Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

10 lãnh đạo các ngân hàng vướng vào vòng lao lý

Ngân hàng

03/08/2017 05:22

Vướng vào những cáo buộc gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, cố ý làm trái các quy định, nhiều lãnh đạo các ngân hàng đã và đang đối mặt với án tù dài đằng đẵng.

Ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank

Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng đối với Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank ( chức vụ của những nhân vật trong bài viết này tính đến lúc vi phạm- PV)và ông Phan Huy Khang, nguyên là Tổng Giám đốc Sacombank. Cả hai đều bị bắt cùng về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trầm Bê.

Năm 2004, ông Trầm Bê từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Southernbank. Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa đã bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Southernbank để tham gia vào Hội đồng quản trị của Sacombank. Ngày 1/10/2015, Southernbank và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật.

Đến ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tin ban đầu cho thấy, Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho sáu công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 1.800 tỉ đồng.

Ông Hà Văn Thắm.

Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank

Ngày 6/10/2016, ông Hà Văn Thắm cùng 15 người dưới quyền là Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc các bộ phận bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm là chủ mưu trong vụ thâu tóm ngân hàng Đại Tín với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn.

Bà Nguyễn Minh Thu.

Bà Nguyễn Minh Thu, Chủ tịch HĐQTOceanbank

Bà Thu bị bắt giữa tháng 1/2015, sau hai tháng thay thế vị trí của ông Hà Văn Thắm do vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Thu bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm liên đới cùng với Hà Văn Thắm đối với số tiền 476 tỉ đồng và 66 tỉ đồng chi thẳng cho khách hàng cá nhân.

Ngoài ra, Nguyễn Minh Thu cũng đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài 125,6 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng. Cụ thể, bà Thu trực tiếp nhận và chi tiền 57,8 tỉ đồng cho Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn và liên doanh Dầu khí Vietsovpetro...

Ông Phạm Công Danh.

Ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng

Hồi đầu tháng 9/2016, phiên tòa xét xử đại án kinh tế gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng, số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam đã kết thúc. Với những sai phạm trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng, ông Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù.

Theo cáo trạng, tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo cấp dưới tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỉ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỉ đồng mà không báo cáo tổ giám sát.

Ông Danh còn chỉ đạo lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỉ đồng vào tài khoản của Bích tại ngân hàng Xây dựng. Trong đó hơn 16.260 tỉ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của ông Danh.

Từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, vì cần tiền trả nợ ông Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại Đà Nẵng lên nhiều lần, làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Xây dựng và bị quy kết gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng.

Ông Trần Phương Bình.

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc DongA Bank

Cuối năm 2016 ông Bình bị bắt về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay.

Theo thông tin ban đầu, ông Bình bị bắt vì liên quan đến các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ hơn 2.000 tỉ đồng cho DongABank.

Ông Phạm Thanh Tân

Ông Phạm Thanh Tân, Tổng Giám đốc Agribank

Đầu tháng 1/2016, trong phiên xử vụ án gây thất thoát 2.500 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng Giám đốc Agribank đã bị kết án 22 năm tù về hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, buộc bồi thường hơn 24 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Tân trong quá trình điều hành đã ký cho Agribank chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Hội sở Agribank, trái với nghị quyết của Hội đồng quản trị. Hậu quả, số tiền này đã bị chiếm đoạt thông qua hành vi vi phạm quy định về cho vay của bà Lượng và các đồng phạm.

Ông Tân còn bị cáo buộc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với Công ty Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ Dự án Dệt nhuộm may của Công ty Enzo Việt. Điều này khiến ngân hàng bị thiệt hại thêm hơn 306 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB

Năm 2012,ông Nguyễn Đức Kiên đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi kinh doanh trái phép theo điều 159, Bộ Luật hình sự.

Trong quá trình điều tra, ông Kiên còn bị cáo buộc với nhiều tội danh khác. Kết thúc quá trình xét xử, bầu Kiên bị tuyên án 30 năm tù cho bốn tội danh: Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế.

Ông Tạ Bá Long.

Ông Tạ Bá Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị GPbank

Ngày 17/7/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị GPbank và Đoàn Văn An, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị GPbank để điều tra tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo buộc, để có tiền trả nợ trái phiếu cho Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực, khoảng giữa năm 2011, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã thống nhất để ông Long đại diện GPbank ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower với Hoàng Công Hợp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thành Trung. Ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại văn phòng nhà ở An Khánh Sao Bắc GPbank với Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty Sao Bắc.

Sau đó, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục rút 3.900 tỉ đồng của GPbank để chuyển vào tài khoản của các Công ty Thành Trung và Sao Bắc và không có khả năng thu hồi. Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho GPbank hơn 5.500 tỉ đồng cả gốc và lãi.

Ông Huỳnh Nam Dũng.

Ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MHB

Ông Dũng bị bắt vào năm 2016. Lúc đó ông Dũng là Ủy viên Hội đồng quản trị của ngân hàng BIDV, sau khi MHB sáp nhập vào ngân hàng nay. Theo cơ quan điều tra ông Dũng bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng MHB.

Ông Lý Xuân Hải.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB

Ông Hải bị bắt năm 2012 và bị tuyên phạt tám năm tù giam về tội danh Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Lý Xuân Hải đã chỉ đạo cho kế toán trưởng ủy thác hơn 718 tỉ đồng cho 19 nhân viên ACB gửi tiền tiết kiệm tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Toàn bộ số tiền ủy thác này đã bị siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Ngoài ra, ông Hải còn bị cáo buộc cùng thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB thống nhất ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỉ đồng để mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoántrái với quy định, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 688 tỷ đồng.

Đến nay, dù đã mãn hạn tù nhưng ông Lý Xuân Hải vẫn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến ngân hàng trong vòng 5 năm.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement