25/12/2017 16:58
10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực tiêu dùng năm 2017
Lĩnh vực tiêu dùng trong năm 2017 chứng kiến hàng loạt những sự kiện lớn, mời độc giả cùng chúng tôi điểm lại những sự kiện nổi bật.
1. Xử phạt Vinatas vụ nước mắm nhiễm asen, nhiều thắc mắc chưa được làm sáng tỏ
Ngày 26/5/2017, Cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương ra quyết định xử phạt hành chính Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) 15 triệu đồng vì vi phạm Luật An toàn Thực phẩm. Kèm theo quyết định buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm về kết quả hoạt động khảo sát nước mắm mà Vinatas đã vi phạm khi công bố.
Nhiều nghi vấn đằng sau việc công bố nước mắm nhiễm arsen đến nay chưa được giải đáp thỏa đáng. |
Trước đó, vào tháng 10/2016 trên website của Hội, Vinatas bất ngờ công bố kết quả khảo sát nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống nhiễm arsen (thạch tín).
Công bố này cũng nhấn mạnh các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống.
Tuy nhiên, loại arsen trong nước mắm, thực chất là arsen hữu cơ, hoàn toàn không có hại cho người sử dụng.
Công bố của Vinatas gây hoang mang trong dư luận, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và thiệt hại cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
Tổ chức này được xác định vi phạm là phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thắc mắc từ dư luận chưa được giải đáp. Chẳng hạn, mục đích Vinatas tiến hành khảo sát và công bố? Có hay không doanh nghiệp đứng đằng sau vụ việc này?....
2. Lần đầu bán lẻ xăng dầu tại VN, TGĐ người Nhật ra tận đường cúi chào khách
Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 - DN nước ngoài đầu tiên tham gia bán lẻ xăng dầu tại thị trường VN đã gây xôn xao dư luận với hình ảnh đích thân ông Hiroaki Honjo, Tổng Giám đốc DN này đứng trước trạm xăng dầu Thăng Long (Hà Nội) đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng.
Ngoài ra, khách đến đổ xăng sẽ được nhân viên tại trạm xăng lau gương, kính xe miễn phí. Sự niềm nở, thái độ phục vụ tận tình của đội ngũ nhân viên khiến khách hàng rất hài lòng.
Vị giám đốc người Nhật cúi chào khách hàng đến mua xăng, dầu dưới trời mưa. |
Một hành động nhỏ nhưng cũng khiến không ít người tiêu dùng tại VN “ngất ngây” với cảm giác làm “thượng đế” thực sự khi đi đổ xăng, dầu. Khác xa hoàn toàn với thái độ bất cần của không ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong nước.
3. Đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ tăng thuế VAT từ 10% lên 12% từ ngày 1/1/2019.
Đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính gây lo lắng cho người tiêu dùng. |
Bộ Tài chính lý giải, đề xuất này đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tại nhiều quốc gia, trong bối cảnh nợ công, các nước có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Bất kể dư luận không đồng tình về đề xuất này vì có thể đẩy giá cả tiêu dùng tăng cao. Nhiều lãnh đạo của Bộ Tài chính lên tiếng cho rằng, tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo (!?).
4.Thu thuế bán hàng qua mạng, có người bị truy thu hơn 9 tỷ đồng
Vào tháng 3/2017, Cục Thuế TP.HCM đã soạn thảo kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành về việc thu thuế bán hàng qua mạng và kiến nghị áp dụng ngay trong tháng 4.
Hàng chục ngàn tài khoản Facebook, website… kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại TP.HCM nằm trong diện phải kê khai đăng ký thuế.
Đã có trường hợp bị truy thu hơn 9 tỷ động thuế bán hàng qua mạng. |
Dù đến hạn kê khai, nhưng rất nhiều chủ tài khoản vẫn bặt vô âm tín. Dù vậy Cục thuế TP.HCM vẫn quyết làm đến cùng. Rất nhiều cá nhân kinh doang qua mạng bị truy thu thuế. Đình đám nhất, có cá nhân bị truy thu thuế tới 9,1 tỷ đồng.
5. Lần đầu Việt Nam xuất khẩu thịt gà đi Nhật
Lô thịt gà “made in VN” đầu tiên được liên doanh giữa công ty De Heus và Koyu & Unitek xuất khẩu đi Nhật Bản vào ngày 9/9.
Hai DN này phải mất tới hơn hai năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, quy trình chăn nuôi mới có được giấy phép chính thức xuất khẩu thịt gà vào Nhật.
Sự kiện được gây chú ý vì từ trước đến nay VN dù chăn nuôi gà với sản lượng lớn, nhưng vẫn thường xuyên nhập khẩu gà và phụ phẩm (chân, cổ, đầu, cánh, nội tạng…) từ các nước. Trong khi gà VN rất khó xuất khẩu vì không đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh, kháng sinh trong thịt gà.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sau thịt gà, Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt lợn, sữa…
Lần đầu tiên có doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. |
Một diễn biến khá thú vị xung quan sự kiện này là mặc dù Koyu & Unitek là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đưa sản phẩm thịt gà VN vào Nhật Bản.
Tuy nhiên tại lễ công bố xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên đi Nhật, Công ty cổ phần Hùng Nhơn doanh nghiệp chưa có sản phẩm xuất khẩu đi Nhật lại xuất hiện như là đơn vị giữ vai trò chính của sự kiện. Trong khi Koyu & Unitek và các chủ trại gà được mời đến như những vị khách mời (?!).
6. Hàng loạt mặt hàng nông sản rơi vào khủng hoảng thừa phải kêu gọi giải cứu
Nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu tại Quảng Ngãi, chuối tại Đồng Nai, heo tại khắp các vùng miền… rơi vào khủng hoảng thừa, giá rẻ như cho nhưng cũng chẳng có người mua.
Dưa hấu, chuối… còn chưa đầy 1.000 đồng/kg, chín đầy ruộng mà không thấy ai mua. Nông dân phải chặt bỏ làm thức ăn cho gia súc. Giá heo thịt cũng rẻ như rau, gọi bán mà không có người mua. Người nuôi khắp nơi tự giết mổ heo mang đi bán.
"Giải cứu heo" tại Đồng Nai. Ảnh: Bạch Trang |
Nguyên nhân của những đợt khủng hoảng thừa nông sản này đều do các ngành hàng phụ thuộc vào các mối xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
7. Hàng loạt thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm rơi vào tay Thái Lan, Hàn Quốc
Tiếp nối các vụ thâu tóm các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam rầm rộ từ vài năm nay. Trong năm 2017, nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam tiếp tục rơi vào tay các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Thái Lan… trong đó nổi bật với hai thương vụ lớn.
Thương vụ mua 53,59% cổ Sabeco là vụ thâu tóm thương hiệu Việt lớn nhất năm 2017. |
CJ Cheiljedang Corporation, thành viên khác của Tập đoàn CJ, đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre lên 71,6%, và đổi tên công ty thực phẩm vốn gắn liền với nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt thành CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre.
Một năm trước đó, CJ cũng đã mua lại 64.9% vốn của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt (một DN trong lĩnh vực thực phẩm chế biến) với tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng và mua thêm 4,18% cổ phần của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan).
Thương vụ mới nhất Công ty Thai Beverage (ThaiBev) của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (người Thái Lan) mua lại gần 54% cổ phần của Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Dù việc mua bán diễn ra theo cơ chế thị trường, nhưng cũng khiến không ít người Việt chạnh lòng bởi những thương hiệu này từng nhiều năm gắn bó với cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
8. TP.HCM thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo
TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng quy định truy xuất nguồn gốc thịt heo trên thị trường thông qua việc gắn vòng truy xuất.
Kế hoạch truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM liên tục bị "thất thủ". Ảnh: Bạch Trang |
Theo đó, bất cứ một con heo xuất phát từ tỉnh thành, địa phương nào… muốn đưa về TP.HCM tiêu thụ phải được gắn vòng truy xuất ở hai chân sau của heo.
Chiếc vòng này có mã QR được khai báo thông tin chủ trại, thương lái, cán bộ thú y, tiểu thương…Những thông tin được Sở Công thương kỳ vọng có thể kiểm soát được nguồn gốc, đường đi của từng miếng thịt heo từ trại nuôi đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đề án này sau khi nhiều tháng thử nghiệm và vận hành chính thức đều không đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân được người chăn nuôi, thương lái, tiểu thương… giải thích là việc đeo vòng gây tốn kém, trong khi khó đem lại hiệu quả vì việc khó thẩm định được thông tin khai báo có chính xác hay không.
Dù vấp phải những trở ngại, song Sở Công thương TP.HCM khẳng định, bằng mọi giá sẽ vẫn duy trì đề án này.
9. “Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ như Grab, Uber tiếp tục nóng lên khi các hãng xe taxi truyền thống liên tục tố cáo các hãng taxi công nghệ dành hết thị phần.
Không dừng lại ở những cuộc “khẩu chiến”, một số hãng taxi lớn như Vinasun còn xuất hiện cả những khẩu hiệu phản đối Uber – Grab.
Tài xế Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber và Grab. |
Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng trong việc quản lý loai hình dịch vụ sử dụng công nghệ này.
Việc chưa xác định rõ ràng các hãng taxi công nghệ là một loại hình dịch vụ vận tải hay là một đơn vị cung cấp phần mềm dẫn đến sự lúng túng trên.
Trong khi đó, một số nước châu Âu đã ra phán quyết, Uber, Grab là loại hình vận tải, và họ áp cơ chế quản lý dành cho một doanh nghiệp vận tải nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, ngành nghề.
10. Rúng động trước tin 50% số heo ra thị trường TP.HCM bị chích thuốc an thần
Gần 5.000 con heo tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (Củ Chi), cơ sở giết mổ lớn nhất TP.HCM bị bắt quả tang đang được chích thuốc an thần trước khi giết mổ.
Hàng ngàn con heo tại lò mổ Xuyên Á bị chích an thần trước khi đem đi giết mô. |
Mục đích của việc làm sai trái này được các thương lái giải thích là giúp quá trình vận chuyển, giết mổ heo được dễ dàng. Thịt heo sau khi giết mổ giữ được độ tươi lâu hơn.
Đồng thời, nhiều con heo được chích thuốc an thần sau đó bị bơm nước trực tiếp vào cơ thể nhằm tăng trọng lượng, thu lời bất chính.
Các nhà khoa học cảnh báo, thịt heo tồn dư chất an thần có thể bị các triệu chứng hạ huyết áp, lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...
Đặc biệt càng nguy hiểm hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận…
Việc chích an thần cho heo được cơ quan chức năng nhận định đã diễn ra một thời gian dài, tại nhiều địa phương.
Advertisement
Advertisement