Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ ra sao?

Ngân hàng

08/01/2021 15:16

Tăng trưởng tín dụng năm 2021 phải hợp lý gắn với nâng chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Ngày 7/1/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01 về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. 

Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong năm 2021 là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân khoảng 4%, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Năm 2021, mục tiêu đặt ra là tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%. Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, nhỉnh hơn mức thực hiện năm 2020 do cầu yếu vì dịch COVID-19. Ảnh: TP
Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, nhỉnh hơn mức thực hiện năm 2020 do cầu yếu vì dịch COVID-19. Ảnh: TP

"Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh", Chị thị nêu.

Cùng với các chỉ tiêu tín dụng cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai các giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Một nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trong năm 2021 là tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, phát triển sản phẩm, dịch vụ. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn cũng như tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.

Trong năm 2021, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cũng như tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của ngân hàng. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng đã lưu ý ngành ngân hàng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 mới đây.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các đề án đã ban hành.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối phù hợp, có phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; điều hành và quản lý rủi ro; ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số...

Ổn định thị trường vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước năm 2021. Ảnh: minh họa
Ổn định thị trường vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước năm 2021. Ảnh: minh họa

Tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 cuối tháng 12/2020, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nên tín dụng năm 2020 tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12/2020, tín dụng mới tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và có thể đạt khoảng 11% vào cuối năm.

Trong khi đó, báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa công bố, SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13% đến 14%. Con số này cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, và ngang với trung bình tăng trưởng tín dụng 2 năm 2018 và 2019 là trên 13%.

SSI Research cho rằng cơ sở đưa ra dự báo này dựa trên kịch bản kinh tế phục hồi, khi vaccine COVID-19 đang áp dụng rộng rãi, kỳ vọng sẽ tạo một cú hích để kinh tế phục hồi vào nửa cuối năm 2021. Theo đó, thương mại quốc tế, sản xuất và tiêu dùng có thể khôi phục và giúp hoạt động cho vay tăng trở lại. Cho vay bán lẻ cũng sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng, sau gián đoạn trong năm 2020.

Cũng theo SSI Research, do việc thắt chặt các điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 81/2020 của Chính phủ, doanh nghiệp có khả năng quay lại với các khoản vay ngân hàng. Tổ chức này kỳ vọng các tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng có thể trở lại mức trước COVID-19 vào nửa cuối năm 2021, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung.

Theo kịch bản cơ sở, nợ xấu nội bảng sẽ không đổi so với năm 2020, nhưng tỷ lệ trái phiếu VAMC trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm 39 điểm cơ bản, xuống 0,17%, do 5 ngân hàng BIDV, Vietinbank, HDBank, LienVietPostBank và Ngân hàng Hàng hải (MSB) đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020.

Theo ước tính của SSI Research, cho vay hãng hàng không, chủ đầu tư bất động sản du lịch và cho vay dịch vụ khách sạn, lưu trú lần lượt chiếm khoảng 0,24%, 0,9% và 2% tổng dư nợ cho vay. Những lĩnh vực này có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2021, và có thể phục hồi từ nửa cuối năm, cùng với việc nối lại các chuyến bay quốc tế.

H.LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement