26/12/2018 07:55
10 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019
Trong đó, đáng chú ý là Luật An ninh mạng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Đó là: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Quốc phòng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Thể dục, thể thao.
1-Phòng ngừa, đấu tranh việc xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng
Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật.
Theo đó, Luật quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Hiện nay, dữ liệu của nước ta trên không gian mạng đã, đang bị sử dụng tràn lan với mục đích lợi nhuận mà Nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật.
Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật quy định doanh nghiệp trong, ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
2-Tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo
Luật Tố cáo gồm 9 chương, 67 điều (thêm 1 chương mới về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo). Cụ thể, Luật bổ sung quy định về tố cáo nặc danh; rút gọn trình tự giải quyết tố cáo chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây.
4 bước này bao gồm: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; bỏ bước Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo 2011. Luật quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo.
Trường hợp vụ việc phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Một điểm mới của Luật là người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận.
Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Người tố cáo rút tố cáo nhưng nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo, vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình; nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định.
Ngoài ra, Luật vẫn quy định 2 hình thức tố cáo: tố cáo bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo bằng fax hay email.
3-Quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực
Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.
Với bố cục gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục, Luật quy định hệ thống quy hoạch gồm: Cấp quốc gia; cấp vùng; cấp tỉnh; quy hoạch đô thị, nông thôn; quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới; Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước. Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp trên. Trong trường hợp quy hoạch cấp dưới được lập trước quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp trên phải kế thừa những nội dung phù hợp của quy hoạch cấp dưới.
Sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên. Luật cũng quy định phương án xử lý trong trường hợp nội dung các quy hoạch có sự mâu thuẫn với nhau.
Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch gồm 12 điều, trong đó có 11 điều quy định việc sửa đổi 11 Luật, bao gồm: Luật An toàn thực phẩm: Luật Công chứng; Luật Dược; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Điện lực; Luật Hóa chất; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Trẻ em. Luật bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm) đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân.
Bản chất các quy hoạch sản phẩm này chỉ là các điều kiện đầu tư kinh doanh. Luật bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm (quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch công nghiệp dược, quy hoạch kinh doanh thuốc lá, quy hoạch tổng thể các tổ chức hành nghề công chứng) đang tồn tại là hành lang pháp lý quan trọng để loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
4-Khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch gồm 31 điều, trong đó có 30 điều quy định việc sửa đổi 37 Luật và 1 điều quy định hiệu lực thi hành; lấy Luật Quy hoạch là Luật gốc.
Theo đó, Luật bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Luật sửa đổi tên và loại quy hoạch để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh mục quy hoạch ngành quốc gia và Danh mục có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại các Phụ lục của Luật Quy hoạch. Nội dung của quy hoạch ngành quốc gia sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, để đơn giản thủ tục hành chính, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch, Luật cũng bãi bỏ giấy phép xây dựng tại Luật Xây dựng, giấy phép quy hoạch đô thị và chứng chỉ quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị.
5-Phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc
Luật Quốc phòng năm 2018 có 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương và 11 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005. Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Luật thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về Quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.
Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Liên quan đến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, Luật bổ sung quy định về phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.
6-Liên kết các chuỗi sản xuất lâm nghiệp
Luật Lâm nghiệp mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản; thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.
Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan trực tiếp đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc Luật. Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp 2013, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.
Luật gồm 12 chương, 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.
7-Góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho ngư dân
Luật Thủy sản gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với luật hiện hành. Luật đã bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam; bỏ 2 chương về hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản và khen thưởng, xử lý vi phạm do các nội dung về hợp tác quốc tế.
Luật khẳng định Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Hệ thống Kiểm ngư bao gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Kiểm ngư tỉnh được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.
Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể về việc quản lý giống thủy sản, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; quy định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn; về quản lý tàu cá, cảng cá và khu neo đậu tránh bão cho tàu cá; về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá...
8-Quản lý thống nhất, hiệu quả hoạt động đo đạc và bản đồ
Luật Đo đạc và bản đồ điều chỉnh hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.
Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ hoặc hoạt động khác có liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước ta.
Luật quy định rõ việc phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh, tạo tính chủ động, phát huy nguồn lực của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý. Luật gồm 9 chương, 61 điều.
9- Thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam
Gồm 9 chương, 79 điều, Luật Thể dục, thể thao xác định chính sách phát triển thể dục, thể thao quần chúng; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phát triển thể dục thể thao; trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để người lao động trong đơn vị mình tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Luật còn có quy định về phong trào thể dục, thể thao, thi đấu thể thao. Một trong những điểm mới của Luật là Điều 14 quy định riêng về thể dục, thể thao cho người khuyết tật nhằm thể chế hoá đường lối của Đảng, Nhà nước về vấn đề này, tạo mọi điều kiện để người khuyết tật tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Thể thao thành tích cao là một chương quan trọng, có tính chất quyết định đến việc thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ thể thao đã được xác định tại Luật. Luật quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao nhằm thể chế hoá chính sách đãi ngộ của Nhà nước dành cho những đối tượng đặc biệt này; đặt ra nghĩa vụ phải nỗ lực tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao mang lại vinh quang về cho Tổ quốc; chuyển giao hầu hết các công việc tác nghiệp cho liên đoàn, hiệp hội thể thao phù hợp với chủ trương xã hội hóa, hội nhập quốc tế về thể thao trong giai đoạn hiện nay.
10-Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân
Ngoài 10 Luật kể trên, cũng từ 1/1/2019, các quy định liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cũng có hiệu lực thi hành.
Theo đó, căn cứ vào quy định của Luật, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật trên cơ sở đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước và thẩm định của Bộ Công an (trừ danh mục thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng).
Quy định này đã khắc phục tồn tại của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước: thống nhất một chủ thể ban hành danh mục quy định cả ba độ mật (Tuyệt mật, Tối mật và Mật); bí mật nhà nước được quy định theo ngành, lĩnh vực, được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không quy định danh mục bí mật nhà nước của địa phương.
Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng quy định khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp