Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giá vé tăng cao, lợi nhuận các hãng bay 'cất cánh'

Doanh nghiệp

07/05/2024 12:00

Trong quý đầu năm, nhiều hãng hàng không cải thiện doanh thu hàng chục phần trăm so với năm ngoái, kéo lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này “cất cánh” giữa bối cảnh giá vé cao, bay quốc tế phục hồi.

Vietravel Airlines là hãng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý 1. Trong tháng 3, hãng hàng không lữ hành này cho biết doanh thu đạt hơn 172 tỷ đồng, tăng 54% so với kế hoạch. Lũy kế quý 1, công ty thu trên 491 tỷ đồng, tăng 42%.

Điều này giúp hãng bay báo lãi ròng 10,1 tỷ đồng. Lần đầu tiên Vietravel Airlines có lãi 3 tháng liền kể từ khi cất cánh vào đầu năm 2021.

Hãng bay này cho biết với tình hình kinh doanh hàng không trong nước hiện nay, một số hãng bay tạm ngưng hoạt động và thu hẹp hoạt động sản xuất khai thác thì thị phần khách sẽ mở rộng hơn đối với các hãng còn lại. Trong điều kiện này, hãng đẩy mạnh mở rộng mạng bay, tần suất bay trong nước và quốc tế.

Giá vé tăng cao, lợi nhuận các hãng bay 'cất cánh'- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tương tự, Vietjet Air công bố lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt 540 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong kỳ, hãng hàng không giá rẻ này đã khai thác gần 34.500 chuyến bay, vận chuyển được hơn 6,3 triệu lượt hành khách trong 3 tháng đầu năm. Hãng bay cũng mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140.

Cụ thể, hãng ghi nhận doanh thu hợp nhất quý 1 đạt 17.792 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách và hoạt động phụ trợ, cho thuê chuyến bay đạt 15.743 tỷ đồng; doanh thu về việc thu xếp, vận chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ đạt 1.488 tỷ đồng, doanh thu từ cho thuê khô tàu bay đạt 452 tỷ đồng.

Trong khi đó, "ông lớn" Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu hợp nhất quý 1 đạt gần 28.270 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu thuần là gần 28.000 tỷ đồng và lãi gộp gần 4.100 tỷ đồng, tăng tương ứng 19% và 108% so với cùng kỳ và là quý có lãi gộp cao nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, biên lãi gộp cao gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 14,6%.

Báo cáo tài chính công ty mẹ cũng cho thấy doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 62,5%, còn 137 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng gần gấp đôi lên mức 1.470 tỷ đồng do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng. Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ Vietnam Airlines lãi trước thuế gần 1.500 tỷ đồng trong quý 1.

Việc Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp công ty ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng.

Nhờ đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Vietnam Airlines đạt hơn 4.441 tỷ đồng, mức lãi lớn nhất lịch sử và chính thức chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp của công ty. Quý 1 năm ngoái, Vietnam Airlines chỉ lãi trước thuế 19 tỷ đồng và lỗ sau thuế 37 tỷ đồng, theo Dân trí.

Lý giải kết quả kinh doanh đột biến, hãng hàng không quốc gia cho biết, quý 1 là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không. Nhờ thị trường vận tải phục hồi mạnh, hãng đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế đã được khai thác và mở thêm các đường bay mới.

Không công bố số liệu chi tiết nhưng Vietnam Airlines cho biết Pacific Airlines cũng có lãi. Trước đó, hãng bay giá rẻ của Vietnam Airlines chưa quý nào ghi nhận lợi nhuận dương kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Nhìn chung, các hãng hàng không có kết quả kinh doanh tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024 bất chấp thị trường chung gặp khó khăn vì thiếu máy bay (do nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney triệu hồi động cơ PW1100 trên toàn thế giới, trong đó hàng chục máy bay tại Việt Nam cũng phải tạm dừng khai thác để bảo trì).

Doanh thu của các hãng nội địa tăng mạnh trong giai đoạn cao điểm Tết, khi giá vé neo cao chót vót với một số chặng nóng. Tình trạng giá vé cao còn kéo dài đến cả tháng sau Tết Nguyên đán.

Mặt khác, các hạng vé giá rẻ 0 đồng, 9.000 đồng, 14.000 đồng, 99.000 đồng... để kích cầu du lịch cũng gần như biến mất từ đầu năm nay, khi giá trần vé máy bay bị áp, du lịch dần hồi phục và các hãng hàng không cần tăng trưởng để bù đắp nguồn thu giai đoạn sau đại dịch, theo Vnbusiness.

Một nguyên nhân khác giúp doanh nghiệp hàng không cải thiện doanh thu đến từ việc thị trường quốc tế hồi phục. Sau 3 năm bị ảnh hưởng từ đại dịch, các hãng hàng không đang co kéo nguồn lực để cân đối hiệu quả giữa đường bay nội địa và quốc tế. Từ quý cuối năm 2023 đến nay, một số hãng giảm tần suất hoặc cắt các đường bay nội địa ít khách để dồn lực cho các tuyến bay quốc tế.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement