Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thông tin nổi bật tuần qua: Tách ca song sinh, Mỹ hủy quy định hạn chế thị thực với sinh viên quốc tế...

Chính sách - Hạ tầng

19/07/2020 09:24

Tách ca song sinh dính liền nhau, Mỹ hủy quy định hạn chế thị thực với sinh viên quốc tế... là những tin tức đáng chú ý tuần qua.

Mỹ hủy quy định hạn chế thị thực gây tranh cãi đối với sinh viên quốc tế

Chính quyền Tổng thống Trump đã hủy quy định về thị thực đối với sinh viên nước ngoài chuyển trường hoặc rời khỏi Mỹ nếu các trường đại học tổ chức học trực tuyến vào mùa thu này vì đại dịch COVID-19.

Theo thông báo, Chính phủ Mỹ cùng hai trường là Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đã tìm được giải pháp. Cụ thể là đảo ngược quyết định mới đây về thị thực đối với sinh viên nước ngoài cũng như khôi phục trạng thái trước đó. 

Trường Đại học Harvard và Viện MIT đã kiện Chính phủ Mỹ về các quy định yêu cầu sinh viên nước ngoài về nước nếu các lớp học chuyển sang trực tuyến. Ảnh: FT
Trường Đại học Harvard và Viện MIT đã kiện Chính phủ Mỹ về các quy định yêu cầu sinh viên nước ngoài về nước nếu các lớp học chuyển sang trực tuyến. Ảnh: FT

Trước đó, do lo ngại có thể trở thành ổ dịch COVID-19, nhiều trường đại học tại Mỹ áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, từ việc đeo khẩu trang trong phòng học cho đến hạn chế các hoạt động xã hội nhằm giảm số sinh viên phải đến trường.

Nhiều trường đã thông báo hình thức học hỗn hợp, cho phép các lớp học trực tiếp bên cạnh một lượng lớn tín chỉ được học qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cơ quan Hải quan và nhập cư Mỹ (ICE) đã ra quyết định vô hiệu hóa thị thực F-1 và M-1 của sinh viên nước ngoài, nếu cơ sở giáo dục họ được đăng ký chuyển sang các khóa học trực tuyến, theo đó có thể tước đi tư cách pháp lý của các sinh viên này khi ở lại Mỹ.

Quyết định này được dự báo là có thể làm giảm mạnh số sinh viên quốc tế đăng ký khóa học mùa thu tới. Cùng với việc trì hoãn cấp thị thực do dịch bệnh, quy định mới sẽ làm nản chí các sinh viên nước ngoài dự định học tại Mỹ.

Giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng cao do lũ lụt và COVID-19

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thực phẩm trong tháng 6/2020 của Trung Quốc tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo CNBC, dữ liệu thống kê hàng tuần từ Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 14/7 cho thấy giá các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp tăng 1,2% so với tuần trước đó. Một tuần sau (6/7 - 12/7), giá nông sản tiếp tục tăng thêm 0,8%.

Những người đeo khẩu trang di chuyển các gói rau tại một chợ bán buôn các sản phẩm nông nghiệp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Những người đeo khẩu trang di chuyển các gói rau tại một chợ bán buôn các sản phẩm nông nghiệp tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Từ góc độ kinh doanh, COVID-19 đã đặc biệt tấn công ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống khi những nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan COVID-19 đã khiến mọi người không thể ra ngoài ăn uống. Nhiều người cũng đã chuyển từ đặt món ăn trực tuyến sang nấu ăn tại nhà.

Lũ lụt làm tăng thêm sự không chắc chắn nguồn thực phẩm

Đợt lũ lụt nghiêm trọng vừa xảy ra được xem là tồi tệ nhất kể từ ít nhất là năm 1998, đã khiến ít nhất 141 người chết hoặc mất tích. Thiệt hại trực tiếp đến kinh tế đã vượt qua 86 tỉ nhân dân tệ (12,3 tỷ USD) với khoảng 29.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 2,24 triệu người dân phải di dời khẩn cấp, các báo cáo cho biết. 

Các nhà phân tích từ Nanhua Futures, một nhà môi giới tại Hàng Châu, cho biết trong một lưu ý tuần trước rằng tác động đến giá lương thực sẽ chỉ trong ngắn hạn, trong khi lũ lụt sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến sản xuất thịt lợn sống.

Trump chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Hong Kong

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/7 thông báo ông đã ban hành một sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại đối với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), liên quan việc Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14/7. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 14/7. Ảnh: Reuters

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ Hong Kong giờ đây sẽ được Mỹ đối xử như đối với Trung Quốc đại lục, theo đó "không có đặc quyền, không được đối xứ đặc biệt về kinh tế và không có xuất khẩu công nghệ nhạy cảm".

Ông Trump cũng cho biết ông đã ký ban hành Đạo luật Hong Kong được Quốc hội Mỹ thông qua trong tháng 7 này, theo đó cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc liên quan luật an ninh nói trên, bao gồm trừng phạt các ngân hàng giao dịch với những quan chức này.

Luật của Trung Quốc về Bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6 vừa qua. Chính quyền Hong Kong khẳng định luật này đã khắc phục những lỗ hổng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia ở đặc khu, thể hiện quyết tâm của chính quyền trung ương trong việc duy trì vững chắc chính sách “một nước, hai chế độ”, cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của Hong Kong, theo TTXVN.

Dự kiến mở lại chuyến bay thương mại đến một số nước châu Á vào tháng 8

Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia) với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến.

Các đường bay quốc tế tới Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Loan... dự kiến sẽ được mở lại trong tháng 8. Ảnh: NIA
Các đường bay quốc tế tới Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Loan... dự kiến sẽ được mở lại trong tháng 8. Ảnh: NIA

Dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500 - 3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ (ngoài các chuyến bay đưa công dân về nước, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam sẽ chở từ 1.000 - 1.500 khách).

Sau khi thống nhất phương án, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với các đối tác để trao đổi cụ thể các điều kiện cho việc vận chuyển hành khách giữa hai bên. Dự kiến sớm nhất đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.

Khách được chấp nhận trên các chuyến bay này phải có visa hợp lệ khi làm thủ tục chuyến bay (check-in). Toàn bộ khách nhập cảnh sẽ thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch.

Nhằm phù hợp với điều kiện địa lý, phân bổ khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi/đến (thủ đô, điểm cửa ngõ chính, điểm thứ cấp), Bộ Giao thômg Vận tải đề xuất trong giai đoạn đầu mở đường bay Quảng Châu - Đà Nẵng; Tokyo - Hà Nội; Seoul - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) - TP.HCM; Viêng Chăn - Quảng Ninh; Phnom Penh - Cần Thơ, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo hãng hàng không khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến. Việc này nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế đưa công dân về nước do Bộ Ngoại giao xây dựng.

Giảm 30% thuế thu nhập đối với doanh nghiệp có tổng thu dưới 200 tỷ đồng

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Nghị quyết nêu rõ: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp căn cứ quy định trên để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Nghị quyết số 116/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2020.

Vụ phẫu thuật tách 2 bé gái dính liền nhau: Đã tách xong, mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát

Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, sau 8 tiếng phẫu thuật liên tục, các bác sĩ đã tách rời cặp song sinh dính liền nhau, 2 bé được chuyển sang băng ca chuẩn bị chuyển phòng phẫu thuật.

Hai bé song sinh đã được tách ra. 
Hai bé song sinh đã được tách ra. 

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo đánh giá của các y bác sĩ, tỉ lệ cứu sống hai bé là 74%.

Hai bé song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi đã được chuyển vào phòng mổ. Ca đại phẫu có sự tham gia của ê-kip khoảng 93 người gồm hơn 60 y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước.

Cuộc đại phẫu thuật còn có GS.BS Trần Đông A, nguyên là Trưởng kíp mổ tách dính cặp song sinh Việt - Đức gần 30 năm trước.

Tử hình cô gái bỏ chất độc vào trà sữa để mưu sát chị họ

Sáng 17/7, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Lại Thị Kiều Trang (sinh năm 1994, thường trú tại Thôn 4, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) tử hình về tội "Giết người".

Bị cáo Lại Thị Kiều Trang gục mặt tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Công Lý
Bị cáo Lại Thị Kiều Trang gục mặt tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Công Lý

Nạn nhân bị sát hại là chị N.T.H (sinh năm 1990, thường trú tại phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình), điều dưỡng viên Khoa nội 3, Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình.

Ngoài mức án trên, bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân toàn bộ mai táng phí, tiền bồi thường tổn thất tinh thần và cấp dưỡng cho 3 con của bị hại đến khi trưởng thành.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã truy tố bị can Lại Thị Kiều Trang tội "Giết người" thuộc trường hợp “Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” và “Vì động cơ đê hèn”.

Cháy lớn tại một thánh đường gần 600 năm ở Pháp

Trung tâm Các hoạt động Khẩn cấp Pháp cho biết ngày 18/7, vụ cháy lớn đã xảy ra bên trong một nhà thờ ở thành phố Nantes, miền Tây nước này. Nhà thờ Saint Peter - Saint Paul ở Nantes là một trong những nhà thờ Gothic lớn nhất và nổi tiếng nhất trong trên thế giới.

Một sĩ quan cảnh sát Pháp điều khiển giao thông trong khi lính cứu hỏa làm việc để dập tắt đám cháy xảy ra tại nhà thờ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: AFP
Một sĩ quan cảnh sát Pháp điều khiển giao thông trong khi lính cứu hỏa làm việc để dập tắt đám cháy xảy ra tại nhà thờ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Cơ quan trên nêu rõ: "Lửa vẫn chưa được khống chế và vẫn đang lan rộng. Đây là một vụ hỏa hoạn lớn". Các đội cứu hỏa đã được báo động ngay trước 8h (13h giờ Hà Nội),

Hình ảnh được phát sóng truyền hình cho thấy khói bốc ra từ cấu trúc tôn giáo được xây dựng từ thế kỷ 15 này. Vụ việc xảy ra chỉ hơn 1 năm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris ngày 15/4/2019 làm phá hủy tòa tháp chính của công trình này.

Phát biểu tại họp báo, Laurent Ferlay, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa khu vực Laurent Ferlay cho biết, 104 lính cứu hỏa vẫn đang ở hiện trường để đảm bảo ngọn lửa được kiểm soát hoàn toàn.

Ông Ferlay cũng xác nhận thiệt hại do đám cháy chủ yếu tập trung ở khu vực đặt đàn đại phong cầm của nhà thờ và nhạc cụ này đã bị phá hủy hoàn toàn. Phần bệ của đàn rất yếu và có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào.

Trong khi đó, Công tố viên Pierre Sennes nói với các phóng viên rằng ba vụ cháy đã được bắt đầu tại địa điểm này và chính quyền đang coi vụ việc là một hành vi tội phạm. Ông không đưa ra chi tiết nào khác.

AN LY (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement