21/12/2019 09:02
Mỹ-Trung điện đàm, ông Tập phàn nàn Washington can thiệp vào nội bộ Bắc Kinh
Ngày 20/12 Mỹ-Trung đã có cuộc điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phàn nàn Mỹ can thiệp vào vấn đề nội bộ Trung Quốc.
Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Trump, ông Tập nói các bình luận, hành động của Mỹ liên quan tới Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng đang gây tổn hại cho quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Chủ tịch Tập Cận Bình "lưu ý rằng các hành vi của Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, gây bất lợi cho sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác song phương", Tân Hoa Xã cho biết.
Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ "chú ý và nhìn nhận nghiêm túc mối lo ngại của Trung Quốc".
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật hồi tháng 6. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, chia sẻ trên Twitter về cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Trump khẳng định đã có cuộc trò chuyện rất tốt với ông Tập Cận Bình về thương mại.
"Tôi đã có cuộc thảo luận rất tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về thỏa thuận thương mại khổng lồ. Trung Quốc đã bắt đầu mua lượng lớn nông sản và hơn thế nữa.Việc ký kết chính thức đang được sắp xếp. Chúng tôi cũng bàn về Triều Tiên - vấn đề chúng tôi đang làm việc với Trung Quốc, và Hong Kong", Trump viết trên Twitter về cuộc điện đàm ngày 20/12.
Bắc Kinh nổi giận khi Washington tháng trước thông qua luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, theo đó Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới. Trump cũng thông qua luật cấm bán hơi cay, đạn cao su và các thiết bị khác được lực lượng cảnh sát Hong Kong sử dụng để đối phó người biểu tình.
Cách đây hơn một tuần, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tạm thời hạ nhiệt cuộc chiến thương mại vốn đã có thể leo thang trong tháng này.
Theo đó, Mỹ sẽ giảm thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa và hủy bỏ đợt tăng thuế vốn đã được lên lịch từ trước. Bắc Kinh đồng ý mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm tới và cam kết siết chặt luật sở hữu trí tuệ, tăng cường minh bạch tiền tệ, bảo vệ công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc.
Nhưng không chỉ gói gọn trong cuộc chiến thương mại, cạnh tranh giữa hai nước đã trở nên toàn diện và chiến lược, trên nhiều mặt trận từ chính trị, công nghệ, hàng hải, quân sự tới Hong Kong và các sáng kiến dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đang thực hiện chính sách chống trả trên nhiều mặt đối với Trung Quốc.
Hạ viện Mỹ hôm 3/12 thông qua Dự luật Duy Ngô Nhĩ, yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, nơi họ bị giam và được giáo huấn chính trị. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính phủ Mỹ đã công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với quan chức, các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".
Advertisement
Advertisement