Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Xử lý nghẽn lệnh HOSE, nhà đầu tư e ngại bị đánh lạc hướng

Chứng khoán

18/03/2021 07:41

Những phát súng đầu tiên chuyển sàn HOSE sang HNX khiến nhà đầu tư chưa vội vui mừng, vì cả BBC và SSC đều là những cổ phiếu có thanh khoản thấp nhất HOSE, chỉ giao dịch 100-300 cổ phiếu mỗi phiên.

Những phát súng đầu tiên ít ý nghĩa

Ngày 16/3, HOSE đã ra thông báo chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết sang Sở GDCK Hà Nội đối với CTCP Bibica (mã chứng khoán: BBC), CTCP Giống cây trồng Miền Nam (mã chứng khoán: SSC), thực hiện theo hướng dẫn của UBCKNN tại công văn số 713/UBCK-PTTT ngày 3/3/2021 với mục đích giảm tải cho hệ thống giao dịch của SGDCK TP.HCM. ​

Theo đó, ngày giao dịch cuối cùng của BBC và SSC tại HOSE là ngày 23/3/2021. Trước đó, Tổng giám đốc PAN Group bà Nguyễn Thị Trà My tuyên bố HĐQT PAN Group và 7 Công ty thành viên đã đồng thuận lấy ý kiến chuyển giao dịch từ sàn HSX hiện tại ra giao dịch tại HNX.

Theo bà Trà My, việc chuyển sàn này "theo lời kêu gọi hỗ trợ của lãnh đạo ngành chứng khoán nhằm "chống đột quỵ" cho hệ thống của HSX đang quá tải!".

Sở GDCK Hà Nội cũng cho biết Sở đã nhận được công văn đề nghị chuyển giao dịch cổ phiếu từ Sở GDCK TP HCM (HOSE) sang Sở GDCK Hà Nội (HNX) của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (mã chứng khoán NSC), CTCP BIBICA (mã chứng khoán BBC), CTCP Giống cây trồng Miền Nam (mã chứng khoán SSC).

Nhưng khá hài hước khi nhìn vào thanh khoản của các cổ phiếu tiên phong chuyển sàn. Giá trị khớp lệnh trung bình 10 phiên của SSC vỏn vẹn 200 cổ phiếu, BBC trong những phiên gần đây cũng giao dịch chưa có phiên nào quá 1.000 đơn vị.

“Với những cổ phiếu thanh khoản èo uột như vậy, việc chuyển sàn phỏng có ý nghĩa gì?” một nhà đầu tư đặt câu hỏi.

Một thống kê của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, giải pháp chuyển sàn nếu không có các doanh nghiệp quy mô giao dịch và thanh khoản lớn tham gia sẽ không có nhiều ý nghĩa. Đơn cử, cộng tất cả giao dịch của cổ phiếu các công ty chứng khoán trên HOSE trung bình mỗi phiên cũng chưa tới 700 tỷ đồng. Giả định toàn bộ khối công ty chứng khoán thực hiện chuyển sàn sang HNX, hệ thống vẫn khó hết nghẽn lệnh.

Nghẽn lệnh do tiền hay do số lệnh?

Trong 2 tuần gần đây ghi nhận từ các nguồn dữ liệu cho thấy, nhà đầu tư cá nhân giao dịch sôi động trên thị trường, lấn át các nhà đầu tư tổ chức.

Theo Fiintrade, tuần trước, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 4.266 tỷ đồng khớp lệnh trên HOSE. Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó với gần 18.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 0,03% lên 78.338 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4,9% lên 3.271 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 0,2% lên 11.622 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 7,2% lên 763 triệu cổ phiếu.

Trong các giải thích trước đây, lãnh đạo HOSE cho rằng, nghẽn lệnh do số lượng lệnh tăng mạnh chứ không phải do giá trị giao dịch trên HOSE đến ngưỡng bị tắc nghẽn. Nay nhìn vào dữ liệu thị trường, nhà đầu tư thấy rất khó hiểu. Bởi lẽ, nếu các nhà đầu tư cá nhân giao dịch là chủ yếu, đồng nghĩa số lượng lệnh tăng mạnh, trong khi giá trị mỗi lệnh sẽ nhỏ hơn. Nếu theo logic này, HOSE sẽ nghẽn lệnh khi giá trị giao dịch ở ngưỡng thấp hơn thời kỳ trước đây, tức là vào khoảng 12.000-13.000 tỷ đồng. Nhưng thực tế lại cho thấy, cứ đến ngưỡng 14.000-15.000 tỷ đồng, HOSE mới nghẽn lệnh, tức là tương tự thời điểm nhà đầu tư tổ chức tham gia mạnh trên thị trường.

Vậy nguyên nhân hệ thống "đơ" là do số lệnh hay do số tiền?

FPT đã được “nhập cuộc”?

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là sau cuộc họp với Bộ Tài chính và những tuyên bố đầy kỳ vọng về việc sẽ sớm xử lý nghẽn lệnh trên HOSE, trong 2 tuần qua, FPT đã được nhập cuộc? đã cử chuyên gia đến làm việc với HOSE để tìm hiểu thực tế hệ thống, “bắt bệnh” và đưa ra các phương án “chữa bệnh”?

Báo Đầu tư Chứng khoán đã chuyển các câu hỏi này tới FPT nhưng Tập đoàn tỏ ra khá e dè khi trả lời và vẫn chưa cho biết các thông tin mới hơn.

Trong khi đó, thị trường lại xuất hiện khá nhiều thông tin quanh việc chữa nghẽn lệnh hệ thống. Chẳng hạn như HOSE đã đạt được thỏa thuận để đưa chuyên gia Thái Lan sang xử lý nghẽn lệnh. Tuy nhiên, thông tin này không được lãnh đạo HOSE xác nhận.

Để làm rõ hơn lý do vì sao HOSE và Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan chưa hợp tác xử lý hạn chế hệ thống, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã gửi câu hỏi tới Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan.

Đại diện Sở giao dịch Thái Lan chỉ trả lời “sẽ cập nhật thông tin tới Đầu tư Chứng khoán ngay khi có tiến triển mới”.

Một số nguồn tin lại cho biết, trong vòng 2 tuần nữa hệ thống giao dịch mới giữa HOSE và KRX sẽ hoàn tất để chạy kiểm thử, trong vòng 2 tháng sau đó sẽ chạy thử với các công ty chứng khoán và nếu hệ thống ổn định có thể hoạt động sau 3 tháng nữa.

Nếu phương án này là đúng, thì liệu FPT và chất xám công nghệ Việt có kỳ vọng hỗ trợ được gì cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thủy Nguyễn
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement