Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vụ 2 cháu bé tử vong ở dự án đường Vành đai 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

Chính sách - Hạ tầng

21/07/2019 11:03

Công ty Điện lực Thủ Đức hay chủ đầu tư là liên doanh Công ty HNS-Văn Phú Invest-Bắc Ái phải chịu trách nhiệm về cái chết của 2 đứa trẻ?

Đổ lỗi

Sáng 21/7, trả lời về cái chết thương tâm của 2 đứa trẻ ở công trường dự án đường Vành đai 2, nối đường Phạm Văn Đồng với Gò Dưa nằm trên địa bàn phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM, Công ty Điện lực Thủ Đức cho biết đã báo cáo Tổng công ty Điện lực TP.HCM về sự cố rò rỉ điện tại công trường dự án đường Vành đai 2. Công ty đã cắt điện và phối hợp với Công an quận Thủ Đức điều tra nguyên nhân.

Hiện trường nơi 2 cháu bé tử vong vì điện giật ở công trường dự án thi công đường Vành đai 2. 
Hiện trường nơi 2 cháu bé tử vong vì điện giật ở công trường dự án thi công đường Vành đai 2. 

Công ty Điện lực Thủ Đức cho rằng, trách nhiệm khi để xảy ra sự cố này là lỗi của đơn vị thi công chứ không phải của ngành điện. “Chúng tôi cấp điện cho công trường cũng giống như cấp điện kế cho nhà dân. Phía sau điện kế, đơn vị thi công kéo dây điện thắp sáng công trường thì phải đảm bảo an toàn”, đại diện Công ty Điện lực Thủ Đức nói.

Để thi công dự án, đơn vị thi công dựng văn phòng làm việc và lán trại cho công nhân sinh hoạt ở cạnh công trường và làm thủ tục lắp đặt một trạm biến thế để phục vụ thi công dự án, phát sáng công trình vào ban đêm.

Theo dữ liệu của chúng tôi, dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa của Quốc lộ 1A nằm trong tổng thể của đường Vành đai 2. Dự án này được UBND TP.HCM phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BT vào cuối tháng 11/2015, theo Quyết định số 6318/QĐ-UBND.

Theo quyết định này, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư HNS Việt Nam (HNS)-Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (VPI)-Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.134 tỷ đồng. Giá trúng thầu là hơn 1.176 tỷ đồng, bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng. Địa điểm xây dựng tại quận Thủ Đức, với diện tích sử dụng đất khoảng 280.664m2. Thời gian xây dựng là từ năm 2015 đến năm 2017.

Sáng 21/7, chúng tôi đã liên lạc với hai Phó tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest. Tuy nhiên, cả hai vị này đều từ chối trả lời với lý do đang đi công tác hoặc không nghe máy.

Trong khi đó, hai cháu bé tử vong ở công trường dự án đường Vành đai 2 có trường hợp gia đình bé Minh Châu rất khó khăn. Gia đình thuê trọ ở đầu hẻm 188 đường Tam Bình, phường Phú Châu. Hôm qua, Châu và em gái cùng một số bạn trong xóm rủ nhau ra khu vực bãi đất thuộc dự án xây dựng đường Vành đai 2 để chơi.

Châu cùng một em khác bị giật chết, một bé gái khác cũng đang cấp cứu tại bệnh viện. Gia đình em Châu có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ nhận tỏi ở Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức về bóc, cha làm thợ xây nên thu nhập cũng bấp bênh. Bé Châu là con trai đầu trong nhà, kế sau là 2 em gái.

Rạng sáng ngày 21/7, lãnh đạo phường Tam Phú và đại diện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái có mặt tại phòng trọ của gia đình bé Châu để thăm hỏi, động viên. Tại đây, đại diện Công ty Bắc Ái đã nói lời chia buồn và gửi 50 triệu đồng để trước mắt gia đình lo hậu sự cho bé mẹ em Châu đã từ chối không nhận.

Chị Diệp, mẹ của bé Châu nói: “Mẹ không cần tiền, con ơi!”. Gia đình chị nghèo khổ nhưng không vì thế mà mẹ tham tiền. Tôi chỉ cần con thôi, bao nhiều tiền cho đủ”.

Chị Diệp cho biết thêm, từ 2 tháng nay khu vực nơi con chị và nhóm bạn bị điện giật là chỗ vui đùa của những đứa trẻ trong xóm. “Từ khi nghỉ Hè, tụi nhỏ thường ra đây chơi. Dự án thi công san lấp mặt đường rất rộng, sạch sẽ. Công nhân ngày nào cũng làm việc và biết tụi nhỏ hay ra chơi đây, sao họ làm cẩu thả vậy. Lúc ra về sao không ngắt dòng điện ra đi chứ”, chị Diệp đau đớn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Như chúng tôi đã thông tin, khoảng 15h ngày 20/7, một nhóm gồm 5 cháu bé đang chơi đùa trên bãi đất thuộc khu vực thi công đường Vành đai 2, nối đường Phạm Văn Đồng với Gò Dưa nằm trên địa bàn phường Tam Bình, quận Thủ Đức. 

Khi bé trai tên Châu (10 tuổi) chạy lại ụ đất trống bất ngờ bị điện giật nên kêu cứu, 2 bé khác cùng nhóm nghe tiếng kêu đã chạy lại cứu bạn thì bị giật cùng. Một bé trai cùng nhóm chứng kiến vụ việc đã chạy về báo người thân. 

Khi mọi người đến hiện trường thì phát hiện bé Châu đã tử vong, hai bé còn lại bất tỉnh, được người nhà đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên một trong hai cháu bé cũng đã tử vong ở bệnh viện. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc từ chối trách nhiệm của Công ty Điện lực Thủ Đức là quá vội vàng và cần điều tra, làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan của từng bên.

Đường Vành đai 2 vẫn còn ngổn ngang.
Đường Vành đai 2 vẫn còn ngổn ngang.

“Để xét trách nhiệm, cần xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc rò rỉ điện gây chết người và xem xét nghĩa vụ của từng bên trong quá trình truyền tải, sử dụng điện. Phải nhìn vào hợp đồng giữa đơn vị cung cấp điện và đơn vị thi công, đồng thời xem lại quy trình để xác định sai sót của bên nào dẫn đến cái chết của hai bé. Ví dụ đơn vị cung cấp điện phải đảm bảo yếu tố liên quan đến chất lượng và an toàn của đường dây truyền tải điện”, ông Quyền nói.

Luật sư Quyền cho biết thêm, đơn vị thi công và chủ đầu tư chắc chắn phải có trách nhiệm nhưng mức độ tới đâu cần chờ kết luận từ Cơ quan điều tra. Đây có thể là trách nhiệm liên đới giữa cả bên sử dụng và bên cung cấp điện, chưa hẳn là lỗi hoàn toàn của đơn vị thi công.

“Theo Luật Điện lực 2004, nghĩa vụ của đơn vị điện lực là phải bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. Do đó, bên điện lực vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới, còn trách nhiệm của đơn vị thi công là chắc chắn”, ông Quyền cho biết thêm.

Luật sư Quyền cho rằng, vụ việc gây tử vong tới 2 người nên khả năng cao sẽ được công an khởi tố vụ án, trừ trường hợp cơ quan điều tra xác định lỗi không thuộc về đơn vị nào. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Cơ quan công an vẫn cần xác định rõ lỗi thuộc về cá nhân nào mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự bởi theo luật, trường hợp này không thuộc diện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Hơn 10 năm vẫn còn dang dở

Đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64km. Trong đó đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác 50,2km đoạn quốc lộ 1A từ nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) đến An Lạc, đường Nguyễn Văn Linh và đường Vành đai phía Đông từ nút giao Khu A đến cầu Phú Hữu quận 9.

Hiện tại, đường Vành đai 2 đang triển khai xây dựng đoạn 3 dài 2,75km. Các đoạn còn lại dài khoảng 11,15km đang gấp rút hoàn chỉnh các thủ tục để tiến hành đầu tư xây dựng. Tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 10.000 tỷ đồng, kinh phí xây lắp khoảng 6.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến Xa Lộ Hà Nội (gồm nút giao thông Bình Thái), tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.

Đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1A), tổng mức đầu tư 2.528 tỷ đồng. Đoạn 4 từ nút giao An Lạc (quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Như vậy, đường Vành đai 2 còn 11km còn lại để khép kín toàn tuyến nhưng chủ trương vẫn nằm trên giấy. Theo ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đối với đoạn 1 và 2 (từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng), TP.HCM đã bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho Khu Quản lý giao thông đô thị Số 2 lập dự án đầu tư (năm 2008-2010).

Năm 2011, TPHCM đưa dự án này vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT trên địa bàn TP.HCM tại Quyết định 1690/QĐ-UBND ngày 1/4/2011. Tiếp sau đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, thành phố lại đưa dự án vào danh mục các dự án thuộc Chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.

Cuối năm 2016, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã thỏa thuận lập báo cáo nghiên cứu khả thi với 3 đơn vị đề xuất thực hiện dự án, tuy nhiên chưa được phê duyệt do vướng các quy định về quỹ đất thanh toán hợp đồng BT. Đơn vị đề xuất dự án đang hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các sở ngành và bổ sung những nội dung liên quan hình thức hợp đồng BT.

Tuy nhiên, đầu tháng 6/2019, UBND TP.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công (theo hướng ngân sách đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư phần xây lắp) đối với đoạn 1, đoạn 2 và 4 gửi Sở kế hoạch Đầu tư thẩm định, báo cáo UBND TP.HCM trình Hội đồng nhân dân TPHCM quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 7 năm nay. 

TRÀ GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement