19/02/2019 15:31
17 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia có gì hay?
Gồm 4 lễ hội truyền thống, 1 tri thức dân gian, 5 nghệ thuật trình diễn dân gian, 3 làng nghề thủ công truyền thống và 4 tập quán xã hội.
17 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có 4 lễ hội truyền thống, 1 tri thức dân gian, 5 nghệ thuật trình diễn dân gian, 3 làng nghề thủ công truyền thống và 4 tập quán xã hội và tín ngưỡng.
4 lễ hội truyền thống
Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống ở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên và xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.
Tết hoa mào gà là Tết cổ truyền quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Cống, một trong những dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên. Vào những ngày đầu của tháng 12 dương lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên lại nô nức tổ chức Tết hoa, đánh dấu một năm cũ khép lại với mùa màng bội thu, chuẩn bị cho một năm mới an lành, nhiều may mắn.
Phụ nữ dân tộc Cống hái những bó hoa mào gà rực rỡ đi chơi Tết. |
Lễ hội Chùa Bà Đanh ở xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm tri ân đức thánh bà Pháp Vũ - vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ. Đồng thời lễ hội cũng nhằm tôn vinh, cảm tạ ân đức của các vị thần phù trợ cho cuộc sống của nhân dân.
Ngoài những nghi thức tế lễ truyền thống, chùa còn tổ chức lễ cầu an, rước kiệu và trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, bịt mắt đập liêu, tổ chức thi đấu các môn thể thao Bóng chuyền hơi, cầu lông, cờ tướng... thu hút được đông đảo du khách thập phương xa gần về lễ hội.
Lễ hội chùa Bà Đanh. |
Lễ hội Làng Triều Khúc ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội
Hàng năm, cứ từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì lại thành kính, tự hào tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng…
Điệu múa bồng của làng Triều Khúc. |
Lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
Đã trở thành thông lệ, cứ vào ngày 21-3 (âm lịch) hàng năm, ngư dân miền biển Trần Đề lại quy tụ về Lăng Ông Nam Hải ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề (Trần Đề) trang trọng tổ chức Lễ hội nghinh Ông. Năm nay Lễ hội nghinh Ông diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-5 (nhằm từ 21 đến 23-3 âm lịch),
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động tưng bừng. Mở đầu là lễ rước kiệu Ông ra biển, tổ chức cho hàng trăm tàu thuyền đánh bắt hải sản trang bị cờ hoa rực rỡ cùng với nghi thức cúng heo quay, trái cây, nhang đèn… đồng loạt diễu hành ra biển, để cầu mong cho chuyến đi biển được thuận lợi, mưa thuận gió hòa, thu hoạch bội thu.
Dẫn đầu đoàn tàu là tàu rước kiệu Ông, trên tàu có các đào mặc đồ võ tướng, đánh trống, thao quyền, múa lân rất nhộn nhịp ở mũi tàu, hàng trăm tàu cá khác nhắm hướng Đông chạy theo ra biển, đến khi nào “xin keo” thành công thì mới quay đầu trở về bờ và thỉnh Ông về lại lăng.
Nghi thức cúng rước kiệu Ông ra biển. |
5 nghệ thuật trình diễn dân gian
Lượn Cọi của người Tày ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn
Hát lượn là một thể loại dân ca của người Tày. Đó là những câu hát đề cập đến mọi mặt của đời sống, ca ngợi quê hương, đất nước, cảnh đẹp của thiên nhiên, những câu hát giao duyên, đối đáp. Đồng thời những câu hát ấy còn là thước đo cho sự hiểu biết, thông minh, hiếu khách... của người Tày.
Hát Lượn. |
Hò Cần Thơ ở huyện Thới Lai, quận Ô Môn, quận Cái Răng, Cần Thơ
Hò Cần Thơ là một trong những làn điệu dân ca độc đáo được sản sinh ra trong lao động sản xuất, chuyển tải nội dung trữ tình, phản ánh tâm tư tình cảm của người nông dân, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống.
Hò Cần Thơ bao gồm hò mái dài, hò cấy, và hò huê tình, các điệu hò này mang những đặc trưng tiêu biểu của hò Nam bộ, đồng thời chúng cũng có những nét riêng. Những nét riêng ấy bộc lộ trong cách lấy hơi, ngân hơi, hoặc trong lời kể có ý tứ độc đáo, trữ tình, mang hơi hướng của con người Cần Thơ.
Các điệu hò còn lưu truyền đến nay ở Cần Thơ vẫn mang đậm dấu ấn của cuộc sống lao động của người dân trên một vùng quê đồng rộng, sông dài, phản ánh những tình cảm suy nghĩ rất bình dị, mộc mạc nhưng lại giàu tình nghĩa, nhân đạo, và cũng không kém phần duyên dáng, dễ thương.
Những điệu hò ấy đã khắc sâu vào tâm hồn nhiều thế hệ người Cần Thơ, thành một trong những nguồn mạch nuôi lớn tình cảm, tạo thành nhân cách, góp phần tạo nên nền tảng văn hóa truyền thống của người Cần Thơ, cũng như đặc trưng văn hóa cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hát Dậm Quyền Sơn ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
Hát dặm Quyển Sơn, một loại hình ca múa nhạc dân gian vô cùng độc đáo, qua hơn 1000 năm, đến nay đã sưu tập được 38 làn điệu. Mỗi làn điệu lại có một nội dung và nghệ thuật thể hiện khác nhau.
Chính sự phong phú đa dạng này đã tạo nên nét độc đáo quyến rũ của hát dặm. Có vui có buồn, có bi có hùng, có dài có ngắn, có êm xuôi phẳng lặng có gập ghềnh trắc trở, có thực tế có lãng mạn bay bổng hay nội tâm thẳm sâu hun hút, y như hiện thực cuộc sống của con người.
Toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, tôn giáo của người dân xưa kia đã được phản ánh đầy đủ và rõ nét trong những làn điệu phiêu linh ấy... Hát dặm như cuốn lịch sử bằng âm nhạc ghi lại những ngày tháng còn sơ khai của hồng hoang lịch sử của con người Quyển Sơn.
Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
robam |
Rô băm là loại kịch múa được cho là đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Rô băm còn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa. Điệu Rô băm được các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp biểu diễn những động tác và tư thế của đôi bàn tay, trong tư thế phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong của toàn thân.
Trong vở diễn Rô băm thường có hai tuyến nhân vật vua, hoàng tử, công chúa… không mang mặt nạ. Và ngược lại những nhân vật mang mặt nạ gồm nhiều loại, nhưng nổi bật nhất là vai chằn – Yeak- đại diện cho phái ác.
Xường giao duyên của người mường ở xã Cao Ngọc, xã Thạch Lập, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Hát Xường là phương tiện truyền tải tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Mường nói chung và người Mường xứ Thanh nói riêng, trở thành một nét sinh hoạt đặc sắc, một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần, nhất là đối với lớp trẻ.
Xường giao duyên chủ yếu là hát về đêm. Môi trường và không gian diễn ra trên ngôi nhà sàn. Nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong, có bếp lửa hồng và ngọn đèn dầu. Người ta còn gọi đó là áng Xường. Đến với áng Xường còn có nhiều trai gái người đứng tuổi ngồi nghe thưởng thức.
Ở đó đôi trai gái lấy lời hay ý đẹp, giọng tốt để trao đổi tình cảm. Có nhiều “bạn đôi Xường” hát với nhau cả đêm còn chưa thấy mặt. Đó là các trường hợp trai, gái mường xa đến chơi, giữa chủ và khách cùng hát với nhau.
Trong hát đối của các đôi nam nữ, tùy thuộc vào tài năng của chàng trai, cô gái mà lời hát là những câu hỏi ý tứ sẽ thể hiện được thái độ vui vẻ, giận hờn, trách móc hay nũng nịu, đằm thắm. Chính vì vậy, các chàng trai thường trổ hết tài năng của mình khi học hát xường.
3 nghề thủ công truyền thống
Nghề rèn của người Nùng An ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng
Từ xưa đã nổ tiếng với nghề rèn thủ công truyền thống. Tiếng tăm của làng rèn đã vượt qua núi cao, rừng sâu và bay xa đến nhiều nơi trên cả nước.
Sản phẩm rèn của người Nùng An ở xã Phúc Sen là sản phẩm nổi tiếng. Mỗi du khách đi vào miền đất này hầu như không thể quên mua một vài sản phẩm của làng nghề để làm quà cho gia đình và người thân.
Nghề cốm Mễ Trì ở phường Mễ Trì, quân Nam Từ Liêm, Hà Nội
Cốm Mễ Trì đã tồn tại từ nhiều đời nay và trở thành nghề truyền thống của làng Mễ Trì xưa và nay là phường Mễ Trì thuộc quận Nam Từ Liêm. Song hành với lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cốm Mễ Trì đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống tô điểm và nâng cao giá trị văn hóa phi vật thể của mảnh đất Kinh kỳ này.
Ngày Nay chỉ còn duy nhất làng Mễ Trì, Nam từ Liêm Hà Nội còn giữ được làng nghề truyền thống này đến ngày hôm nay. Cứ mỗi khi có lễ hội làng nghề cốm Mễ Trì được tổ chức Các bà, các mẹ bán cốm thường ăn mặc theo lối xưa với khăn xếp, áo cánh cổ lá sen, gánh đôi thúng với một bó lạt bằng rơm nếp nhuộm mạ xanh ngắt gắn trên đầu quang gánh, và chiếc mẹt đặt úp trên một bên thúng xếp vài chiếc lá sen để gói cốm.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở xã Ba Thành, huyện Bơ Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống thể hiện nét văn hóa truyền thống, trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt Hrê, được lưu truyền từ lâu đời và được bảo tồn, phát triển.
Mỗi sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Hrê không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.
Khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Hrê ở Quảng Ngãi, thể hiện qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống là những họa tiết gắn liền với thiên nhiên núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá và các hoa văn hình học cách điệu như những đường viền màu song song, hình tam giác cân, các hình vuông xếp cạnh nhau. Màu sắc có đen, đỏ, trắng làm chủ đạo.
4 tập quán xã hội và tín ngưỡng
Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của người Hà Nhì ở xã Sín Thầu, xã Chung Chải, xã Sen Thượng, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Người Hà Nhì có rất nhiều ngày cúng trong năm, nhưng tưng bừng và nhộn nhịp nhất là ngày Gạ Ma Thú (cấm bản). Gạ Ma Thú bao gồm nhiều lễ cúng như cúng mó nước, cúng rừng cấm, cúng thần mùa màng, cúng đầu bản, cuối bản, cúng thần sét, cúng thần lửa… và điều đặc biệt nhất trong ba ngày cúng bản nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Mọi sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi được điều hành bởi thầy cúng và trưởng bản, được tổ chức những ngày đầu tháng Ba âm lịch (Ngày con hổ đầu tiên của tháng) tại các bản của đồng bào dân tộc Hà nhì.
Nghi lễ Mo Tham Thát của người Tày ở xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Nghi lễ Then của người Giáy ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Là một hoạt động tín ngưỡng thể hiện sự tri ân với thần linh, là sợi dây liên kết cộng đồng. Nghi lễ Then diễn ra trong cả năm, được tổ chức thường xuyên và nhiều hơn cả là vào đầu năm.
Theo phong tục của người Giáy, nghi lễ Then nhằm cầu may mắn, sức khỏe cho cả năm mới, mọi người trong nhà tai qua nạn khỏi, không gặp những điều xấu. Then cũng góp phần giáo dục nhân phẩm, giúp cho con người hướng tới cái đẹp.
Nghi lễ Then còn ẩn chứa nhiều điều chưa được giải mã, song nó có nhiều ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của người Giáy. Đó chính là văn hóa dân gian, một sinh hoạt văn hóa không chỉ mang tính gia đình mà đó còn là hoạt động chung của cả cộng đồng với nhiều hoạt động khác nhau, đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc. Bên cạnh đó, nó còn mang giá trị lịch sử và khoa học.
Lễ Cấp sắc của người Dao Quần Chẹt ở xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Cấp Sắc (hay Lập Tịnh) là nghi lễ quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Dao được duy trì bền vững từ nhiều đời nay. Không những là nghi lễ đặc sắc mà còn hội tụ đầy đủ tinh hoa văn hóa tín ngưỡng, chứa đựng hệ thống giá trị phong phú về lịch sử, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.
Cấp Sắc được tiến hành trong 3 ngày 2 đêm, bao gồm 9 nghi lễ, lần lượt là lễ hẹn, lễ hợp sư, lễ đặt tên, lễ đưa con “Chèo”, lễ đưa ma đồi, lễ cúng Bàn cổ, lễ cúng tổ tiên, lễ giải chay và lễ trả công thầy mo. Tất cả đều có nội dung phản ánh nguồn gốc, quá trình thiên di, hình thành cộng đồng của tộc người Dao từ thuở định cư.
Qua nghi lễ này, dân bản xích lại gần nhau hơn, cùng nhau nghe lại nguồn gốc của dân tộc mình, tạo nên niềm tự hào, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp.
1 tri thức dân gian
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở huyện Sơn Dương, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Trang phục truyền thống của đồng bào Dao Đỏ là một trong những trang phục được trang trí hoa văn phong phú, đa dạng nhất trong các tộc người ở Tuyên Quang. Một bộ trang phục truyền thống bao gồm khăn, mũ, áo dài, yếm (áo con), quần, dây lưng, xà cạp quấn chân.
Những họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục từ 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Bởi theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ trong cuộc sống.
Với phụ nữ người Dao Đỏ, trang phục quan trọng nhất là chiếc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen dài ngang ống chân. Áo không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân với hoa văn trang trí tập trung ở viền nẹp ngực, tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết trang trí hình dấu chân hổ, hình răng cưa, quả trám, thập ngoặc và hình hoa cúc...
Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống phú quý, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh của dân tộc Dao. Quần luôn cùng màu với áo gồm những hoa văn và họa tiết được thêu tỷ mỷ ở nửa dưới của hai ống quần là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng, hình cây thông, hình chữ vạn...
Khăn đội đầu (Goòng phà) được thêu kín các họa tiết trang trí hình tam giác, hình quả trám mô phỏng chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao. Qua đó, mong muốn mùa màng bội thu, cơm gạo đủ đầy...
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp