04/09/2023 08:51
Rộng cửa vốn ngoại vào địa ốc
Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng trong dài hạn nên thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh khó khăn thanh khoản hiện nay.
Khi vốn ngoại đã sẵn sàng
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong tuần qua mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh 2 nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2013-2023). Dấu mốc này như được tô đậm thêm khi trong 8 tháng đầu năm 2023, Singapore tiếp tục duy trì vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với hơn 3,83 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong 3 thập kỷ qua, các quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore và các tập đoàn kinh tế tư nhân nước này đã đầu tư khoảng 80-90 tỷ USD vào Việt Nam, có mặt tại hầu hết lĩnh vực, ngành nghề cũng như các doanh nghiệp lớn hàng đầu tại Việt Nam. Trong lĩnh vực bất động sản, những cái tên CapitaLand, Keppel Land, Frasers Property, Sembcorp, City Development, GuocoLand, Kusto Home, Mapletree, Ascendas… cùng nhiều doanh nghiệp khác trở thành những đối tác hàng đầu của nhiều nhà phát triển dự án trong nước.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 tới nay, việc nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn về tài chính đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại tiếp cận dễ dàng hơn với các dự án lớn, trong đó nổi bật là nhà đầu tư đến từ Singapore với một loạt cái tên như CapitaLand, Keppel Land, Frasers Property, Kusto Home, Surbana Jurong… đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm dự án từ các chủ đầu tư trong nước như Khang Điền, Novaland, Hưng Thịnh, Kim Oanh…
Đơn cử, cuối tháng 5/2023, Keppel Corp cùng Keppel Vietnam Fund (KVF) - gọi chung là Keppel Consortium - đã ký các thỏa thuận để mua lại 49% cổ phần từ Khang Điền Group tại 2 dự án khu dân cư liền kề ở TP. Thủ Đức, TP.HCM với giá trị 3.180 tỷ đồng (khoảng 187,1 triệu USD).
Trong tháng 6/2023, Tập đoàn Surbana Jurong đã ký kết hợp tác với Kim Oanh Group nhằm phát triển các dự án do tập đoàn này làm chủ đầu tư. Theo thỏa thuận, Kim Oanh Group và Surbana Jurong sẽ hợp tác phát triển một loạt dự án nhà ở, nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng tại khu vực phía Nam. Đặc biệt, Surbana Jurong sẽ chịu trách nhiệm tư vấn quy hoạch khu đô thị và kiến trúc cho các dự án do Kim Oanh Group triển khai.
Mới nhất, vào đầu tháng 8/2023, Meey Land đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với quỹ đầu tư Alamat Capital. Trong đó, Alamat Capital sẽ hỗ trợ các nghiệp vụ tư vấn chiến lược tài chính, hoạch định và dự báo kinh doanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm Proptech (công nghệ bất động sản) của Meey Land, bên cạnh tham gia đầu tư và quản lý các dự án gọi vốn, giúp doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn từ các đối tác của quỹ.
Ông Mark Forsyth - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Alamat Capital cho biết, Việt Nam là quốc gia có hơn 100 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh. Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về tốc độ phát triển công nghệ số. Do đó, đây là cơ hội lớn cho những start-up trong lĩnh vực Proptech phát triển.
Hoàn thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI hiệu quả
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, việc dòng vốn ngoại vẫn đổ mạnh vào thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này. Ngoài việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn góp phần chuẩn hóa thị trường bất động sản, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam có những công trình đạt tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.
“Không chỉ bất động sản công nghiệp, mà cả các phân khúc bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang thu hút tốt dòng vốn ngoại”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Thực tế, không chỉ Singapore, nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia... cũng đang quan tâm tới việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Đáng chú ý, Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ ba trong số các nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam từ đầu năm tới nay. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư hơn 2,33 tỷ USD vào Việt Nam.
Trong chuyến công du Trung Quốc cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn nước này như Texhong, Runergy, Energy China, TCL… và một điểm chung là lãnh đạo các tập đoàn này đều đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam, đồng thời mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trên một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu - phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng...
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới còn đang bất ổn, Việt Nam nổi lên như là một thị trường mới nổi có nền kinh tế - xã hội ổn định, tốc độ đô thị hóa cao và được xem là điểm đến tiềm năng, mang lại biên lợi nhuận tốt. Ông Khương cũng tiết lộ, so với năm trước, danh mục đầu tư của Savills tại Việt Nam hiện tăng gấp đôi và hầu hết thương vụ đang trong giai đoạn đàm phán.
Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam - đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản nhìn nhận, năm 2023 được xem là năm của bên mua, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, điểm đáng chú ý là điều kiện chọn dự án của các nhà đầu tư ngoại cũng dễ dàng hơn so với trước đây. Chẳng hạn, họ có thể quan tâm và ký thỏa thuận hợp tác hay biên bản ghi nhớ với cả những dự án đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, điều hiếm khi xảy ra ở giai đoạn trước, để khi đủ điều kiện có thể chuyển thành thành hợp đồng hợp tác đầu tư, hay tiến hành các hoạt động mua bán, chuyển nhượng.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn và đây là lý do dòng vốn ngoại mong muốn gia tăng sự hiện diện. Theo đó, các thương vụ M&A dự án trong tương lai được kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung, mang đến nhiều sản phẩm chất lượng cho thị trường.
Để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý bất động sản, đặc biệt với những loại hình bất động sản mới như thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel...
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp