Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Trước thềm ĐHCĐ Vinaconex: Có còn cảnh 'cắt sóng'?

Chứng khoán

26/06/2020 12:51

Một cách tiếp cận văn minh, chuyên nghiệp hơn của lãnh đạo Vinaconex có chăng là điều mà phần đa cổ đông nhỏ lẻ kỳ vọng. Bởi suy cho cùng, văn hoá của lãnh đạo cũng phản ánh tư duy của giới chủ, những người quyết định tương lai của Vinaconex.

Ngày 29/6 tới đây sẽ diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Đây là lần đại hội thường niên thứ hai kể từ khi nhà nước thoái vốn chi phối cuối năm 2018.

Dù bề ngoài có phần êm ả hơn thời điểm này năm ngoái, song đằng sau sự tĩnh lặng đó có thể vẫn là một thế trận "cân não" tại Vinaconex. Một bên là nhóm cổ đông lớn sở hữu quá nửa cổ phần với "quyền lực" đủ để đưa ra hay phủ quyết bất cứ nội dung nào, và bên còn lại là những cổ đông lớn khác - những người thực sự muốn đóng góp cho sự minh bạch hay chỉ đơn giản là muốn bảo vệ phần vốn đầu tư tại Vinaconex.

Vinaconex vẫn chưa hết
Vinaconex vẫn chưa hết "sóng gió".

Còn nhớ tại Đại hội năm ngoái, sự kiện này trở nên căng thẳng ngay từ đầu khi Vinaconex bố trí nhiều tầng lớp bảo vệ, an ninh, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Sóng điện thoại trong phòng họp gần như không có, mạng internet, wifi cũng bị cắt sau ít phút. Những cổ đông đã vào hội trường tầng 21 trụ sở Vinaconex ở 34 Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội) gần như bị cô lập với bên ngoài.

Tuy nhiên câu chuyện tại Vinaconex nếu chỉ nhìn từ một phiên họp thường niên mang tính “cô lập” là chưa đủ. Thực tế là ngay từ thời điểm mới mua xong lượng cổ phần đủ để chi phối mọi hoạt động của Vinaconex, nhóm An Quý Hưng đã nhanh chóng thiết lập một chế độ quyền lực mới.

Tại phiên họp đầu tiên của HĐQT mới cuối tháng 1/2019, các thành viên từ An Quý Hưng đã đề xuất sửa đổi một loạt quy chế tổ chức, quy chế quản lý tài chính, với định hướng là trao quyền cho những người đứng đầu, vốn cũng là người của An Quý Hưng. Những thay đổi đáng chú ý khi đó là quyền bổ nhiệm cán bộ đại diện vốn sẽ thuộc về cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Mặt khác, Chủ tịch HĐQT sẽ được quyền quyết định mọi giao dịch có giá trị lên tới cả nghìn tỷ đồng, Tổng Giám đốc quyết tới 500 tỷ đồng mà ko cần thông qua HĐTV.

Sự thay đổi này rõ ràng là chênh lệch rất lớn so với thời điểm Vinaconex còn được kiểm soát bởi hai cổ đông nhà nước là SCIC và Viettel. Khi đó Chủ tịch HĐQT được quyết định các giao dịch chỉ đến 15 tỷ đồng, còn Tổng giám đốc được quyết đến 5 tỷ đồng.

Lo ngại những rủi ro khi trao quyền tự quyết quá lớn cho một số cá nhân khiến một số thành viên HĐQT khác, thậm chí là các cổ đông khi đó đã đưa ra những cảnh báo.

“Chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích và ý nghĩa thật sự của những việc mà HĐQT đã làm. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì các nguồn lực tài chính của Tổng công ty chẳng mấy chốc sẽ cạn kiệt và tương lai của Vinaconex, hàng chục đơn vị thành viên, hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên sẽ đi về đâu”, một cổ đông khi đó nêu quan điểm. Tuy nhiên, mọi ý kiến đều bị bỏ qua.

 Quang cảnh ĐHĐCĐ đầy căng thẳng năm 2019.
 Quang cảnh ĐHĐCĐ đầy căng thẳng năm 2019.

Trả lời những chất vấn của cổ đông về vấn đề này tại phiên họp thường niên 2019, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh nói rằng: “Tôi là Chủ tịch tôi phải tạo ra sự khác biệt, phải đẳng cấp. HĐQT 7 người bỏ phiếu cứ quá bán là xong. Việc sửa đổi quy chế nếu sai, tôi sẵn sàng đi tù. Mà thực tế tới nay tôi đã ký được đồng nào đâu mà cứ bảo chúng tôi rút ruột, thụt két. Mà có thiệt hại, thì chúng tôi bỏ ra 7.400 tỷ mua cổ phần cơ mà, cứ lấy đó mà trừ”.

Lời giải thích của vị Chủ tịch Vinaconex gây xôn xao suốt thời gian dài sau đó, bởi người ta không thể tin rằng một doanh nhân kỳ cựu với hàng chục năm lăn lộn trên thương trường lại có những phát biểu thiếu logic và phi kinh tế học đến vậy. Cho đến nay, Vinaconex chưa đưa ra quyết định nào gây tranh cãi, tuy nhiên tới đây mọi thứ có thể sẽ khác đi bởi theo thống kê, nhóm An Quý Hưng và đồng minh có thể đã nắm trên 65% cổ phần VCG.

Nhìn một cách tổng quát, những thay đổi “mới” tại Vinaconex rõ ràng đã tạo ra một chế độ tập trung quyền lực. Ở đó, những cổ đông khác, dù có liên kết đề cử nhân sự tham gia điều hành, cũng không thể vượt mặt hay can thiệp vào những quyết định của người trong “nhóm lớn” An Quý Hưng.

Cách thức tổ chức Đại hội hay ra những quyết định mang tính "trấn áp" khiến không ít cổ đông nhỏ cảm thấy lo ngại. Cũng có những ý kiến rằng việc sử dụng biện pháp mạnh đối với cổ đông phần nào phản ánh tính cách và tư duy của những ông chủ thực sự đứng sau An Quý Hưng. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra câu hỏi: "Liệu Vinaconex có thể phát triển đến đâu với lối tư duy đó?", và chính những nghi ngại này đang trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi Vinaconex "phiên bản tư nhân" không có sự thay đổi mạnh mẽ, nếu không nói là chững lại đáng kể. 

Điều này cũng đồng nghĩa với tiếng nói của các cổ đông còn lại, tương đương với 35% cổ phần và nếu tính theo thị giá cổ phiếu có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng, ngày càng kém phần trọng lượng. Với những gì đã thể hiện từ khi nhóm cổ đông An Quý Hưng xuất hiện, tính minh bạch trong quản trị và điều hành của Vinaconex rõ ràng là vấn đề cần đặt ra.

LÂM TÍN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement