Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Thách thức cổ phiếu hàng không

Tài chính

06/12/2016 09:36

Cổ phiếu ACV của TCty Cảng hàng không VN đã chính thức được giao dịch trên UPcom với tổng giá trị đăng ký giao dịch lên tới hơn 21.771 tỷ đồng.

arrayContent_title

Kết quảkinh doanhcủa ACV.

Có thể nói, đây là những DN có qui mô lớn nhất trên sàn Upcom. Vậy nhưng, một điều đặt ra là các DN này đang phải đối mặt với những thách thức nào khi thị trường hàng không ngày càng cạnh tranh khốc liệt và sở hữu nhà nước chiếm cổ phần chi phối ?…

Nối gót ACV

Tcty Cảng hàng không VN (ACV) thành lập năm 2012 và CPH năm 2015, bắt đầu hoạt động dưới hình thức CTCP từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó Bộ Giao thông Vận tải là cổ đông lớn nhất (nắm giữ 95,4% vốn).

ACV hoạt động theo mô hình Cty mẹ – Cty con với 3 Cty con, 10 Cty liên doanh và đầu tư dài hạn. Hiện nay, “ông lớn” này trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng quốc tế và 13 cảng quốc nội.

Cty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá “đầu tư vào ACV vẫn rất hấp dẫn”. Báo cáo tài chính quý II và Quý III/2016 của ACV đã cho thấy, chỉ trong 2 Quý, doanh thu của ACV đạt khoảng 7.900 tỉ đồng, xấp xỉ 60% doanh thu năm 2015, lợi nhuận sau thuế đã gần bằng một nửa cả năm ngoái.

Đáng chú ý, sau 9 tháng năm 2016, ACV đã hoàn tất hơn 3/4 chặng đường cho các mục tiêu về số lượt hành khách, số lượt hạ/cất cánh, số lượng hàng hóa qua cảng.

Theo các chuyên gia, nếu như VNA hay Vietjet Air… phải cạnh tranh quyết liệt để có thêm thị phần, thì ACV độc quyền trong lĩnh vực của mình với tất cả các dịch vụ hàng không như dịch vụ hạ cất cánh, dịch vụ khách hàng, phục vụ mặt đất, soi chiếu an ninh…

Có thể nói, chưa bao giờ TTCK lại nhộn nhịp thông tin niêm yết của các tên tuổi lớn trong ngành hàng không như thời điểm hiện nay. Sau sự kiện hơn 2,17 tỉ cổ phiếu ACV trên sàn UPCoM thì VNA dự kiến chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị tiến hành đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Nếu không có gì trục trặc, hơn 1,2 tỉ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ góp mặt tại sàn UPCoM trong tháng 12/2016. Vietjet Air cũng đang chuẩn bị IPO với việc chào bán 20% cổ phần trong tháng 12 này.

Như vậy, 3 tên tuổi lớn của ngành hàng không đã và sẽ lần lượt mở rộng cửa đón nhà đầu tư, trước khi năm 2016 khép lại.

Các cổ phiếu trong ngành hàng không khác như MAS của Cty Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng, NCT của Cty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài, NCS của Công ty suất ăn Hàng không Nội Bài… cũng đang có những bước chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu.

Ai hậu thuẫn cho cổ phiếu hàng không?

Theo các chuyên gia, sở dĩ cổ phiếu ngành hàng không lũ lượt lên sàn càng sớm càng tốt là do giá dầu thô và tỷ giá đang tạo thuận lợi.

Xu hướng giá dầu thô vẫn ở mức thấp là điều các hãng hàng không lẫn giới đầu tư mong chờ. Cần lưu ý là giá nhiên liệu chiếm đến 37% chi phí của các hãng hàng không. Và khi giá dầu ở mức thấp đã giúp các hãng hàng không đạt biên lợi nhuận ròng khả quan hơn.

Diễn biến giá dầu thô và tỉ giá ngoại hối đang là thông tin tích cực hỗ trợ cho đầu tư vào ngành hàng không VN. Chưa kể ACV và VNA cũng như các DN ngành hàng không khác đều là những DN có quy mô vốn rất lớn.

ACV đăng ký giao dịch hơn 2,17 tỉ cổ phiếu và vốn hóa của ACV hiện đã đạt tới 3,9 tỉ USD, chỉ đứng sau Vinamilk, Vingroup, Vietcombank và PV Gas trên thị trườngchứng khoán.

Mặc dù hoạt động trong ngành hàng không cần sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của ACV lại chỉ nhỉnh hơn 1, tức trong ngưỡng an toàn. ACV cũng đang sở hữu lượng tiền gần 16.000 tỉ đồng, nếu gộp các khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn.

VNA dự kiến niêm yết hơn 1,2 tỉ cổ phiếu. Quy mô này đủ đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hàng hóa chất lượng trên thị trường chứng khoán của giới đầu tư ngoại.

Vietjet Air, tuy vốn điều lệ chưa tới 1.500 tỉ đồng nhưng là hãng hàng không chạy đua sát sao với VNA trong chiếm lĩnh thị trường, nhất là thị trường nội địa.

Sau gần 5 năm (2011-2015), hãng hàng không giá rẻ này đã mở 28 tuyến bay tại VN, đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng đường bay trong nước lên 31 tuyến vào năm 2016, cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines.

Nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức ngoại đang quan sát và chờ đợi phiên IPO sắp tới của Vietjet Air với dự kiến chào bán 20% vốn điều lệ, với định mức giá trị 200 triệu USD. Tính ra, định giá cho Vietjet Air khoảng 1-1,4 tỉ USD.

Cuộc ganh đua của “giới nhà giàu”?

Sự chú ý của giới đầu tư dành cho ACV, VNA hay Vietjet Air có nguyên nhân từ sức hấp dẫn của ngành hàng không. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đầu tư vào cổ phiếu hàng không chỉ toàn màu hồng, nhà đầu tư Nguyễn Văn Hồng, sàn ABCS khẳng định.

Chẳng hạn, ACV với hàng loạt tiềm năng vẫn có những điểm cần lưu ý. Đó là một ACV không tự quyết định giá dịch vụ mà phải theo khung giá của Bộ Tài chính.

Với đặc điểm này, mức lợi nhuận sau thuế năm 2015 chưa tới 2.000 tỉ đồng của ACV được đánh giá là thấp khi so với quy mô tổng tài sản khoảng 2 tỉ USD và vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1 tỉ USD.

Tính ra, tỉ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ACV đều dưới 10%.

Cơ hội để ACV cải thiện lợi nhuận chỉ hy vọng ở đề xuất tăng phí dịch vụ sẽ được phê duyệt, bên cạnh việc gia tăng công suất. Lo ngại khác ở ACV là rủi ro tỉ giá.

Trên 99% khoản vay của ACV là vay bằng đồng Yên Nhật (Theobáocáo tài chính đến hết 30/9/2016 của ACV). Điều này khiến ACV chịu lỗ sau thuế 16,4 tỉ đồng trong Quý II/2016 và tiếp tục lỗ chênh lệch tỉ giá trong Quý III/2016.

Đối với VNA, lo ngại chủ yếu đến từ vay nợ lớn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng 2016, nợ phải trả của hãng này chiếm 82% tổng tài sản, gấp 4,6 lần so với vốn chủ sở hữu.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn đến hơn 60.000 tỉ đồng, chiếm 76,5% tổng nợ ở VNA. Vì thế, chi phí lãi vay của VNA đang ở mức cao, gần 1000 tỉ đồng trả lãi trong 9 tháng đầu năm nay.

Nhưng với quy mô vốn hóa lớn, nhà đầu tư dù mua vào vài phần trăm vốn điều lệ ở VNA cũng cần đến nguồn tiền mạnh. Điều này cũng xảy ra tương tự với ACV hay Vietjet Air.

Do đó, theo các Cty chứng khoán, chỉ các tổ chức giàu tiềm lực như quỹ đầu tư, tổ chức tài chính hoặc Cty cùng ngành mới quan tâm thực sự đến đầu tư vào ACV, VNA, Vietjet Air.

Cả khi như vậy, vai trò chi phối của nhà nước trong phần lớn nhóm DN ngành hàng không ít nhiều khiến giới đầu tư ngần ngại…

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement