Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tương lai nào cho thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp bán lẻ làm ăn thế nào? (bài 3)

Doanh nghiệp

13/03/2019 07:59

2018 là năm mà các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ như MWG, FRT, PNJ, DGW làm ăn khá tốt với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế dự báo trên 30%.

Vingroup vẫn là số 1

Tập đoàn Vingroup ghi dấu ấn kỷ lục trong ngành bán lẻ Việt Nam và quốc tế vào ngày 31/12/2018 khi đồng loạt trong cùng một ngày khai trương 117 cửa hàng tiện lợi tại cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Sự kiện nâng tổng số VinMart lên con số 1.700 cửa hàng, khẳng định vị thế dẫn đầu của nhà bán lẻ số 1 trên thị trường.

VinMart đang có 1.700 cửa hàng, khẳng định vị thế dẫn đầu của nhà bán lẻ số 1 trên thị trường.
VinMart đang có 1.700 cửa hàng, khẳng định vị thế dẫn đầu của nhà bán lẻ số 1 trên thị trường.


Các cửa hàng VinMart mới có diện tích từ 80-200m2, được bố trí nằm trên những con phố chính có mật độ dân cư cao tại các tỉnh thành trọng yếu trên toàn quốc như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nha Trang, Vũng Tàu…

Với 54 cửa hàng tại khu vực miền Bắc và 63 cửa hàng tại khu vực miền Nam, hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam này đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm cao điểm trong dịp cuối năm này.

117 cửa hàng tiện lợi VinMart này sẽ là “luồng gió mới”, mang những tiện ích hiện đại và sự tiện dụng vươn tới các ngõ ngách đô thị, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng ngày của người tiêu dùng và du khách.

Với hàng ngàn sản phẩm đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt bởi hơn 33 phòng, trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu chuẩn quốc tế, khách hàng hoàn toàn có thể an tâm mua sắm mỗi ngày, đặc biệt là các mặt hàng rau củ quả và thực phẩm tươi sống vốn là thế mạnh của VinMart và VinMart .

Người dân các địa phương cũng sẽ được tiếp cận các sản phẩm chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý, tiết kiệm lên tới 30% so với các sản phẩm tương đương từ các nhãn hàng riêng của VinMart và VinMart như hóa mỹ phẩm và bông vải sợi VinMart Home, thực phẩm khô và phục vụ nội trợ VinMart Good, nông sản sạch công nghệ cao VinEco.

Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn VinMart Cook với thực đơn đa dạng, giúp chị em có thể thanh thơi đi chơi nhưng vẫn đảm bảo mâm cơm đầy đủ dinh dưỡng và món ngon cho gia đình.

Sự kiện khai trương kỷ lục trong ngày 31/12/2018 đánh dấu một năm đầy thành công của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ uy tín số 1 Việt Nam.

Riêng trong tháng 12/2018, số điểm bán mở mới là 238 cửa hàng VinMart và 5 đại siêu thị VinMart, nâng tổng diện tích kinh doanh toàn hệ thống lên con số hơn 400.000m2 và dẫn đầu thị trường.

Bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Vincommerce cho biết, khai trương gần 250 cửa hàng tiện lợi VinMart và siêu thị VinMart ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam vào đúng dịp cao điểm mua sắm là nỗ lực của toàn hệ thống VinMart & VinMart nhằm đáp ứng nhu cầu về những điểm mua sắm an tâm, tiện lợi, gần nhà của người tiêu dùng.

“Đây cũng là mục tiêu của VinCommerce nhằm tăng cường đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng bình ổn giá phục vụ người dân trên khắp mọi miền đất nước”, bà Hải nói.

Trong vòng 15 ngày đầu khai trương, chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart tung ra hàng loạt khuyến mại hấp dẫn với ưu đãi lên tới 40% các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như khăn mặt VinMart Home, nước rửa chén VinMart Home, các loại bánh VinMart Cook hay các loại thực phẩm phục vụ nội trợ như dầu ăn, hạt nêm, thực phẩm đông lạnh…

Vingroup là đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ uy tín số 1 Việt Nam.
Vingroup là đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ uy tín số 1 Việt Nam.

Người tiêu dùng cũng sẽ dễ đàng đăng ký thẻ VinID để trở thành khách hàng thân thiết của Tập đoàn Vingroup và có cơ hội tham gia hàng loạt các chương trình tri ân, ưu đãi giá trị lớn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2018 của Tập đoàn Vingroup, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong quý IV năm 2018 là 38.427 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017.

Lợi nhuận trước thuế đạt 4.989 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.766 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh thu kinh doanh bán lẻ trong quý IV năm 2018 đạt 6.575 tỷ đồng, tăng 2.672 tỷ đồng, tương đương tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.

Bách Hóa Xanh chú trọng chất lượng

Thời điểm đầu năm 2018, MWG đặt kế hoạch tham vọng với 1.000 cửa hàng Bách hóa xanh dự tính mở trong năm. Tuy nhiên, mô hình cửa hàng nhỏ nằm trong khu dân cư cho thấy là một sai lầm. Doanh thu trung bình/cửa hàng giảm mạnh từ 730 triệu/tháng vào cuối năm 2017 xuống còn 570 triệu/tháng trong tháng 2 năm 2018.

MWG nhanh chóng nhận ra vấn đề và thay đổi chiến lược mở cửa hàng từ quý II. Theo đó, cửa hàng mới sẽ có quy mô từ vừa đến lớn và nằm trên các trục đường chính dẫn vào khu dân cư để có thể thu hút lượng khách lớn và nhận diện thương hiệu tốt hơn. Thêm vào đó, mô hình “thịt tươi, cá lội” cũng được phổ biến để tại khác biệt so với các chuỗi minimart khác.

Kết quả của sự thay đổi trên là doanh thu trung bình tăng mạnh lên 1,2 tỷ/tháng vào tháng 11, biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 12% lên 17% trong cùng giai đoạn và chuỗi Bách hóa xanh đang tiến rất gần tới điểm hòa vốn.

Những cải thiện trên cho thấy tương lai tươi sáng của Bách hóa xanh trong năm 2019, cho dù công ty không đạt mục tiêu về số cửa hàng trong năm nay vì tổng số cửa hàng chỉ đạt hơn 400 cho đến hiện tại.

Bách Hóa Xanh tăng trưởng ấn tượng.
Bách Hóa Xanh tăng trưởng ấn tượng.

Về kết quả kinh doanh, MWG vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 34% doanh thu và 33% lợi nhuận sau thuế trong 11 tháng nhờ vào sự bứt phá mạnh mẽ của Điện máy xanh, nguồn đóng góp chính chiếm 55% doanh thu công ty.

Mở mới 104 trong 11 tháng, trong đó khoảng 1 phần 3 được chuyển đổi từ cửa hàng Thế giới Di động để tăng doanh thu. Từ đó, doanh thu Điện máy xanh tăng 65% còn Thế giới Di động chỉ tăng 1%. Do thị trường điện thoại đã gần bão hòa còn thị trường điện máy vẫn tăng trưởng 20% trong năm nay, MWG vẫn sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi cửa hàng trong năm 2019.

Trong tháng 12, MWG đã đưa vào thử nghiệm mô hình “2 giá” cho Điện máy xanh. Cụ thể, giá gốc sẽ bao gồm đầy đủ dịch vụ vận chuyển nhanh, lắp đặt và bảo hành từ nhà bán lẻ trong khi sản phẩm mua với giá chiết khấu sẽ chỉ có bảo hành từ hãng. Mô hình này đang được áp dụng lên một số sản phẩm, với khác biệt về giá là 3%.

FRT không tăng trưởng chậm

Dù thị trường điện thoại đang chậm lại, FRT vẫn tìm được cách để tăng doanh thu mặt hàng này. Đón lấy đà tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, FRT xúc tiến 2 chương trình trả góp đặc biệt là F.friends và Subsidy.

Hiện tại, 2 chương trình này đang đóng góp gần 10% doanh thu cho FRT và là một trong những trọng tâm phát triển của công ty trong năm sau. Mở mới 71 FPT Shop tính đến hiện tại, như vậy kế hoạch 100 cửa hàng mới trong năm nay là khó có thể đạt được.

Studio vấp phải khó khăn trong việc mở cửa hàng do những quy định khó khăn về địa điểm của Apple. Chỉ có 3 cửa hàng mới được mở trong năm nay, thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng.

PNJ sống nhờ thị trường trang sức

PNJ hoàn thành kế hoạch mở cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018 với 44 cửa hàng được mở mới, nâng tổng số cửa hàng lên 308. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 35% và 38% trong 9 tháng và ước đạt trên 35% cho cả năm.

PNJ muốn mở 12.000 cửa hàng vàng tư nhân, chiếm 70% thị phần trang sức cả nước.
PNJ muốn mở 12.000 cửa hàng vàng tư nhân, chiếm 70% thị phần trang sức cả nước.

Tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu của cửa hàng vàng duy trì ở mức cao (23%) nhờ thị trường TP.HCM còn nhiều dư địa, trong khi con số này của cửa hàng bạc chỉ là 1% do chiến lược sản phẩm chưa thực sự hợp lý.

Trong năm nay, PNJ đã tách mảng bán sỉ ra và thành lập công ty riêng chuyên về bán sỉ và mở 1 trung tâm bán sỉ. Công ty muốn thúc đẩy mảng này để vươn tới miếng bánh thị phần của 12.000 cửa hàng vàng tư nhân, chiếm 70% thị phần trang sức cả nước.

Dự án phát triển hệ thống quản lý ERP sẽ hoàn thành trong năm 2019, cùng với các dự án về big data và bán hàng đa kênh sẽ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động và gia tăng khoảng cách giữa PNJ và các đối thủ cạnh tranh.

Mảng bán đồng hồ vẫn còn khá nhỏ, hiện công ty đang bán khoảng 1.000 mẫu đồng hồ thông qua trang web online và 14 điểm bán lẻ, tất cả đều ở TP.HCM.

Nhóm siêu thị làm ăn phát đạt

Ở mảng siêu thị do doanh nghiệp nội làm chủ, Saigon Co.op vẫn là cái tên lớn nhất. Sau hơn 20 năm ra đời, hệ thống này đã cán mốc 100 siêu thị, 3 đại siêu thị, 3 trung tâm thương mại và hơn 450 cửa hàng Co.op Food và Co.op Smile...

Ngoài việc mở rộng và bành trướng về quy mô thì tốc độ tăng trưởng về doanh thu của doanh nghiệp này khá ấn tượng. Năm 2017, Saigon Co.op đạt doanh thu gần 30.000 tỷ đồng tăng 7% so với 2016, còn lợi nhuận đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, mô hình Co.opextra có mức tăng trưởng cao nhất là 35%, Co.opfood 20%, siêu thị Co.opmart là 10-12%.

Ở mảng siêu thị do doanh nghiệp nội làm chủ, Saigon Co.op vẫn là cái tên lớn nhất.
Ở mảng siêu thị do doanh nghiệp nội làm chủ, Saigon Co.op vẫn là cái tên lớn nhất.

Để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, Saigon Co.op sẽ mở rộng thêm đại siêu thị. 2019 sẽ là năm đánh dấu việc doanh nghiệp bán hàng trực tiếp qua mạng để người dùng có được nhiều tiện lợi hơn. Ngoài ra, sẽ có chuỗi cửa hàng cao cấp ra đời. Đây sẽ là chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm được chọn lọc kỹ.

Tronh khi đó, mới vào Việt Nam được gần 10 năm nhưng Aeon Mall của Aeon Việt Nam đang được xem là “ngôi sao” của thị trường bán lẻ với những bước đi mới mẻ, phù hợp với xu hướng hiện đại và đạt kết quả kinh doanh tốt.

Trong năm đầu tiên vận hành các chuỗi trung tâm mua sắm, Aeon Việt Nam đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng. Năm 2015, đơn vị này tiếp tục khai trương thêm Aeon Long Biên tại Hà Nội và đến năm 2016 là Aeon Bình Tân tại TP.HCM. Nhờ đó, năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đã tăng lên 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014. 2016 cũng là năm Aeon Việt Nam ghi nhận không còn lỗ như năm đầu vận hành chuỗi Aeon Mall mà đã ghi nhận 54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Sang năm 2017, hoạt động kinh doanh Aeon Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với doanh thu 5.136 tỷ đồng, tăng 32%. Lợi nhuận trước thuế 234 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm trước đó.

Ngoài các trung tâm thương mại, đơn vị này còn cùng với đối tác Nhật Sojitz sở hữu chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop. Aeonmall cũng nắm giữ 49% cổ phần Citimart. Riêng với Fivimart, thương hiệu đến từ Nhật đã chuyển nhượng lại cho Vingroup.

Tuy nhiên, Big C một thương hiệu cũng từng đạt được nhiều “trái ngọt” tại thị trường Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt và tụt hạng so với các doanh nghiệp trên. Cách đây 6 năm, thương hiệu này từ nằm trong top 3 của thị trường với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng một năm, thì 2 năm trở lại đây, khi Big C đổi chủ, doanh thu của các siêu thị đồng loạt đi xuống.

Điển hình, Big C Thăng Long-chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống Big C đạt mức doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 sau đó sụt giảm xuống còn quanh mức 2.700 tỷ đồng trong 2 năm trở lại đây. Tương tự, doanh thu của Big C An Lạc cũng rơi từ mức 2.600 tỷ năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ trong năm 2017, mức giảm tới 50%.

Big C đang hụt hơi ở thị trường Việt Nam.
Big C đang hụt hơi ở thị trường Việt Nam.

Do đó, lợi nhuận của Big C Thăng Long giảm từ 211 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 131 tỷ đồng năm 2016. Còn Big C An Lạc, lợi nhuận trước thuế 2015 đạt 184 tỷ đồng nhưng đến 2017 còn 92 tỷ. Ba chuỗi Big C Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai cũng không còn tăng trưởng nổi bật.

Cũng có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhưng đại gia bán lẻ Hàn Quốc Lottemart lại ghi nhận lợi nhuận âm. Đến cuối năm 2017, doanh thu của Lotte Việt Nam là 5.268 tỷ đồng, 2016 là trên 5.072 tỷ, 2015 trên 4.191 tỷ đồng. Thế nhưng, hết năm 2017, công ty này báo lỗ lũy kế 800 tỷ đồng.

Theo Lottemart, từ năm 2008 cho đến nay, ước tính công ty đã chi hơn 8.913 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược, trang thiết bị hiện đại cho 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị thuộc hệ thống Lotte cùng hàng loạt các chi phí khác.

Một yếu tố khách quan nữa dẫn đến thua lỗ là do một số siêu thị vị trí địa lý thiếu thuận lợi, thói quen tiêu dùng ở một số vùng miền như Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết chưa được quan tâm nhiều.

Còn thương hiệu Metro của người Đức cũng liên tục báo lỗ. Trong 12 năm hoạt động ở Việt Nam, Metro Cash & Carry lỗ lũy kế âm tới gần 600 tỷ đồng. Sau khi bán lại với giá gần 900 triệu USD cho người Thái và đổi tên thành MM Mega Market thì doanh nghiệp này vẫn chưa có lời.

Tương lai nào cho thị trường bán lẻ Việt Nam: Một thị trường béo bở (bài 4)

Mô hình kinh doanh theo chuỗi ở Việt Nam tăng trưởng 20-30%/năm, cao hơn tăng trưởng GDP của đất nước từ 1,5 đến 2 lần.

TRÀ GIANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement