Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

10 năm "sóng gió" của Eximbank

Ngân hàng

31/03/2019 05:57

Có quá nhiều cổ đông lớn, lợi nhuận liên tục tụt dốc là những nguyên nhân chính khiến thượng tầng của Eximbank chưa bao giờ ổn định trong 10 năm qua.

Phức tạp

Eximbank là ngân hàng từng được xếp vào nhóm đầu, thuộc câu lạc bộ nghìn tỷ. Tuy nhiên, lợi nhuận Eximbank trong vài năm qua giảm mạnh, thậm chí còn có thời gian thua lỗ.

Eximbank liên tục bất ổn khi vướng vào cuộc chiến giành quyền kiểm soát ngân hàng.
Eximbank liên tục bất ổn khi vướng vào cuộc chiến giành quyền kiểm soát ngân hàng.

Trong đó, 2016 được coi là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với ngân hàng khi chỉ hoàn thành khoảng 40% kế hoạch năm và cổ phiếu EIB đã bị đưa vào diện cảnh báo hồi đầu tháng 4/2016 khi lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ 114 tỷ đồng xuống còn âm 834 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2015 là âm 817 tỷ đồng.

Phải mất 2 năm, tới tháng 4/2018, Eximbank mới khắc phục được tình trạng để cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo.

Ngược lại quá khứ, giai đoạn 2004-2010, vốn điều lệ của Eximbank tăng tới 21 lần, từ 500 tỷ đồng lên 10.560 tỷ đồng, là một trong hai ngân hàng tư nhân có nguồn lực lớn nhất cùng với Sacombank, tổng tài sản tăng 16 lần lên 131.111 tỷ đồng. Cùng với Vietcombank, Eximbank là nhà băng hàng đầu trong lĩnh vực ngoại thương, xuất nhập khẩu.

Đang đứng ở đỉnh cao, bước ngoặt với Eximbank xảy ra vào năm 2010, khi đại hội cổ đông thường niên năm đó bầu ra Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2010-2015, với sự đứng đầu của ông Lê Hùng Dũng. Ông Dũng ban đầu là đại diện của SJC. Sau khi nghỉ hưu đầu năm 2014, ông được một nhóm cổ đông nắm 10,4% vốn đề cử và tiếp tục giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cho tới cuối nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, trong 5 năm ngồi ghế nóng, người ta nhớ nhiều đến ông Lê Hùng Dũng nhiều hơn với những phát ngôn ồn ào trong lĩnh vực bóng đá hơn là điều hành Eximbank. Ông Dũng không mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông Eximbank khi kết quả kinh doanh lao dốc liên tục. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế từ 3.000 tỷ đồng năm 2011 về 2.000 tỷ đồng năm 2012, tụt về 659 tỷ năm 2013 rồi chỉ còn vỏn vẹn 57 tỷ đồng năm 2014.

Dưới thời ông Dũng, Eximbank cũng không ít lần vướng vào những tin đồn M&A. Đầu tiên là với Sacombank và ACB, sau đó là Sacombank, để rồi trở thành trung gian cho ông Trầm Bê cùng Southern Bank thâu tóm Sacombank năm 2015.

Năng lực kém cỏi của Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2010-2015 đã bị cổ đông phản ứng rất gay gắt trong đại hội cổ đông thường niên tháng 7/2015. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 8 thành viên là các ông Cao Xuân Ninh (nhóm Vietcombank đề cử), ông Ngô Thanh Tùng (7 cổ đông có 10,19% vốn đề cử), ông Naoki Nishizawa đại diện phần vốn góp của SMBC tại Eximbank với tỷ lệ cổ phần 10,05%, ông Yasuhiro Saitoh do 3 cổ đông tổ chức đề cử với tỷ lệ cổ phần 10,05%, 4 vị không sở hữu hay đại diện sở hữu mà do Hội đồng quản trị khoá trước đề cử là ông Lê Văn Quyết, ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông và ông Hoàng Tuấn Khải.

  9 Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020.

9 Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020.

Thành viên Hội đồng quản trị độc lập duy nhất ông Lê Minh Quốc ngay sau đó đã trở thành Chủ tịch HĐQT Eximbank khoá mới. Dù là thành viên độc lập nhưng xuất thân của ông Quốc có không ít liên hệ tới nhóm cổ đông lớn ở Eximbank. Cụ thể, ông Quốc thời điểm đó đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Âu Lạc, nơi ông Ngô Thanh Tùng là Thành viên Hội đồng quản trị.

Bản thân ông Ngô Thanh Tùng đại diện cho nhóm cổ đông giữ 10,194% cổ phần Eximbank, gồm Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Á Châu, Quỹ VOF Investment Limited và hai cổ đông cá nhân là bà Ngô Thu Thúy cùng ông Trần Công Cận.

Trong số này, bà Ngô Thu Thuý là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Âu Lạc. Bản thân bà Thuý cũng từng được Hội đồng quản trị Eximbank bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao, dù nữ doanh nhân này được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực vận tải xăng dầu.

Như vậy, trong 9 thành viên Hội đồng quản trị khoá 2015-2020 của Eximbank, có thể chia làm các nhóm như nhóm ông Lê Minh Quốc, ông Ngô Thanh Tùng (có liên hệ với Âu Lạc), nhóm Ông Naoki Nishizawa và Ông Yasuhiro Saitoh (cổ đông ngoại), nhóm ông Cao Xuân Ninh và ông Lê Văn Quyết (Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước) và ba thành viên còn lại không phụ thuộc cụ thể vào một nhóm nào là các ông Đặng Anh Mai, ông Nguyễn Quang Thông và ông Hoàng Tuấn Khải.

Bà Lương Cẩm Tú là ai?

Bất ngờ, vào cuối tháng 3/2018, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu vào Hội đồng quản trị Eximbank. Cụ thể, Eximbank đã ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 thay cho ông Lê Minh Quốc, Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Theo đó, ông Lê Minh Quốc thôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank từ ngày 22/3/2019. Ông Lê Minh Quốc có trách nhiệm bàn giao đầy đủ công việc, tài liệu và các vấn đề có liên quan của Hội đồng quản trị cho Chủ tịch Hội đồng quản trị mới. Việc bàn giao phải được hoàn tất trong vòng 5 ngày kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.

Bà Lương Thị Cẩm Tú-nữ doanh nhân sinh năm 1980 vừa thôi nhiệm Tổng giám đốc tại Nam Á Bank trước đó ít tuần, là trường hợp duy nhất được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trong số 4 hồ sơ tham gia Hội đồng quản trị Eximbank.

Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm của Eximbank.
Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm của Eximbank.

Bà Tú sinh năm 1980 tại Khánh Hòa, từng là một trong những lãnh đạo ngân hàng trẻ tuổi nhất hệ thống ngân hàng khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc NamABank. Bà Tú là cử nhân ngành Quản trị kinh doanh năm 2002, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Griggs của Mỹ và có trên 15 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Bà đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng các ngân hàng như Trợ lý Giám đốc, Phó giám đốc rồi Giám đốc Sacombank chi nhánh Khánh Hòa, Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của Ngân hàng MHB, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Đường Ninh Hòa, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thắng Lợi.

Việc bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ngày 22/3 là diễn biến bất ngờ. Tuy nhiên lần lại dòng sự kiện mang tới những tư duy khá logic. Cụ thể, sau thời Chủ tịch Lê Hùng Dũng, Eximbank sau hơn ba năm dưới sự lãnh đạo của ông Lê Minh Quốc vẫn chìm trong khó khăn, nhiều vụ mất tiền hàng trăm tỷ liên tiếp xảy đến. Uy tín của dàn lãnh đạo trong mắt cổ đông vốn đã không cao, nay tiếp tục suy giảm.

Trước đó, bà Tú tham gia Eximbank với tư cách là Thành viên Hội đồng quản trị. Nghị quyết số 112 của Eximbank có nêu, dù thời gian gia nhập chưa lâu nhưng những đóng góp của bà Tú đối với sự ổn định và phát triển của Eximbank trong thời gian qua là hết sức thiết thực và kịp thời.

Đồng thời, thông qua quyết định bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú, Hội đồng quản trị Eximbank đã thể hiện sự thống nhất, đồng lòng và đoàn kết trong việc hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo của ngân hàng, vì sự phát triển ổn định nội bộ, lợi ích của khách hàng và cổ đông.

Theo Eximbank, để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, ngân hàng đã thực hiện quá trình đánh giá, sàng lọc các ứng viên một cách công khai, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối hệ thống quy phạm pháp luật có liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tuy nhiên, ngay lập tức, ông Lê Minh Quốc đã lên tiếng khẳng định mình vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp pháp của Eximbank. Ông Quốc cho rằng phiên họp ngày 22/3 của nhóm Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm Thành viên Hội  đồng quản trị Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật.

Sau đó, Toà án Nhân dân TP.HCM cũng đã yêu cầu ngân hàng tạm dừng nghị quyết thay Chủ tịch Hội đồng quản trị. Như vậy, thêm một lần nữa, cuộc chiến giành quyền lực tại Eximbank chưa có dấu hiệu đi xuống dù đã trải qua một thời gian khá dài.

Ngày 26/4 tới, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Liệu các cổ đông có thể kỳ vọng về một sự thay máu lớn của ngân hàng?

Eximbank làm ăn thế nào?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2018, tại 31/12/2018, tổng tài sản của Eximbank đạt hơn 152.700 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Tuy nhiên, con số này lại giảm 4,64% so với mức hơn 160.100 tỷ đồng hồi cuối năm 2014.

Thượng tầng mãi lo tranh giành quyền lực, Eximbank ngày càng làm ăn bết bát.
Thượng tầng mãi lo tranh giành quyền lực, Eximbank ngày càng làm ăn bết bát.

Cho vay khách hàng tính đến cuối năm ở mức 104.200 tỷ đồng, tăng trưởng 2,87% trong khi tiền gửi khách hàng cũng chỉ nhích nhẹ 1% so với cuối năm 2017, lên mức 118.800 tỷ đồng. Mức này thấp hơn so với mức 4,9%/năm đối với cho vay khách hàng và 4,3%/năm đối với tiền gửi khách hàng nếu tính theo mức tăng trưởng bình quân mỗi năm trong 4 năm qua của Eximbank.

Theo đó, Eximbank hiện đang thuộc nhóm ngân hàng có tăng trưởng cho vay và tiền gửi thấp nhất hệ thống. Việc tiền gửi của khách hàng của Eximbank có xu hướng giảm trong bối cảnh thời gian gần đây ngân hàng liên tục để xảy ra bê bối liên quan đến tiền gửi khách hàng như vụ mất 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình hay việc nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Eximbank TP. Vinh lừa đảo, chiếm đoạt 50 tỷ đồng của khách.

Lợi nhuận của Eximbank cũng chứng kiến sự trồi sụt thất thường. Từng ghi nhận lợi nhuận lên tới hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2011 nhưng chỉ sau 4 năm, con số này chỉ còn vỏn ven 61 tỷ đồng trong năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng.

Sang năm 2017, hoạt động của Eximbank dường như đã ấm trở lại theo sự khởi sắc chung của hệ thống ngân hàng với lợi nhuận trước thuế đạt 1.018 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2018, kết quả kinh doanh của ngân hàng lại có dấu hiệu đi xuống khi báo lỗ trước thuế tới hơn 300 tỷ đồng trong quý IV năm 2018.

Dù vậy, nhờ 3 quý trước nên tính cả năm, Eximbank vẫn ghi nhận lợi nhuận 827 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2017. Và so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đề ra là 1.600 tỷ đồng, kết quả trên chỉ mới hoàn thành hơn nửa.

Về nợ xấu, nếu như cuối năm 2014, nợ xấu nội bảng của Eximbank lên tới 2.144 tỷ đồng, chiếm 2,46%/tổng cho vay thì đến cuối năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 1.921 tỷ đồng, tương đương 1,84%.

TUYẾT HƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement