Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán

Chứng khoán

31/12/2017 17:05

Đó là những cái tên quen thuộc với thị trường và 10 doanh nghiệp này chiếm hơn 57% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. Vinamilk có vốn hóa 302.736 tỉ đồng, 208.600 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam-Vinamilk (VNM) là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đang được thị trường định giá hơn 302.736 tỉ đồng và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, VNM ở mức 208.600 đồng/cổ phiếu.

Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của Vinamilk là sản phẩm sữa, vốn điều lệ là 14.514.534.290.000 đồng. Khối lượng cổ phiếu đang niêm yết 1.451.453.429 đơn vị.

Điểm đáng chú ý trên thị trường chứng khoán năm nay của VNM là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chào bán cạnh tranh 3,33% vốn, tương đương 48.333.400 cổ phiếu Vinamilk với giá khởi điểm 151.200 đồng/cổ phiếu.

Vinamilk là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2017.
Vinamilk là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2017.

Lệnh mua trọn 3,33% vốn điều lệ Vinamilk với giá 186.000 đồng/cổ phần là mức đấu giá thành công giúp SCIC thu về 8.990 tỉ đồng. Tổ chức mua 48.333.400 cổ phiếu này là Tập đoàn Jardinr Cycle & Carriage của Singapore.

Như vậy, Jardinr Cycle & Carriage đã trở thành cổ đông nước ngoài lớn thứ hai của Vinamilk, sau Tập đoàn F&N cũng của Singapore.

2. Tập đoàn Vingroup có vốn hóa 203.894 tỉ đồng, 77.300 đồng/cổ phiếu

Vingroup (VIC) là Tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, Vingroup còn có các ngành nghề khác như dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà ở, máy móc, thiết bị công trình, kinh doanh khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí, dịch vụ làm đẹp thẩm mỹ, dịch vụ ăn uống, giải khát, xây dựng dân dụng và công nghiệp…

Sự thăng hóa của cổ phiếu VIC trong năm 2017 đã giúp Vingroup vượt qua Vietcombank, Sabeco, GAS trong bảng xếp hạng các công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và leo lên vị trí thứ hai.

Chốt phiên giao dịch năm 2017, VIC đang ở mức 77.300 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE. Vingroup được thị trường chứng khoán định giá ở mức 203.894 tỉ đồng.

Cùng với cổ phiếu VRE, VIC đã giúp tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup chạm ngưỡng 4,2 tỉ USD, theo thống kê của Forbes vào cuối tháng 11/2017.

3. VietcomBank có vốn hóa 195.358 tỉ đồng, 54.300 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam-VietcomBank (VCB) là nhà băng lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, cơ cấu cổ đông của VietcomBank khá cô đặc với Ngân hàng Nhà nước nắm 77,11%, Mizuho Bank, Ltd giữ 15% và các cổ đông khác nắm 7,89%. Ngân hàng này đang có vốn điều lệ 35.977.685.750.000 đồng. Khối lượng cổ phiếu đang niêm yết là 3.597.768.575 đơn vị.

Cơ cấu cổ phần củ VietcomBank.
Cơ cấu cổ phần củ VietcomBank.

Chốt phiên giao dịch năm 2017, VCB đang ở mức giá 54.300 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của VietcomBank trên thị trường chứng khoán là 195.358 tỉ đồng.

Những ngày cuối năm 2018, VietcomBank đã bị Thanh tra Chính phủ công bố Thông báo kết luận số 3216/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Vietcombank. Theo đó, VietcomBank đã dính hàng loạt sai phạm về hoạt động tín dụng, hoạt động bán nợ, đầu tư tài chính và mua sắm tài sản.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giao Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thanh tra việc cấp tín dụng của Vietcombank đối với các hồ sơ bán nợ để làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Vietcombank tiến hành kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm tập thể và cá nhân theo thẩm quyền quản lý. Đồng thời, áp dụng ngay các giải pháp để chấn chỉnh xử lý ngay những yếu kém, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát Vietcombank trong việc xử lý các khoản nợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sóng Thần, Công ty Trường Xuân để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

4. Tổng công ty Khí Việt Nam có vốn hóa 186.300 tỉ đồng, 97.400 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí.

Cổ phiếu ngành dầu khí đang hưởng lợi từ giá dầu thế giới tăng cao.
Cổ phiếu ngành dầu khí đang hưởng lợi từ giá dầu thế giới tăng cao.

Trong 25 cái tên có thị giá xấp xỉ từ 100.000 đồng/cổ phiếu trở lên thì GAS là cái tên cuối cùng. Xếp phía trên GAS là TLG, CMF, NSC, ACV, NCT, DHG, DMC, TRA, SCS, BHN, MWG, RAL và hoàng loạt cái tên đình đám khác như PNJ, TV2, VJC, SGN, SLS, ROS, VNM, CTD, VCS, SAB, VCF.

Chốt phiên giao dịch năm 2017, GAS ở vùng giá 97.400 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán là 186.300 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm 2017, thị giá GAS đã tăng 62%. Nguyên nhân là nhờ giá dầu thế giới đạt đỉnh cao nhất kể từ năm 2015.

5. Sabeco có vốn hóa 159.871 tỉ đồng, 248.300 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn-Sabeco (SAB) là doanh nghiệp chiếm hơn 40% thị phần bia của cả nước. Hiện tại, SAB đang giao dịch ở mức 248.300 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của Sabeco trên thị trường chứng khoán đang được định giá ở mức 159.871 tỉ đồng.

Năm 2017, Bộ Công thương tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu SAB, tương ứng 53,59% vốn điều lệ. Tại phiên đấu giá, có hai lệnh mua được đưa vào hệ thống. Một lệnh gom trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu với giá 320.000 đồng/cổ phiếu và một lệnh mua 20.000 cp với giá 320.500 đồng/cổ phiếu.

Giá đấu thành công bình quân là 320.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị Bộ Công Thương thu về hơn 109.972 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Vietnam Beverage mua 343,66 triệu cổ phiếu.

Vietnam Beverage là công ty có liên quan đến ThaiBev của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Công ty TNHH Vietnam Beverage được thành lập ngày 6/10/2017, có trụ sở đặt tại Hà Nội. Đơn vị này có vốn điều lệ 682 tỉ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100% vốn.

Trong khi đó, Công ty Đầu tư F&B Alliance Việt Nam lại là đơn vị do Beerco Limited công ty con của ThaiBev, doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Năm 2018, Sabeco đặt mục tiêu cho năm 2018 với tổng doanh thu 35.981 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.806 tỉ đồng, tăng tương ứng 5% và 2% so kế hoạch năm 2017.

6. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có vốn hóa 97.040 tỉ đồng, 75.000 đồng/cổ phiếu

Tổng công ty Xăng dầu Vệt Nam-Petrolimex (PLX) đang có 41 công ty thành viên, 34 chi nhánh và xí nghiệp trực thuộc, những đơn vị này đều do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, PLX còn nắm quyền chi phối ở 23 công ty cổ phần, 3 công ty liên doanh với nước ngoài và 1 chi nhánh tại Singapore.

Vừa niêm yết trên HOSE hồi tháng 4, PLX đã có vốn hóa tỉ USD.
Vừa niêm yết trên HOSE hồi tháng 4, PLX đã có vốn hóa tỉ USD.

PLX hoạt động chủ yếu trong nhóm ngành dầu khí, có vốn điều lệ là 12.938.780.810.000 đồng. Petrolimex là đơn vị mới niêm yết trên HOSE vào ngày 21/4/2017. Khối lượng cổ phiếu đang niêm yết 1.293.878.081 đơn vị. Chốt phiên giao dịch năm 2017, PLX đang ở vùng giá 75.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa là 97.040 tỉ đồng.

Ở thị trường xăng dầu Việt Nam, Petrolimex là đơn vị dẫn đầu với 48%. Sau PLX là PVOil với 22%. Đứng ở vị trí thứ 3 là Thành Lễ (Thalexim) với 8%. Ngoài ra còn có Saigon Petro (SP) với 7% thị phần, Xăng dầu Quân đội (MP) khoảng 5% và các đơn vị khác.

Trong khi Petrolimex và PVOil hoạt động toàn quốc thì các cửa hàng xăng dầu của Thalexim nằm chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ, SP ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, MP ở miền Bắc.

7. VietinBank có vốn hóa 90.106 tỉ đồng, 24.200 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam-VietinBank (CTG) được thành lập dưới tên gọi Ngân hàng Chuyên doanh Công thương Việt Nam theo Nghị định số 53/NĐ-HĐBT ngày 26/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang nắm 64,46% vốn điều lệ của VietinBank, The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ giữ 19,73% cổ phần, Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC L.P giữ 5,39% vốn, Ngân hàng Thế giới có 2,63% vốn điều lệ, các cổ đông khác nắm 7,78% vốn.

Chốt phiên giao dịch năm 2017, CTG đang giao dịch quanh vùng giá 24.200 đồng/cổ phiếu. VietinBank đang được thị trường chứng khoán định giá ở mức 90.106 tỉ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế 7.232 tỉ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2016. Với kết quả này, ngân hàng này đã hoàn thành 82,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/9/2017, tổng tài sản của VietinBank đạt hơn 1,062 triệu tỉ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng đạt mức hơn 763.000 tỉ đồng, tăng trưởng 15,3%. Tiền gửi khách hàng tăng 10,7% lên mức hơn 725.000 tỉ đồng.

8. Vincom Retail có vốn hóa 89.635 tỉ đồng, 47.150 đồng/cổ phiếu

Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE) mới được niêm yết trên HOSE vào ngày 6/11/2017 với giá tham chiếu 33.800 đồng/cổ phiếu. Biên độ giao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên -20%. Với mức giá này, vốn hóa của Vincom Retail rơi vào khoảng 64.250 tỉ đồng, tương đương 2,8 tỉ USD.

Ngay lập tức, VRE đã gia nhập câu lạc bộ tỉ USD vốn hóa, nâng danh sách các công ty đạt vốn hóa trên 1 tỉ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên con số 24 như VBC, BID, VTG, VPB, VIC, ROS, SAB, ACV, NVL…

Vincom Retail cùng với VIC đã giúp ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản khoảng 4,2 tỉ USD.
Vincom Retail cùng với VIC đã giúp ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản khoảng 4,2 tỉ USD.

VRE là thành viên của Tập đoàn Vingroup, được thành lập vào ngày 11/4/2012 dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Đến năm 2013, Vincom Retail được định hướng là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống trung tâm thương mại mang thương hiệu Vincom của Vingroup. VRE được chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 14/5/2013.

Hiện tại, VRE là nhà phát triển, sở hữu và vận hành trung tâm thương mại bán lẻ lớn nhất Việt Nam với 4 mô hình Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom phân bổ từ các thành phố lớn tới các tỉnh thành.

Tính đến ngày 30/9/2017, VRE đang quản lý, vận hành và cho thuê 41 trung tâm thương mại ở 22 tỉnh thành với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ hơn 1,1 triệu m2, chiếm 60% thị phần diện tích trung tâm thương mại tại TP.HCM và Hà Nội.

Chốt phiên giao dịch của năm 2017, VRE đang giao dịch quanh vùng giá 47.150 đồng cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Vincom Retail ở mức 89.635 tỉ đồng.

9. Tập đoàn Masan có vốn hóa 88.770 tỉ đồng, 76.700 đồng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) được thành lập vào tháng 11/2004 với tên gọi Công ty Cổ phần Hàng hải Ma San, vốn điều lệ ban đầu là 3.200.000.000 đồng.

Masan là đơn vị có khá nhiều công ty con, công ty liên kết niêm yết trên sàn chứng khoán như MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, MSR của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan, VCF của Công ty Cổ phần VinaCafe Biên Hòa, VSN của Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản…

Hiện tại, MSN đang giao dịch ở mức 76.700 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Masan ở mức 88.770 tỉ đồng.

Thương vụ đình đám nhất năm 2017 của Masan là sẽ chào mua công khai toàn bộ cổ phần của Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (VCF). Mức giá MB dự định chào mua là 202.000 đồng/cổ phiếu để tăng tỉ lệ sở hữu hiện có từ 68,5% lên 100%. Để mua hết 31,5% vốn điều lệ còn lại của VCF, ít nhất MSN phải chi ra 1.700 tỉ đồng.

Việc tăng tỉ lệ sở hữu của Masan tại VCF dựa trên ý nghĩa chiến lược của ngành cà phê và cơ hội sinh lời cao cho cổ đông trong tương lai. Cụ thể, từ vị trí dẫn đầu trong ngành hàng cà phê hòa tan và sở hữu các thương hiệu mạnh như Vinacafé, Wake-up… Vinacafé Biên Hòa đã mở rộng thành công nhãn hiệu Wake-up 247 và đã khẳng định năng lực mở rộng ngành hàng thông qua đổi mới và nền tảng phân phối của Masan.

10. BIDV có vốn hóa 87.177 tỉ đồng, 25.500 đồng/cổ phiếu

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) là cái tên cuối cùng lọt vào Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán. Năm ngoái, đứng ở vị trí thứ 10 là Tập đoàn Hòa Phát còn BID đứng ở vị trí thứ 8. Tuy nhiên, do hai tân binh mới lên sàn là PLX và VRE đã ngay lập tức gia nhập câu lạc bộ tỉ USD nên đã có sự xáo trộn.

Hơn 1 năm qua, BID vẫn chưa có Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Hơn 1 năm qua, BID vẫn chưa có Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tại BID, hơn một năm qua kể từ khi ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BID nghỉ hưu từ ngày 1/9/2016 thì đến nay ngân hàng này vẫn chưa có người thay thế. Sau khi ông Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn là thành viên Hội đồng quản trị được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BID.

BIDV đang có 2 đại diện phần vốn Nhà nước, cùng là thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn Nhà nước còn lại chưa có đại diện. Ông Phan Đức Tú ngoài là thành viên Hội đồng quản trị còn kiêm vị trí Tổng giám đốc của ngân hàng này.

Hồi đầu tháng 12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định để ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VDB để chuyển công tác về BID.

Chốt phiên giao dịch năm 2017, BID giao dịch ở mức 25.500 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa là 87.177 tỉ đồng.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement