28/12/2017 13:45
10 sự kiện thời sự trong nước nổi bật năm 2017
Nhiều sự kiện đã diễn ra trong năm 2017 gây chú ý đối với dư luận trong và ngoài nước và sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu.
1. Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017
Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất năm 2017 diễn ra đầu tháng 11 với 21 lãnh đạo nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng.
Lãnh đạo các nước tại APEC 2017. |
Hà Nội cũng lần đầu tiên đón hai cường quốc hàng đầu thế giới Trung Quốc và Mỹ tới thăm cấp nhà nước trong hai ngày liên tiếp. Các hợp tác song phương với Mỹ trị giá 12 tỷ USD và một loạt thỏa thuận, ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực với Trung Quốc đã được ký kết.
Giữa bối cảnh Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nguy cơ chia rẽ, bảo hộ hiện hữu, Việt Nam và 10 thành viên APEC khác vẫn thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thúc đẩy tự do thương mại. APEC Việt Nam cũng trở thành nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra tầm nhìn chiến lược trong nhiệm kỳ của mình với khu vực và thế giới.
2. Vượt khó khăn, hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. |
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra. GDP tăng trưởng khoảng 6,7%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 33 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, hơn 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới... Những kết quả này tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
3. TP.HCM được trao cơ chế đặc thù
Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM được Quốc hội thông qua ngày 24/11 sau thời gian dài bàn cãi. TP.HCM được trao quyền trong một số lĩnh vực như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; tự quyết một số loại thuế, phí; tăng lương cán bộ gấp 1,8 lần quy định...
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Nghị quyết là "quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời". |
Mong muốn được trao quyền nhiều hơn để phát triển đã được các thế hệ lãnh đạo TP HCM ấp ủ từ 12 năm trước - khi hàng loạt bất cập bộc lộ song song với sự phát triển.
"Siêu đô thị" có lượng dân số chiếm hơn 9% nhưng đóng góp gần 22% GDP, 28% ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế trong 30 năm đổi mới bình quân 10,7% - gấp 1,6 lần cả nước.
Những năm gần đây, thành phố bắt đầu suy giảm, thậm chí tụt hậu trên một số lĩnh vực như: thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh. Yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường sống có xu hướng gia tăng. Thành phố cũng là điểm trũng của tội phạm, là nơi có nhiều người nghiện ma túy nhất nước.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá Nghị quyết là "quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời", còn Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng có cơ chế, thành phố như có cờ trong tay để phát triển, song cũng đặt ra nhiều thách thức khi sự đồng bộ trong hệ thống luật pháp vẫn là bài toán nan giải.
4. Tổng bí thư chỉ đạo xử lý 12 đại án tham nhũng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo xử lý dứt điểm 12 đại án. |
Theo đó, 12 đại án gồm:
1. Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV).
2. Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước VN.
3. Vụ án “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang.
4. Vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.
5. Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn.
6. Vụ án “vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng VN.
7. Vụ án “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội.
8. Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group).
9. Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN.
10. Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN, chi nhánh Tây Sài Gòn và Công ty TNHH đầu tư thương mại giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh.
11. Vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 6 TP.HCM.
12. Vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh 7 TP.HCM.
5. Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật và bị bắt giam
Ông Đinh La Thăng bị bắt giam. |
Trong năm 2017, nhiều cán bộ trung và cao cấp bị kỷ luật về Đảng và chính quyền.
Trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp của ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị bắt trong vụ án "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVN.
Trước đó, ông bị Trung ương cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM vì "mắc khuyết điểm nghiêm trọng" trong lãnh đạo, chỉ đạo, bổ nhiệm cán bộ...
Ông Thăng là cán bộ cấp cao nhất của Đảng bị cách chức kể từ sau đại hội XII, đại hội mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Trước đó, hàng chục cán bộ cấp cao khác cũng bị xử lý như nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh… thậm chí người đã về hưu như cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Tài nguyên Nguyễn Minh Quang, cựu Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự... cũng không nằm ngoài tầm truy xét.
Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư làm trưởng ban trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nhiều đại án kinh tế, tham nhũng. Hành động quyết liệt của người đứng đầu Đảng khơi lại niềm tin và sự kỳ vọng vào một bộ máy lãnh đạo đất nước ngày càng trong sạch.
6. Hơn 20 cán bộ tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam bị khởi tố
Ngoài ông Đinh La Thăng, 23 người từng là cán bộ của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã bị khởi tố và bắt giam vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản”.
Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN cùng 11 người liên quan bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. 8 bị can khác bị truy tố về tội Tham ô tài sản. Riêng 2 bị can Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố cả 2 tội danh trên.
VKSND Tối cao phân công VKSND Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xử sơ thẩm vụ án, đồng thời đề nghị TAND Hà Nội tiếp tục kê biên tài sản của Trịnh Xuân Thanh để xử lý vật chứng, bồi thường theo quy định pháp luật.
Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết trong quý I/2018, vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ bị đưa ra xét xử.
7. Một số dự án BOT giao thông gây “nóng” dư luận
BOT Cai Lậy là một trong những điểm nóng trong năm 2017. |
Năm 2017, dư luận xã hội liên tục “nóng” lên trước những bất cập xung quanh một số dự án BOT giao thông, mặc dù chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn.
Để tháo gỡ những vấn đề nóng liên quan đến dự án BOT giao thông, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong quá trình thực hiện có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì cần phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa đổi.
Câu chuyện gây nhức nhối cho cả người dân, chính quyền địa phương và cơ quan hoạch định chính sách bắt đầu bùng phát vào tháng 4. Tại trạm thu phí BOT Bến Thủy 1, người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã dùng tiền lẻ trả phí gây ùn tắc giao thông nhiều ngày.
Sự phản kháng bằng tiền lẻ sau đó lan rộng đến Hưng Yên, Thái Nguyên, Đồng Nai, Khánh Hòa... và đỉnh điểm là cảnh hỗn loạn tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) vào tháng 11.
8. Chiến dịch "giành vỉa hè" cho người đi bộ ở TP.HCM
Ông Đoàn Ngọc Hải. |
Người lãnh xướng cho chiến dịch này Phó chủ tịch quận 1, ông Đoàn Ngọc Hải.
Nhiều hạng mục lấn chiếm lối đi bộ đã bị ông Hải và đoàn công tác đập phá hoặc xử phạt, thậm chí của cả cơ quan nhà nước.
"Chiến dịch giành lại vỉa hè" thành tâm điểm suốt 3 tháng mỗi khi có đoàn liên ngành xuống đường và lan rộng nhiều địa phương. Nhiều lãnh đạo tuyên bố sẽ xử lý người đứng đầu nếu không dẹp được vi phạm trật tự vỉa hè.
Trong chín tháng hành động quyết liệt gây nhiều xung đột giữa nhà chức trách và người dân chiếm giữ vỉa hè, hàng trăm tuyến đường của thành phố đã thông thoáng.
Tuy vậy, Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận "đẩy đuổi hàng rong là không nhân văn" bởi hàng thập niên qua, bao người đã sống nhờ vỉa hè, nuôi cả gia đình bằng những gánh hàng rong.
Lãnh đạo các địa bàn dừng xuống đường, vỉa hè nhiều nơi bị tái chiếm. "Cuộc chiến" đến nay chưa có hồi kết.
9. Ngành y tế đối mặt với nhiều vấn đề
Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, khiến 163.600 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 138.327 trường hợp nhập viện, 30 trường hợp tử vong.
Cũng trong năm qua, ngành y tế đối mặt với nhiều vụ việc nghiêm trọng: sự cố chạy thận nhân tạo làm 8 người chết tại Hòa Bình, vụ 4 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bắc Ninh, vi phạm trong quản lý, sử dụng thuốc điều trị ung thư…
Các vụ việc này đòi hỏi ngành y tế cần sớm có biện pháp hữu hiệu về công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác quản lý, lấy lại niềm tin của xã hội.
10. Bão số 12 làm 107 người chết, gây thiệt hại khoảng 22.000 tỷ đồng
Bão số 12 gây thiệt hại lớn trong năm 2017. |
Bão số 12 (Damrey), cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, bất ngờ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (gần 1 tỷ USD).
Năm 2017, Việt Nam phải hứng chịu 16 cơn bão với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản (375 người chết và mất tích, 636 người bị thương, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 51.590 tỷ đồng).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp