07/11/2021 14:36
10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn bứt phá
Dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong tuần từ 1-5/11.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần đầu tháng 11, VN-Index đứng ở mức 1.456,51 điểm, tăng 12,24 điểm (0,8%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 15,52 điểm (3,8%) lên 427,64 điểm. UPCoM-Index tăng 2,82 điểm (2,7%) lên 108,2 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức rất cao và đạt kỷ lục với tổng giá trị giao dịch bình quân là 38.932 tỷ đồng/phiên, tăng 22% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên cũng tăng đến 24,5% lên mức 37.100 tỷ đồng.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn chưa thực sự chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sự phân hóa mạnh vẫn là biến động chính của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường có 15 mã giảm và 14 mã tăng giá. SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) biến động tích cực nhất khi tăng đến 12,7% chỉ sau một tuần giao dịch. SHB đang có chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp. Đáng chú ý, thanh khoản của SHB tăng vọt so với tuần trước. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt hơn 29 triệu cổ phiếu/phiên, trong khi mức này ở tuần trước là 16,2 triệu cổ phiếu/phiên. Riêng trong 2 phiên cuối tuần, SHB đều khớp lệnh được trên 40 triệu đơn vị.
Cổ phiếu SAB của Sabeco (HoSE: SAB) cũng có mức tăng tích cực với 7,2% và góp phần lớn trong việc giữ nhịp tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng như BID của BIDV (HoSE: BID), CTG của VietinBank (HoSE: CTG), TCB của Techcombank (HoSE: TCB) hay VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) cũng đều tăng giá trong tuần từ 1-5/11.
Ở chiều ngược lại, VHM của Vinhomes (HoSE: VHM) biến động không được tốt khi giảm hơn 4% và có đóng góp đáng kể trong việc kìm hãm đà tăng của VN-Index. Bên cạnh đó, NVL của Novaland (HoSE: NVL) cũng giảm 3,9%.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là KHP của Điện lực Khánh Hòa (HoSE: KHP) với 38,8%. Hiện tại, cổ phiếu KHP đang có chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp từ mức 7.870 đồng/cp lên 14.300 đồng/cp sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực. Cụ thể, sau 2 quý đầu của năm 2021 báo lỗ, Điện lực Khánh Hòa báo lãi sau thuế quý III 223,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 40,4 tỷ đồng.
Trước đó do tác động của dịch Covid-19 cùng với chính sách miễn/giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng khiến công ty lỗ tới 182 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Như vậy, nhờ khoản lãi lớn trong quý III đã giúp đơn vị này đạt 41,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong khi cùng kỳ lỗ tới gần 271 tỷ đồng.
12/11 tới đây sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để công ty trả cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 2,5% (1 cổ phiếu được nhận 250 đồng).
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE. |
Tiếp sau đó, cổ phiếu IDI của Đầu tư và PT Đa Quốc Gia (HoSE: IDI) cũng tăng 36,8% chỉ sau một tuần giao dịch. Giá cổ phiếu IDI tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh quý III không tích cực. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III đạt chưa đến 10 tỷ đồng, giảm 69,3% so với cùng kỳ. Công ty báo lãi sau thuế 58 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 20% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2020.
Ở sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là CMS của Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (HNX: CMS) với 54%. Cổ phiếu CMS tăng giá dù không có thông tin hỗ trợ. Quý III, doanh nghiệp này vẫn báo lỗ ròng hơn 2,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 4 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, mức lỗ ròng nâng lên thành gần 9 tỷ đồng.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX. |
Cổ phiếu NRC của Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) cũng tăng 47% sau tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11. Theo BCTC mới công bố, Tập đoàn Danh Khôi báo lãi sau thuế 115 tỷ đồng quý III, tăng gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt gần 74 tỷ đồng, tăng vọt so với mức gần 5 tỷ đồng của cùng kỳ. Tuy nhiên, do báo lỗ đáng kể trong nửa đầu năm nên lũy kế 9 tháng, lãi ròng của công ty đạt chỉ 6,2 tỷ đồng, giảm so với mức 11 tỷ đồng của cùng kỳ.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường thuộc về SDJ của Sông Đà 25 (UPCoM: SDJ) với 92,4%. Thanh khoản của SDJ dù có cải thiện đáng kể so với tuần trước đó nhưng vẫn chỉ ở mức thấp với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân 5.883 cổ phiếu/phiên. Các cổ phiếu xây dựng vốn hóa nhỏ ở UPCoM như L12 của Licogi 12 (UPCoM: L12), CNT của XD và Kinh Doanh C&T (UPCoM: CNT) hay SIG của Đầu tư và Thương mại Sông Đà (UPCoM: SIG) đều có mức tăng giá trên 70%.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM. |
Giảm giá
Tại sàn HoSE, trong top 10 mã giảm giá mạnh nhất thị trường có đến 7 mã thuộc nhóm bất động sản. Tuy nhiên, đa số mức giảm đều không quá mạnh và đều dưới 10%. ITC của Đầu tư kinh doanh Nhà (HoSE: ITC) giảm mạnh nhất với 10,8%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE. |
Ở sàn HNX, cổ phiếu VGP của Cảng Rau Quả (HNX: VGP) giảm mạnh nhất với 24,6%, đây cũng là mã duy nhất tại sàn HNX có mức giảm giá trên 20%. Dù vậy, thanh khoản của VGP luôn duy trì ở mức rất thấp.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX. |
Đứng đầu danh sách giảm giá toàn thị trường là YBC của Xi măng & KS Yên Bái (UPCoM: YBC) với mức giảm gần 41%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này trong tuần qua chỉ là 790 đơn vị/phiên. Các cổ phiếu còn lại trong danh sách giảm giá mạnh sàn UPCoM cũng đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp