017 06:16
20 phút đăng đàn của Thống đốc, nhiều số liệu về nợ xấu và vi phạm ngân hàng được công bố
Theo tư lệnh ngành ngân hàng, tổng nợ xấu hiện khoảng 10,08% dư nợ.
Liên quan đến xử lý trách nhiệm, chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc...
Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, cuối buổi sáng ngày 7/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có 20 phút đăng đàn giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Thống đốc ghi nhận các đại biểu đã nói rất nhiều ý kiến và nhấn mạnh đến việc xác định rõ đến thực trạng, nguyên nhân nợ xấu và xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra nợ xấu.
Theo Thống đốc , thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổng kết việc thực hiện, đánh giá mặt đạt được, những nguyên nhân, tồn tại và đề án đã trình Chính phủ và Bộ Chính trị xem xét. Trên cơ sở đề án đó, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng…
Trong đề án nghị quyết xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng cũng đã đánh giá đầy đủ thực trạng, con số, nguyên nhân về nợ xấu, các nhiệm vụ.
Tại thời điểm tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu ước tính thận trọng là chiếm khoảng 17% dư nợ, thậm chí nếu đánh giá đầy đủ theo con số của thanh tra thì có thể cao hơn. Đến hết năm 2016, nợ xấu nội bảng của các TCTD là chưa đến 3%, song nếu bao gồm cả các khoản nợ xấu, nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý và nợ có nguy cơ cao thì vào khoảng 10,08% tổng dư nợ.
Trong đó nợ của các DN ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%, nợ của DNNN chiếm 6,3%, nợ hộ kinh doanh cá nhân chiếm 21%, nợ của DN nước ngoài chiếm hơn 1% tổng dư nợ.
Về nguyên nhân và trách nhiệm gây ra nợ xấu, thống đốc cho biết đã báo cáo đầy đủ với Chính phủ.
Nguyên nhân khách quan gây ra nợ xấu, theo tư lệnh ngành ngân hàng, là thời gian qua sự bất ổn chính trị, kinh tế thế giới tác động rất mạnh và gây rủi ro rất lớn đến sản xuất kinh doanh trong nước. Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng còn khó khăn, chất lượng kinh tế tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh.
Một yếu tố quan trọng khác là thị trường bất động sản có thời gian dài trầm lắng. Doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả còn thấp, nên khi có biến động từ bên trong và bên ngoài đều tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp vay vốn gây ra nợ xấu. Hơn nữa tình hình các doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào biến động kinh tế, nên nhiều khi doanh nghiệp không trả được nợ.
Thống đốc dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2011-2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua các chính sách vĩ mô còn thiếu ổn định, làm gia tăng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Về cơ chế xử lý tài sản còn bất cập, khiến cho nợ xấu không có biến chuyển nhiều khi xử lý nợ.
Đáng chú ý là như nhiều đại biểu đã nói, nhiều khách hàng vay ngân hàng còn chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ…
Thị trường vốn chưa phát triển tương xứng, ngân hàng là kênh tài trợ tài chính chủ yếu, khiến cho nợ xấu của nền kinh tế chủ yếu là nợ ngân hàng.
Về nguyên nhân chủ quan, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận nguyên nhân chính thuộc về tổ chức tín dụng. Quy trình tín dụng của một số TCTD còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Năng lực quản trị rủi ro của một số TCTD còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt, tính tuân thủ chưa cao… Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay.
Về rủi ro đạo đức của ngân hàng, một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hoá biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định. Các hành vi vi phạm này trong thời gian qua đã, đang và sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong đề án tái cơ cấu TCTD thời gian qua đã cơ bản giải quyết được các vấn đề nhưng chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề nợ xấu. Công tác thanh tra chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu…
Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu, Chính phủ đã bàn rất kỹ, và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thống đốc báo cáo thêm, thời gian qua, thông qua công tác thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra.
Từ năm 2011-2016, theo thống kê Bộ Công an, các cơ quan điều tra của Bộ công an đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.
Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc ngân hàng, giám đốc chi nhánh các tổ chức tín dụng với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm…
Ngay tại Agribank, theo thống đốc, từ 2013 đến nay đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ, đồng thời trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã khởi tố, xử lý 65 vụ án tại ngân hàng này và đã xử lý hình sự 122 cán bộ Agribank trong đó có cả nguyên chủ tịch HĐQT, ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc và lãnh đạo Agribank…
Trở lại với dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu, Thống đốc khẳng định trong đề án đã đề ra giải pháp định hướng rõ ràng, một mặt xử lý nợ xấu và mặt khác để kiểm soát nợ xấu gia tăng, tăng cường năng lực điều hành của TCTD và thanh tra giám sát để kiểm soát nợ xấu.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp