14/10/2020 10:13
2 trực thăng đã vào cứu nạn 30 người tại Thủy điện Rào Trăng 3
Quân đội đã điều 2 trực thăng cùng tổ bay của Sư đoàn 372 từ Đà Nẵng vào hiện trường vụ sạt lở ở Rào Trăng 3. Còn 30 người mất tích.
Liên quan tới sự cố tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thông tin trên Zing, sáng nay, 14/10, Sư đoàn 372 (đóng tại Đà Nẵng) điều động 2 máy bay trực thăng ra sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) để tham gia tìm kiếm nạn nhân tại Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.
Hiện các máy bay đã đến xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Nếu thời tiết thuận lợi thì 2 trực thăng sẽ đưa lực lượng cứu hộ tiếp cận mục tiêu trong hôm nay.
Trực thăng cứu hộ đã đến xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Zing |
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xác nhận còn 30 người mất tích, chưa liên lạc được trong đó có 17 công nhân tại tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và còn 13 người trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng lượng chức năng đang mở nhiều hướng tiếp cận hiện trường.
Hiện các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục sử dụng xuồng cao tốc di chuyển trong lòng hồ thuỷ điện Hương Điền để tiếp tế lương thực, nước uống cho nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4 và đưa đưa người ra khỏi đây.
Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền cho biết đã chia thành hai hướng đường thủy và đường bộ tiến vào khu vực sạt lở, để đưa những người bị thương và thi thể nạn nhân vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 ra ngoài.
Hướng đường bộ theo đường 71 đã được khai thông cơ bản, đến gần vị trí xác định có thi thể các nạn nhân và người bị thương. Sáng nay, 14/10, thời tiết tại hiện trường tương đối thuận lợi, các xe ô tô của đoàn cứu hộ có thể di chuyển để tiếp cận hiện trường.
Vào tối qua, 13/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã họp với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4, về kế hoạch tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở công trình thủy điện Rào Trăng 3.
Nhận định khả năng 30 người mất tích quanh khu vực thủy điện Rào Trăng 3, Quân khu 4 đang triển khai 3 phương án khác nhau để tiếp cận mục tiêu.
Các đơn vị cứu hộ tính toán phương án di chuyển, cứu hộ cứu nạn. Ảnh: VGP |
Phương án thứ nhất là xe cơ giới sẽ chở các chiến sĩ công binh đi theo tuyến đường 71 vào hiện trường. Hiện, lực lượng này cách vị trí những người gặp nạn khoảng 2,5 km.
Phương án 2 là lực lượng chức năng sẽ theo đường thủy để đi từ nhà máy thủy điện Hương Điền lên thủy điện Rào Trăng 3. Ngoài ra, nếu thời tiết thuận lợi, Quân khu 4 sẽ sử dụng phương án điều động thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động lực lượng Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Lữ đoàn Công binh 414, Sư đoàn 968 tích cực, khẩn trương khắc phục những điểm sạt lở để tiếp cận vị trí các công nhân bị mất tích. Phối hợp với các lực lượng tiếp cận hiện trường bằng đường thủy, đường bộ để tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế lương thực, bảo đảm y tế.
Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp với Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban quản lý Thủy điện Rào Trăng, các lực lượng của tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, sau khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 12h ngày 12/10 về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời, đoàn gồm có 21 người.
Xe múc được điều đến hiện trường phục vụ công việc cứu nạn cứu hộ tại Trạm kiểm lâm số 7. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế. |
Tối 12/10, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn đã tạm nghỉ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67. Vào lúc 24h ngày 12/10 xảy ra sự cố sạt lở tại khu vực đoàn đang tạm nghỉ, có 8 người thoát ra khỏi khu vực sạt lở, còn 13 người hiện tại mất tích, chưa liên lạc được.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại khu vực các nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng và đường 71 tỉnh Thừa Thiên Huế, để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền; huy động mọi lực lượng, phương tiện xe cơ giới, xuồng máy, lực lượng y tế,... nhanh chóng tiếp cận hiện trường vụ tai nạn, tiếp cận nhà máy thủy điện Rào Trăng 4, để sớm cứu người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trong ngày 13/10, tổ trinh sát của công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã sử dụng xuồng cao tốc di chuyển trên lòng hồ Thủy điện Hương Điền và đã tiếp cận được với Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4, đã tiếp ứng lương thực thực phẩm và đưa 5 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Chiều 13/10, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã vào làm việc với Ban Chỉ huy, để kiểm tra tình hình và chỉ đạo trực tiếp công tác tìm kiếm cứu nạn.
Trong tối 13/10, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 Nguyễn Đại Thành, cho biết công ty đã ghi nhận có 3 trường hợp công nhân của Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 tử vong do sạt lở núi vào ngày 12/10.
30 người chết do mưa lũ
Nhiều nơi tại Thừa Thiên -Huế vẫn đang ngập sâu. Ảnh: VGP |
Tính đến 18h00 ngày 13/10/2020, thông tin của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết từ ngày 6/10 đến nay đã có 30 người và 14 mất tích, 22 người bị thương do mưa lũ. Số nhà ở bị thiệt hại là 541 nhà cùng 160.784 nhà bị ngập trong nước lũ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông báo sáng sớm nay, 14/10, bão số 7 đã đi vào Vịnh Bắc bộ. Ở đảo Bạch Long Vĩ đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km/h.
Cùng với đó, một áp thấp nhiệt đới tiếp tục xuất hiện gần Biển Đông. Hồi 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 125,2 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Để ứng phó với bão số 7, các tỉnh đã kiểm đếm và hướng dẫn 51.240 lượt tàu thuyền với 229.679 lao động đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó, hướng dẫn và cung cấp thông tin về bão cho 84 tầu thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa để chủ động việc tránh trú.
Nghệ An đã ra lệnh cấm biển lúc 15h00 ngày 13/10/2020. Nam Định, Ninh Bình cấm biển từ 19h00 ngày 13/10/2020. Tỉnh Thanh Hóa trong ngày hôm nay, 14/10/2020 cũng ra lệnh cấm biển.
Theo số liệu của Vụ Quản lý Đê điều - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đê biển ở các vùng bão số 7 sẽ gây ảnh hưởng, mới chỉ chống bão cấp 9 và khi có triều thấp. Vì vậy nếu bão số 7 gió cấp 9 đến cấp 10 gặp lúc triều cường sẽ gây nước dâng, sóng lớn tràn đê, nguy cơ rất cao mất an toàn. Ngoài ra còn nhiều vị trí đang thi công, nhất là đê biển Bình Minh 4, Ninh Bình và 1 số tuyến đê của Nghệ An, yêu cầu hết sức chú ý gia cố bảo vệ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có Công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Hà Tĩnh, về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 7.
Công điện nêu bão số 7 với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 đang tiếp tục di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta. Trưa và chiều 14 tháng 10, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Để chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại về người và tài sản, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 1393 ngày 12/10, trong đó tập trung một số nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Trên đất liền, chủ động sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây,… để hạn chế thiệt hại do bão…. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp