Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

'Thấy tiếc khi khách sạn đẹp phải đóng cửa, rao bán vì COVID-19'

Quản trị

12/09/2020 07:09

Nhìn những khách sạn đẹp phải đóng cửa, rồi rao bán trên mạng, tiếc lắm, thương lắm! Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến Covid-19 mà không nghĩ đến cái gì khác cũng sẽ rất khó khăn”.

Trao đổi với Zing về phương án mở lại đường bay quốc tế sau khi tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát ở Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã có kết luận, cơ bản đồng ý với phương án Văn phòng Chính phủ trình lên.

Đây cũng là vấn đề vừa được bàn tại cuộc họp ngày 11/9 của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Ưu tiên chuyên gia, nhà đầu tư và người lao động Việt

Theo người phát ngôn Chính phủ, việc mở đường bay quốc tế dự kiến bắt đầu từ ngày 15/9, với 4 khu vực gồm: Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Đài Loan. Đến ngày 22/9, Việt Nam sẽ mở tiếp đường bay sang Lào, Campuchia.

Những người được nhập cảnh là cán bộ mang hộ chiếu công vụ, ngoại giao; cán bộ cơ quan, tổ chức quốc tế; chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao; lao động Việt Nam ở nước ngoài. “Lần này, Chính phủ chưa tính đến khách du lịch nước ngoài muốn vào Việt Nam”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông Dũng cho biết việc xác định nhóm đối tượng ưu tiên được nhập cảnh sẽ căn cứ vào đánh giá nước nào quản lý dịch tốt, nước nào có nguy cơ. “Những đánh giá này được Việt Nam đàm phán với các nước để 2 bên tìm được tiếng nói chung, có đi có lại”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Việt Linh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Việt Linh.

Ngoài ra, theo ông Dũng, việc mở đường bay quốc tế cũng là để đưa người Việt Nam sang lao động ở nước ngoài vì nhu cầu này cũng trở nên cấp bách. Trong khi đó, nhiều người Việt Nam lao động ở nước ngoài nhưng đã hết thời hạn cũng muốn về nước, bởi họ không có tiền để chi trả cuộc sống ở nước ngoài.

Đề xuất thu phí, rút ngắn thời gian cách ly

Về quy định thông thường người nhập cảnh phải cách ly 14 ngày, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh khi mở cửa thương mại, chúng ta cần có những biện pháp nới lỏng hơn. Bởi nếu bắt buộc cách ly 14 ngày, các nhà đầu tư, nhà ngoại giao hay chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam đều không thuận tiện.

Vì thế, Văn phòng Chính phủ đề xuất rút ngắn thời gian cách ly với đối tượng là cán bộ mang hộ chiếu công vụ, ngoại giao hoặc cơ quan, tổ chức quốc tế; chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và với những người đến từ các khu vực được đánh giá là an toàn.

Thời gian rút ngắn đang được Văn phòng Chính phủ và các cơ quan tính toán, báo cáo. “Văn phòng Chính phủ đề xuất rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn 5 ngày. Trong 5 ngày đó, người nhập cảnh sẽ được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 2 lần. Nếu âm tính, họ sẽ được về nhà, nơi cư trú tự cách ly, theo dõi đủ 14 ngày. Đặc biệt, trước khi sang Việt Nam, những người này phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 5 ngày”, ông Dũng thông tin.

Du khách được đón tiếp bên trong khách sạn Sam Grand (Sơn Trà, Đà Nẵng).
Du khách được đón tiếp bên trong khách sạn Sam Grand (Sơn Trà, Đà Nẵng).

Với trường hợp quá cảnh từ nước thứ ba rồi vào Việt Nam, nếu trong vòng 14 ngày có kết quả âm tính thì trước khi lên máy bay phải có xét nghiệm âm tính. Trường hợp này có thể phải đi máy bay riêng, sau đó thực hiện đúng quy định cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày.

Đáng lưu ý, người phát ngôn Chính phủ cho biết lần này, những người cách ly và xét nghiệm sẽ phải tự trả chi phí.

“Từ 1/9, tất cả người nhập cảnh thuộc diện cách ly tập trung phải tự chi trả chi phí, mức phí tính theo dịch vụ nơi cách ly. Ví dụ, cách ly ở khách sạn 5 sao thì theo giá của khách sạn. Tất nhiên, chúng tôi khuyến khích các khách sạn có cơ chế khuyến mại”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài về không có điều kiện cách ly ở khách sạn sẽ được cách ly trong khu tập trung của quân đội. Phí cách ly sẽ chỉ tính tiền ăn và các dịch vụ theo yêu cầu của người cách ly.

Về thông tin Hà Nội có 18 khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly, người phát ngôn Chính phủ cho rằng việc này lẽ ra nên được phục vụ sớm hơn. Các khách sạn đều không có khách trong khi nhu cầu được cách ly, trả phí tại khách sạn là nhu cầu có thật của thị trường.

“Nhìn những khách sạn đẹp phải đóng cửa, rồi rao bán trên mạng, tiếc lắm, thương lắm! Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến COVID-19 mà không nghĩ đến cái gì khác cũng sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng chia sẻ.

5.000 người nhập cảnh mỗi tuần

Khi mở lại một số đường bay quốc tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết dự kiến mỗi tuần có khoảng 5.000 người nhập cảnh vào Việt Nam. Con số này đã được Bộ GTVT tính toán và đánh giá.

Người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm RT-PCT cũng phải tự trả phí. Ảnh: Việt Linh.
Người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm RT-PCT cũng phải tự trả phí. Ảnh: Việt Linh.

Người phát ngôn Chính phủ cũng nhận định nếu lượng người về đông, việc xét nghiệm tại sân bay sẽ khó, gây ùn ứ khiến khách phải chờ đợi. Vì thế, Việt Nam tính toán đưa những người này về cơ sở cách ly, lưu trú, sau đó cơ quan y tế địa phương sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm.

Việc này sẽ được thông báo trước cho các cơ sở. “Người nhập cảnh thực hiện xét nghiệm RT-PCT cũng phải tự trả phí”, ông Dũng cho hay.

“Bộ Y tế và Tài chính đang tính toán để các tỉnh đăng ký mua thiết bị tập trung cho rẻ. Trong thu phí dịch vụ sẽ thu luôn tiền xét nghiệm, sau đó trả lại tiền này cho đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm”, người phát ngôn Chính phủ cho hay.

Cũng theo ông Dũng, các địa phương phải tự lên phương án và chuẩn bị chỗ cách ly. Ví dụ một tỉnh có 5 khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly phải đưa thông tin lên cổng thông tin của tỉnh, sau đó người ở nước ngoài muốn về Việt Nam sẽ đăng ký, check-in trước.

Nói về chính sách mở cửa trong thời điểm này, người phát ngôn Chính phủ lưu ý phải thận trọng để chống dịch, song vẫn cần quan tâm mục tiêu phát triển kinh tế. Theo ông, chính sách cần mạnh dạn thí điểm, sau đó dần dần rút kinh nghiệm với quan điểm “làm thận trọng nhưng không nên khắt khe quá”.

“Xác định dịch có thể kéo dài phải có giải pháp để sống chung an toàn với dịch bệnh. Việc đánh giá quá mức là không cần thiết, đánh giá thế nào là vừa đủ mới quan trọng. Nếu chỉ nghĩ đến phòng chống dịch mà không nghĩ đến chuyện khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Dũng nêu quan điểm.

HOÀI THU
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement