Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thị trường chứng khoán: Rủi ro lớn nhất và khó lường là COVID-19

Chứng khoán

20/07/2021 13:06

Kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 được nhìn nhận đã phản ánh gần hết vào giá cổ phiếu. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh nửa cuối năm của các doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn mang tên COVID-19 lần thứ tư.

Thị trường khó dự đoán

Nhiều ý kiến cho rằng, các kỳ vọng cơ bản của thị trường đang đi tới điểm hội tụ, các biến số vĩ mô cơ bản được công bố, hệ thống giao dịch đến nay đã thông suốt nhưng thanh khoản không bùng nổ, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II ngày càng tới gần nhưng đã được phản ánh trước vào giá cổ phiếu… Thị trường cần có nhịp “nghỉ ngơi” và động lực tăng giá mới.

Nhà đầu tư đang phân tích và tìm hiểu triển vọng doanh nghiệp trong nửa cuối năm để chọn lựa những cổ phiếu tốt, giá tốt trong nhịp điều chỉnh vừa qua, nhưng điều này trở nên khó khăn bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư.

Nhịp lao dốc của thị trường trong nửa đầu tháng 7 có nguyên nhân đến từ diễn biến bùng phát bất ngờ của dịch COVID-19, đặc biệt tại TP.HCM, địa phương có đóng góp trên 20% GDP hàng năm của cả nước.

Việc thành phố này phải áp dụng giãn cách xã hội trong 2 tuần và có thể kéo dài hơn nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát sẽ có tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, kéo theo đó là tác động trực tiếp đến lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động trên địa bàn.

Việc dự báo thị trường hiện tại là không thực sự khả thi khi xu hướng thị trường có thể phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến dịch Covid-19…

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research tin tưởng vào khả năng kiểm soát và ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ, nhưng diễn biến bùng phát của dịch khiến một số thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội là yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu tâm.

Điều quan trọng là làm sao phải giữ cho được các khu công nghiệp hoạt động suôn sẻ vì sắp tới là mùa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU và cũng là mùa tiêu dùng tăng cao. Chính vì vậy, cần đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu, qua đó nâng đỡ nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, việc dự báo thị trường hiện tại là không thực sự khả thi khi xu hướng thị trường có thể phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến dịch COVID-19, khả năng kiềm chế sự bùng phát, thời điểm các hoạt động kinh tế của TP.HCM được khôi phục và nhìn xa hơn là tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine.

Cũng cần phải nói thêm là các yếu tố tác động khác (chính sách tiền tệ và tài khoá, lạm phát, lãi suất, tỷ giá…) nhìn chung chưa có chuyển biến rõ rệt ở thời điểm hiện tại.

Ông Đức Anh lưu ý, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 - 3 quý vừa qua đã quen với mức tăng trưởng vượt trội trong lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, nhờ sự phục hồi của kinh tế trong nước và mức nền so sánh thấp cùng kỳ.

Nếu xu hướng tăng trưởng này đảo chiều trong quý III/2021, việc thị trường tìm lại điểm cân bằng mới là điều dễ hiểu, P/E của VN-Index có thể điều chỉnh từ mức 18 - 19 lần hiện nay xuống 15 - 16 lần.

Một số nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận, đợt dịch tại TP.HCM xảy ra bất ngờ như là một cú “úp sọt” không thể dự đoán. Thị trường bị chi phối bởi tâm lý hoang mang và ý đồ tạo ra một đợt điều chỉnh lớn của những nhà đầu tư thạo tin, nắm bắt, đánh giá trước thực tế tại TP.HCM nhanh hơn so với các thông tin được công bố chính thức. Thị trường hiện có mức giảm 8,5% so với đỉnh và sắc xanh quay lại, nhưng rủi ro giảm giá vẫn hiện hữu.

Rủi ro nhiều hơn cơ hội

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam đưa ra góc nhìn, trong lịch sử thị trường chứng khoán thì các đợt giảm mạnh vì những lo ngại tâm lý không liên quan tới kinh tế vĩ mô hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sau đó sẽ hồi phục nhanh và mạnh. Đài Loan là thị trường khá gần với Việt Nam, đợt trước cũng “toang” vì dịch Covid-19, thị trường chứng khoán lao dốc giảm, nhưng rồi hồi phục theo hình chữ V.

Vì vậy, ông Ngọc khuyến nghị, nhà đầu tư nên bình tĩnh khi danh mục là cổ phiếu tốt và không vay nợ. Thậm chí, nếu VN-Index giảm xuống vùng 1.250 - 1.270 điểm thì nhà đầu tư có thể sử dụng sức mua từ nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin) để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu có sẵn nhằm trung bình giá vốn thấp hơn. Nói cách khác, đây là cơ hội tốt, kỳ vọng sinh lời cao sau đợt điều chỉnh do dịch bệnh.

Thực tế hiện nay, dòng tiền vẫn đang thận trọng tham gia thị trường khi giai đoạn này có nhiều tin tức ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Xu hướng thị trường là giảm khi điểm số kỹ thuật VN-Index theo hệ thống đánh giá từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam duy trì mức điểm thấp -6 điểm, tương ứng mức đánh giá tiêu cực trong ngắn hạn.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Mirae Asset Việt Nam, quý III/2021 nhiều khả năng là quý có mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều năm trước áp lực khó khăn từ sự đình trệ sản xuất do tác động bởi dịch Covid-19.

Vì vậy, kỳ vọng chung về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp sẽ kém khả quan hơn 2 quý đầu năm. Cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tham gia.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chờ đợi sự quay trở lại của dòng tiền để tham gia nhằm giảm thiểu rủi ro khi xu hướng và tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn đang rất thận trọng.

Không loại trừ khả năng, VN-Index có thể tiếp tục dịch chuyển theo xu hướng giảm, khi đó, ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm sẽ đáng chú ý trong ngắn hạn để nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân vào cổ phiếu của các doanh nghiệp ít chịu tác động bởi dịch bệnh.

Dù vậy, dự báo cho thị trường ở thời điểm hiện tại, ông Minh thiên về kịch bản tích cực khi kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy, Việt Nam luôn biết cách vượt qua những tình huống khó khăn nhất nhờ các biện pháp chống dịch quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân cả nước.

Không có một thời điểm vàng để nhà đầu tư giải ngân ở bối cảnh hiện tại, việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu nhất định là hành động hợp lý để tránh bỏ lỡ cơ hội từ khả năng hồi phục sắp tới của thị trường.

NHÃ AN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement