18/01/2020 06:51
14 diễn biến đáng chú ý của kinh tế thế giới 2019
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dòng tiền “bốc hơi” khỏi Trung Quốc, cắt giảm lãi suất, tăng trưởng chậm lại… là diễn biến đáng chú ý của kinh tế thế giới 2019.
Kinh tế toàn cầu năm 2019 tiếp tục đà suy giảm. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 được dự báo ở mức 3%, mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đà suy giảm không chỉ diễn ra ở các nền kinh tế lớn (Trung Quốc, khu vực đồng Euro, Nhật Bản, Mỹ) mà còn lan rộng sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (Brazil, Mexico, Ấn Độ), do những bất ổn gia tăng xuất phát từ xung đột thương mại và bất ổn địa chính trị.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là tâm điểm của kinh tế quốc tế năm 2019. |
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là tâm điểm của kinh tế quốc tế năm 2019. Triển vọng về một thỏa thuận thương mại toàn diện vốn gặp nhiều khó khăn do mâu thuẫn giữa hai bên, giờ càng trở nên khó đoán định sau khi Tổng thống Mỹ chính thức ký Dự luật về Hồng Kông vào cuối tháng 11/2019 sau khi đạt được sự phê chuẩn từ lưỡng viện. Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế lên mức cao hơn đối với các mặt hàng của Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Dòng tiền “bốc hơi” khỏi Trung Quốc ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong 6 tháng đầu năm 2019, dòng tiền “bốc hơi” khỏi quốc gia này đã đạt mức kỷ lục 131 tỷ USD do các lo ngại về tình hình kinh tế của nước này trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm và những tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ-Trung.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi thương chiến cũng làm tăng nguy cơ dòng vốn bốc hơi khỏi nước này.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng kinh tế Mỹ được đánh giá tiếp tục ở trạng thái tốt, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu không tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo ở mức 2,3%, giảm 0,6% so với năm 2018. Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mỹ vẫn là tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Trong tháng 11, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến sôi động, chỉ số Dow Jones tăng mạnh, chạm ngưỡng 28.000 điểm vào ngày 15/11/2019. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 11/2019 ở mức 125,5 giảm xuống so với mức 126,1 trong tháng 10. Khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tương lai gần ở mức thấp khi Fed cho rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn nằm trên mức tăng trưởng tiềm năng.
Ủy ban châu Âu (EC) hạ dự báo tăng trưởng năm 2019-2020 của kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) do căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị gia tăng. Theo đó, tăng trưởng GDP của khu vực năm 2019 ở mức 1,1%, giảm 0,1 đpt và dự báo năm 2020 ở mức 1,2%, giảm 0,2 đpt so với dự báo hồi tháng 7.
Lạm phát khu vực châu Âu năm 2019 và 2020 được dự báo ở mức 1,2%. Trong tháng 11, kinh tế Eurozone đón nhận tín hiệu tích cực khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 11 tăng nhẹ lên 46,6 điểm so với mức 45,9 điểm tháng trước. GDP quý III/2019 đạt mức tăng 0,2% so với quý trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2019, Ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới đồng loạt cắt giảm lãi suất điều hành chính sách. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm, từ 4,2% xuống 4,15%; LPR kỳ hạn 5 năm giảm từ 4,85% xuống 4,8%; lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày từ 2,55% xuống còn 2,5%. Ngân hàng trung ương Thái Lan cắt giảm lãi suất cơ bản từ 1,5% xuống mức 1,25%.
Ngân hàng trung ương Mexico đã cắt giảm 0,25 đpt lãi suất cơ bản xuống mức 7,5%. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 20/11 cảnh báo tình trạng lãi suất thấp kéo dài ở khu vực Eurozone có thể tạo ra những thách thức đối với sự ổn định tài chính của khu vực do gia tăng xu hướng chấp nhận rủi ro của các tổ chức tài chính.
Tỷ lệ lạm phát toàn cầu năm 2019 duy trì ở mức 3,4%. Tỷ lệ lạm phát tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển trong năm 2019 ở mức 1,5%, giảm 0,5 đpt so với mức 2,0% trong năm 2018. Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tỷ lệ lạm phát giảm về mức 4,7%, giảm 0,1 đpt so với năm 2018. Tình hình lạm phát giữa các quốc gia đều thể hiện xu hướng giảm chung của lạm phát toàn cầu.
Nền kinh tế đang có dấu hiệu “lờn thuốc”. Chính sách tiền tệ được biết đến như một liều thuốc để điều tiết nền kinh tế. Một chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Điển hình như giai đoạn từ giữa những năm 1990 cho tới cuộc khủng hoảng tài chính, lãi suất Fed fund rate ở mức 3% là đủ thấp để đẩy lạm phát lên mức 4-5% hoặc thậm chí cao hơn.
Tuy nhiên, ngày nay, dường như mối quan hệ này không còn ý nghĩa khi dù lãi suất Fed fund rate gần mức 1% trong nhiều năm, lạm phát cũng chưa đạt mục tiêu 2%. Tương tự như vậy, các nền kinh tế ở Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam) đều đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2019 nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp.
Lạm phát ở mức thấp bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài là một “bình thường mới” đang đưa đến viễn cảnh rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Khi các công cụ chính sách truyền thống không còn nhiều dư địa để hỗ trợ các điều kiện tài chính và các hoạt động kinh tế, nền kinh tế có thể phải trải qua giai đoạn suy thoái dài hơn cũng như mất nhiều thời gian để hồi phục hơn sau suy thoái.
Đường cong Phillips phẳng. Đường cong Phillips phản ánh mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát. Trong lịch sử, khi đường Phillips dốc xuống cho thấy rằng khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, tức là nền kinh tế đang tăng trưởng và các nguồn lực đang tới hạn, sẽ làm gia tăng lạm phát.
Tuy nhiên, trong năm 2019, nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế đang phát triển thể hiện một xu thế với đường Phillips phẳng hơn. Lạm phát không tăng lên khi các nguồn lực đã đến tới hạn khiến Fed chưa có động lực cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Hàm ý quan trọng của mối quan hệ yếu đi giữa lạm phát và thất nghiệp là chính sách tiền tệ có thể không đủ mạnh để giảm thiểu các chu kỳ tài chính như trước đây.
Đường cong lợi tức đảo ngược có thể không phải là chỉ báo cho một cuộc khủng hoảng. Đường cong lợi tức đảo ngược xuất hiện khi mức lợi tức trái phiếu Chính phủ dài hạn thấp hơn mức lợi tức trái phiếu Chính phủ ngắn hạn.
Trong quá khứ, đây được coi là một chỉ báo cho khủng hoảng bởi nó có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng. Các ngân hàng tạo ra lợi nhuận bằng việc vay mượn ngắn hạn và cho vay dài hạn. Đường cong lợi tức đảo ngược sẽ tác động tiêu cực tới quá trình này. Tại thời điểm tháng 1/2007, trước khủng hoảng tài chính 1 năm, đường cong lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược đã xuất hiện.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, đường cong lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ đã nhiều lần đảo chiều. Ngày càng nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm rằng ngày nay hiện tượng đường cong lợi tức đảo ngược có thể không phải là chỉ báo cho khủng hoảng.
Hiện tượng “bình thường mới” này là do Fed chỉ có tác động tới lãi suất ngắn hạn còn lợi tức của các TPCP dài hạn lại là sự phản ánh chiến lược đầu tư “phi rủi ro” của các nhà đầu tư. Giao dịch phi rủi ro không nhất thiết phản ánh một cuộc khủng hoảng, thay vào đó là việc tìm đến các tài sản an toàn trong giai đoạn biến động mạnh.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã chậm lại đáng kể kể từ năm 2019. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu chỉ tăng 1,2% trong năm nay. Mức tăng này đã giảm mạnh so với ước tính đưa ra hồi tháng 4 là 2,6% và hồi năm 2018 là 3%.
Đồng thời, WTO cũng cảnh báo con số này còn có thể xuống thấp hơn nữa nếu căng thẳng thương mại leo thang, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hạ nhiệt và việc nước Anh rời Liên minh châu Âu trong hỗn loạn vì không đạt được một thỏa thuận. Cùng với sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp, tăng trưởng thương mại toàn cầu đã đi vào bế tắc.
Trong nửa đầu năm 2019, khối lượng thương mại toàn cầu chỉ tăng 1% so với một năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong bất kỳ giai đoạn sáu tháng nào kể từ năm 2012. Suy thoái trong thương mại toàn cầu có liên quan đến việc giảm chi tiêu đầu tư do tâm lý lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Năm 2019 là một năm đầy biến động của giá dầu. Tháng 1/2019 bắt đầu với mức khoảng 45 USD/thùng, nhưng giá dầu thô WTI đã chạm mức cao nhất 63,88 USD/thùng vào tháng 4/2019, giảm mạnh còn 51 USD/thùng trong tháng 6/2019, để rồi lại lên mức 61,1 USD/thùng vào những ngày cuối năm.
Ban đầu, giá dầu bị đẩy lên cao do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela (hai thành viên của OPEC) và sự đình trệ nguồn cung dầu tại hai quốc gia này. Đến giữa năm 2019, những mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn đã khiến cho nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, giá dầu ngày 27/12/2019 tăng lên mức cao nhất trong quý IV/2019 do thị trường kỳ vọng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sớm kết thúc và tồn kho dầu thô của Mỹ suy giảm.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD có xu hướng đi lên trong bối cảnh Fed vẫn chưa rõ về định hướng tiếp theo của chính sách tiền tệ và các bất ổn với nền kinh tế toàn cầu tiếp diễn. Chỉ số USD-Index cuối tháng 12/2019 giao dịch quanh mức 99 điểm, tăng mạnh so với 95,6 điểm cuối tháng 6/2019.
Tổng kết năm 2019, thị trường tài chính toàn cầu biến động không lớn trong khi nhà đầu tư bắt đầu lạc quan hơn về đàm phán thương mại Mỹ - Trung và những thông tin kinh tế khác. Giá vàng dao động trong biên độ hẹp, trong xu hướng giảm nhẹ từ cuối tháng 9 do triển vọng đàm phán thương mại tích cực hơn.
Giá vàng đóng cửa ngày 30/11 tại mức 1.453,40 USD/ounce, giảm so với mức 1.511,40 USD/ounce cuối tháng trước. Thị trường chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần 23/12 tiếp tục tăng điểm và lập kỉ lục mới sau khi đón nhận nhiều tin tức từ Trung Quốc cũng như doanh nghiệp trong nước.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 96,44 điểm, tương đương 0,34% lên 28.551,53 điểm. S&P 500 tăng gần 0,1% lên 3.224 điểm, Nasdaq Composite cũng tăng 0,23%. Theo đà tăng của chứng khoán Mỹ, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của châu Âu và châu Á đều có sự gia tăng vào dịp cuối năm.
Các nhà đầu tư cũng lạc quan về thông tin Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 859 loại hàng hóa từ ngày 1/1/2020. Các mặt hàng bao gồm đa dạng từ thịt heo đông lạnh tới một số loại linh kiện bán dẫn, tổng trị giá khoảng 389 tỉ USD.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp