13/08/2020 12:27
15,7 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone
Ứng dụng đối phó và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đã có 15,7 triệu người cài đặt và sử dụng, chiếm tỷ lệ khoảng 16,3% dân số.
Bluezone là ứng dụng do Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) phát triển, dưới sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ra đời nhằm đối phó và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Chức năng của Bluezone là cảnh báo sớm cho người dân trong trường hợp đã từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.
Với cơ quan y tế, Bluezone giúp tìm ra chính xác những trường hợp có nguy cơ lây bệnh để từ đó có biện pháp cách ly và điều trị.
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến Giải đáp thắc mắc về ứng dụng Bluezone sáng nay, 13/8, do VietNamNet tổ chức, ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, cho biết đến nay đã có 15,7 triệu người dân trên cả nước cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Tỷ lệ người dân cài đặt Bluezone tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,3% dân số. Đây là con số ấn tượng mà chưa có ứng dụng nào đạt được trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Ứng dụng Bluezone giúp cảnh báo sớm và truy vết người nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: ictnew |
Theo ước tính của các chuyên gia, để ứng dụng phát huy hiệu quả, tỷ lệ người dùng Bluezone phải đạt tối thiểu 60% dân số trưởng thành. Do đó, việc cài đặt và sử dụng Bluezone là rất cần thiết để người dân chung tay cùng cả nước đối phó với sự lây lan của đại dịch.
Vào đầu tháng 8, Cục Tin học hóa cho biết Bluezone đạt 2 triệu lượt cài đặt. Đến ngày 9/8, số người cài đặt và sử dụng chạm mốc 10 triệu lượt và tiếp tục nâng lên 15,7 triệu tính đến hôm nay.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều băn khoăn của người dân về tính năng, hiệu quả và cơ chế hoạt động của ứng dụng này, nhất là vấn đề về quyền riêng tư, khả năng bảo mật và việc lưu trữ cơ sở dữ liệu người dùng...
Ông Đỗ Công Anh cho rằng Bluezone sử dụng công nghệ bluetooth năng lượng thấp (BLE). Nếu không bật chế độ 3G hay 4G nhưng vẫn bật bluetooth thì không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ứng dụng. Bluezone chỉ lưu lịch sử tiếp xúc mà không lưu vị trí địa điểm, không sử dụng hoặc truy cập đến các thông tin khác trên điện thoại di động của người dùng như danh bạ, ảnh…
Những tiếp xúc của người dùng Bluezone với người dùng Bluezone khác sẽ được ghi vào lịch sử tiếp xúc. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc được lưu trên máy điện thoại của người dùng, và chỉ được sử dụng để phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng, hoặc trong trường hợp người dùng là ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Cũng theo ông Công Anh, dữ liệu lịch sử tiếp xúc được thu thập và lưu trong khoảng thời gian do cơ quan y tế quy định. Hiện tại có thể lưu trữ trong nhiều năm cho đến khi có vắc xin, ước tính dữ liệu lịch sử trong vòng 1 năm, đối với một người bình thường.
Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 40 quốc gia sử dụng công nghệ BLE phục vụ quản lý tiếp xúc để cảnh báo. Ngoài ra còn có một số giải pháp khác như sử dụng GPS để ghi nhận vị trí, quét mã QRcode để ghi nhận lượt tiếp xúc. Nhưng công nghệ BLE mang lại sự tiện dụng cho người sử dụng và bảo mật thông tin cá nhân tốt hơn các giải pháp khác, do người dùng hoàn toàn ẩn danh.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp