Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

PNJ "nhận" thêm 79 tỷ đồng tài sản thuế thu nhập hoãn lại từ Ngân hàng Đông Á

Doanh nghiệp

18/08/2018 09:15

Khoản tài sản dài hạn khác đã tăng 79 tỷ đồng lên 131,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối PNJ đạt 847 tỷ năm 2017, tăng 79 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa có văn bản giải trình về việc điều chỉnh hồi tố trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017. Cụ thể, trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất giữa niên độ do PwC Việt Nam phát hành 14/8, PNJ đã quyết định điều chỉnh hồi tố việc ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại cho toàn bộ khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) trong năm 2016 trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất cho năm tài chính kết thúc 31/12/2017.

Theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán 2017, khoản mục tài sản dài hạn khác đã tăng thêm 79 tỷ đồng lên 131,8 tỷ đồng do ghi nhận thêm 79 tỷ đồng tài sản thuế thu nhập hoãn lại. Cùng với việc hồi tố tăng tài sản, vốn chủ sở hữu của PNJ cũng tăng tương ứng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối công ty mẹ đạt 847 tỷ trong năm 2017, tăng 79 tỷ đồng.

Điều tương tự diễn ra trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2017, con số tài sản dài hạn khác tăng 79 tỷ đạt 135,5 tỷ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất của PNJ tăng tương ứng 79 tỷ đồng. Con số cụ thể trên báo cáo tài chính 2017 là 850,7 tỷ.

Lý giải cho việc hồi tố, PNJ cho biết công ty chưa ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại cho khoản dự phòng vào Ngân hàng Đông Á trên báo cáo năm 2016 là do ngân hàng này lúc đó thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Khi đó, PNJ đánh giá khả năng thu hồi của khoản dự phòng này trong tương lai là thấp và chưa có kế hoạch để xử lý. Do vậy công ty đã kê khai khoản dự phòng này vào chi phí tạm thời không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên báo cáo năm 2016.

PNJ bắt đầu hồi tố, ghi nhận các khoản lợi nhuận đã trích lập dự phòng rủi ro khi đầu tư vào DongA Bank.
PNJ bắt đầu hồi tố, ghi nhận các khoản lợi nhuận đã trích lập dự phòng rủi ro khi đầu tư vào DongA Bank.

Đến nay, PNJ đã tiến hành đánh giá lại khoản dự phòng đã trích lập theo quy định liên quan kế toán, thuế. Theo đó, công ty quyết định điều chỉnh hồi tố ghi nhận khoản dự phòng vào báo cáo tài chính riêng và hợp nhất cho năm tài chính 2017.

PNJ và DongA Bank có mối quan hệ mật thiết khi bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ là vợ ông Trần Phương Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank. Mối quan hệ này còn thể hiện trong nhiều khoản đầu tư, cho vay.

Cụ thể, ngoài mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi, PNJ còn lấn sân sang ngân hàng, bất động sản và ngành nghề khác… Đó là các khoản đầu tư mà PNJ đang còn nắm giữ như DongA Bank, Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á, Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn M&C hay các khoản đã thoái vốn gồm Công ty Cổ phần Quê hương Liberty, dự án Hoàng Minh Giám, Công ty Cổ phần Địa ốc Kinh Đô, Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC)…

Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào DongA Bank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,7% vốn điều lệ DongA Bank. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ cũng từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank từ năm 1992-1997.

Về mặt nhân sự cấp cao cũng có sự luân chuyển giữa 2 doanh nghiệp này, như trường hợp của ông Lê Trí Thông. Gia nhập DongA Bank vào năm 2008, đến cuối 2012 ông Thông là Phó tổng giám đốc DongA Bank và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thẻ thông minh ViNa-V.N.B.C.

Đến tháng 2/2014, ông Lê Trí Thông bất ngờ thôi làm Phó tổng giám đốc ngân hàng này, khi ông vốn là người được quy hoạch để kế nhiệm vị trí Tổng giám đốc DongA Bank của ông Trần Phương Bình.

Rời khỏi DongA Bank, tại đại hội cổ đông của PNJ tháng 4/2017, ông Thông trúng cử thành viên Hội đồng quản trị và được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ nhiệm kỳ 2017-2022. Đến ngày 21/4/2018, ông Thông được bầu làm Tổng giám đốc PNJ.

Với PNJ trong quý II năm 2018 đạt doanh thu thuần 3.217 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Yếu tố tăng doanh thu vẫn tập trung mạnh vào trang sức vàng kênh lẻ. Tăng trưởng doanh thu đối với nhóm cửa hàng cũ là 24%. Trong khi đó 63 cửa hàng mở mới từ quý 3 năm trước đóng góp tăng trưởng 13% doanh số. 

Lợi nhuận gộp trong quý II năm 2018 của PNJ đạt gần 583 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 18,12%, cao hơn đáng kể so với mức 17,06% quý II năm trước. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp PNJ đạt biên lợi nhuận gộp trên 18%. Việc thay đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung vào các dòng nữ trang cao cấp đang mang lại kết quả tích cực cho PNJ.

Chi phí tài chính trong kỳ của PNJ giảm 20% còn 13,73 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 45% lên 268,91 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 73% lên 73,7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, PNJ đạt 180,44 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, tăng 40% so với quý II năm 2017. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PNJ đạt doanh thu thuần 7.357 tỷ đồng, tăng 34%. Lợi nhuận sau thuế 517 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. EPS 6 tháng đạt 3.187 đồng. 

Năm 2018, PNJ đặt kế hoạch lãi sau thuế 882,4 tỷ đồng và với kết quả thực hiện, công ty đã hoàn thành 59% chỉ tiêu đề ra. Tính tới 30/6/2018, tổng tài sản PNJ đạt 5.095 tỷ đồng, trong đó tập trung ở hàng tồn kho với 3.936 tỷ đồng. Vay nợ của PNJ chỉ là 1.037 tỷ đồng, chiếm 20% cơ cấu nguồn vốn.

Còn DongA Bank, hiện tại vẫn là 1 trong 4 ngân hàng của Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Phương Bình bị bắt tạm giam cùng nhiều nhân viên dưới quyền để điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong thông cáo phát đi hồi tháng 4, DongA Bank khẳng định, hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn đang duy trì ổn định và đã có những tiến triển đáng ghi nhận, lượng khách hàng mới đến giao dịch phát sinh thường xuyên, thể hiện niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu DongA Bank.

Các tỉ lệ thanh khoản của DongA Bank tính đến hết tháng 3 đang được duy trì cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 19,65% so với quy định của Ngân hàng Nhà nước là 10%, tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày đối với VND là 78,9% (quy định 50%), đối với ngoại tệ là 74,46% (quy định 10%).

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement