24/02/2023 10:35
Masan đặt mục tiêu doanh thu 'khủng' trong năm 2023
Lũy kế cả năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Hose: MSN) đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) lần lượt là 76,2 nghìn tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ) và 3,6 nghìn tỷ đồng (giảm 58,3% so với cùng kỳ). Dự báo trong năm 2023, Masan ước tính đạt 86,8 nghìn tỷ đồng doanh thu.
Theo báo cáo SSI, tất cả các mảng kinh doanh đã và vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi các thách thức vĩ mô. Trong quý 4, doanh thu của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) giảm giảm 16,5% so với cùng kỳ do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và mức nền cơ sở cao được thiết lập trong Q4/2021 (do công ty tích cực đẩy mạnh doanh thu tới các nhà phân phối trong Q4/2021).
Doanh thu của WinCommerce (WCM) trong quý 4 cũng thấp hơn so với quý trước, mặc dù kỳ nghỉ Tết đến sớm hơn (một phần doanh thu dịp Tết được ghi nhận trong Q4/2022). Về mặt chi phí, chi phí tài chính tăng 11% trong năm 2022 (riêng chi phí tài chính quý 4 tăng 16,7% so với cùng kỳ) do dư nợ và lãi suất đều tăng.
Với tỷ lệ đòn bẩy cao (D/E là 1,9 lần tại thời điểm cuối năm 2022), chi phí lãi vay cao sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận trong suốt năm 2023 nếu công ty không thể giảm đòn bẩy.
Trong năm 2023, SSI ước tính tập đoàn Masan sẽ đạt 86,8 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng 13,9% so với cùng kỳ) và 3,2 nghìn tỷ đồng NPATMI (giảm 9,5% so với cùng kỳ). Các động lực thúc đẩy doanh thu bao gồm WCM (tăng 5% so với cùng kỳ), MCH (tăng 6,1% so với cùng kỳ) và Phúc Long (tăng 19,5% so với cùng kỳ).
MCH (sản phẩm Hàng tiêu dùng nhanh): Trong năm 2022, MCH đạt 28,1 nghìn tỷ đồng doanh thu (giảm 2,3% so với cùng kỳ), đánh dấu năm đầu tiên ghi nhận mức doanh thu sụt giảm từ năm 2018.
Doanh thu giảm với tốc độ hai con số (giảm 16,5% so với cùng kỳ) trong Q4/2022, với hai nguyên nhân chính: Tâm lý người tiêu dùng yếu đi và công ty tích cực giải phóng hàng tồn kho cho các đại lý phân phối để đạt mức lành mạnh hơn và mở đường cho tăng trưởng trong quý sắp tới.
Cụ thể mức tiêu thụ yếu trong dịp Tết dẫn đến doanh thu quý 4 yếu tại các công ty hàng tiêu dùng. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 39,9% trong năm 2022 so với 41,4% trong năm 2021, nguyên nhân là do giá nguyên liệu tăng cao nhưng có thể chưa được phòng ngừa đẩy đủ. Chiến lược cao cấp hóa sản phẩm đã đem lại thành quả tốt trong vài năm qua nhưng có thể phải đối mặt với những thách thức vĩ mô trong năm 2023.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng thực phẩm tiện lợi, đồ uống, đồ chăm sóc cá nhân và gia đình cũng như bia sẽ tăng trong năm 2023. Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng sản lượng đến từ việc gia tăng thị phần hơn là đến từ mức tiêu thụ toàn thị trường tăng lên.
WCM (bách hóa bán lẻ): Doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ đạt 29,4 tỷ đồng trong năm 2022 mặc dù số lượng các cửa hàng được mở rất mạnh trong năm (tăng 649 cửa hàng Winmart+ mới). Bất chấp mùa cao điểm và kỳ nghỉ Tết sớm hơn, doanh thu WCM vẫn ghi nhận kết quả Q4 thấp hơn một chút so với quý trước, theo ban lãnh đạo, lý do đến từ cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi đối thủ trong giai đoạn mức tiêu thụ suy yếu.
Nếu không tính doanh thu từ các cửa hàng Winmart+ mới mở trong năm 2021 và 2022, doanh thu các cửa hàng còn lại ước tính đã giảm 18% so với cùng kỳ trong năm 2022 và 11,7% so với cùng kỳ trong Q4.2022, khi so với mức nền cao trong năm 2021 và người tiêu dùng cắt giảm tiêu thụ/thắt chặt chi tiêu.
Trong nỗ lực nắm bắt nhu cầu từ ngành hàng tiêu dùng, WCM theo đuổi chiến lược đa dạng hóa, bao gồm mô hình mini mall -Win store, Minimart – Winmart+ ở thành phố và nông thôn và mô hình siêu thị Winmart.
WCM tích cực triển khai chiến lược thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh thu, cụ thể: phát triển chương trình khách hàng thân thiết với 2,3 triệu khách hàng thành viên trong năm 2022; thu hẹp khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường chợ truyền thống bằng cách giảm giá 20% cho các khách hàng thành viên khi mua các sản phẩm Meat Deli và WinEco, đồng thời giảm giá hàng tuần và hàng tháng cho các sản phẩm không phải là thực phẩm.
Theo ban lãnh đạo, chỉ số giá bán của WCM hiện thấp hơn một chút so với đối thủ chính. Đây là bước phát triển mới trong chiến lược của WCM vì trước đây WCM được coi là chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp hơn.
Mặc dù có nhiều hoạt động khuyến mại thường xuyên hơn để thúc đẩy nhu cầu, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của WCM vẫn duy trì đà tăng tích cực, đạt 24% trong Q4/2022 (so với 21,9% trong Q4/2021 và 23,4% trong Q3/2022).
Điều này là do khả năng đàm phán với các nhà cung cấp. Sản phẩm tươi sống đóng góp 28% trong năm 2022, trong khi các nhãn hàng riêng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn chiếm từ 6%-7% tổng doanh thu.
MML (nông trại, thịt và thịt chế biến): Doanh thu đạt 4,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 (tăng 6,7% so với cùng kỳ), theo đó doanh thu quý4 đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng. Chiến lược giảm giá 20% cho thành viên Winstore trong Q4 giúp đạt mức tăng doanh thu thịt từ 30% - 60% tại 113 cửa hàng Win.
Doanh thu thịt lợn đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (giảm20% so với cùng kỳ, do sản lượng và giá bán bình quân thấp hơn), trong khi doanh thu thịt gà đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện từ giảm 1,5% trong Q4/2021 lên 6,9% trong Q4/2022, mặc dù giá bán bình quân thấp hơn (-15% so với cùng kỳ). Tính chung cả năm 2022, tỷ suất lợi nhuận gộp của MML giảm xuống 7,2%, so với mức 12,2% trong năm 2021, với khoản lỗ ròng 233 tỷ đồng trong năm 2022.
MML đã sáp nhập với CTCP Masan Jinju (MSJ) trong Q4/2022. Sau sáp nhập, MML nắm giữ 71% cổ phần của MSJ. Hoạt động kinh doanh của MSJ là thịt chế biến, với thương hiệu xúc xích Ponnie. Trong năm 2021, MSJ đạt doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 1,3 nghìn tỷ đồng và 89 tỷ đồng. Trong khi đó, MML quản lý thương hiệu xúc xích Heo Cao Bồi.
Kỳ vọng sức mạnh tổng thể từ việc sáp nhập và tổng thị phần thịt chế biến của MSN sẽ vượt Vissan. Mảng thịt chế biến của MSN đã tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhờ mức nền cơ sở thấp và việc lựa chọn sản phẩm thức ăn nhanh ngày càng tăng.
MHT (khai thác mỏ và vật liệu công nghệ cao): Trong năm 2022, doanh thu của MHT tăng lên 15,6 nghìn tỷ đồng (tăng 14,6% so với cùng kỳ) nhờ doanh thu vonfram tăng 13,4% so với cùng kỳ và doanh thu flourite tăng 38,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, NPATMI chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm xuống 15,3% trong năm 2022 (so với 16,7% năm 2021) và chi phí tài chính tăng mạnh (tăng 42,8% so với cùng kỳ). Đáng chú ý trong quý 4, công ty ghi nhận khoản lỗ 189 tỷ đồng do hàm lượng quặng đầu vào thấp (đây là rủi ro không thể dự báo). Công ty chưa thể bán hàng tồn kho đồng có giá trị là gần 4 nghìn tỷ đồng trong quý 4.
Về nợ đến hạn trong năm 2023 tổng cộng là 23 nghìn tỷ đồng và phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp. Gần đây, tập đoàn đã thành công trong việc đảm bảo khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản.
Kế hoạch sơ bộ cho năm 2023: Masan đặt kế hoạch doanh thu khoảng 90-100 nghìn tỷ đồng (tăng 18-31% so với cùng kỳ) và Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 4-5 nghìn tỷ đồng (tăng 4-30% so với cùng kỳ).
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement