Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Số ca nhiễm lên 270, 26 tỉnh thành cho học sinh nghỉ

Chính sách - Hạ tầng

01/02/2021 22:55

5 ngày kể từ khi dịch bùng phát trở lại, cả nước ghi nhận 270 ca Covid-19, 26 tỉnh, thành phải cho học sinh nghỉ Tết sớm phòng dịch.

Hôm nay, 1/2, cả nước ghi nhận thêm 32 ca nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số người mắc Covid-19 trong nước lên 1.850. Trong đó, 1.460 ca đã chữa khỏi, 352 ca đang điều trị, số ca tử vong là 35.

Tính riêng từ đợt bùng phát dịch thứ ba từ ngày 28/1, cả nước ghi nhận 270 ca nhiễm cộng đồng ở 10 tỉnh, thành gồm: Hải Dương (205), Quảng Ninh (30), Hà Nội (19), Gia Lai (6), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bình Dương (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.

Không giáp Hải Dương và Quảng Ninh, hai địa phương xuất hiện cụm ổ dịch lớn, nhưng Hà Nội hôm nay ghi nhận thêm 6 ca, nâng tổng số người nhiễm trong 5 ngày qua trên địa bàn lên 19, nhiều nhất là quận Nam Từ Liêm 9 ca. Trong đó, 18 trường hợp liên quan ổ dịch ở Hải Dương, một ca nguồn lây từ Quảng Ninh.

"Hệ số lây nhiễm rất cao, một người bệnh ở Nam Từ Liêm lây truyền ra 8 F1 và 4 F2, đã phát hiện lây nhiễm thứ phát. Những ca này xuất hiện rất nhanh, từ khi tiếp xúc đến khi khởi phát cũng rất nhanh, lây lan từ F1 trở thành F0 và F2 cũng thành F0", Giám đốc Sở Y tế Hà Hoàng Đức Hạnh cho biết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nói rằng địa phương này đang gặp khó khăn về xét nghiệm và chuyên gia, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hà Nội đã lập một "Sở chỉ huy" chiến dịch Covid-19, nhưng cần chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội trợ giúp.

8 địa điểm đang bị phong tỏa ở Hà Nội do Covid-19. Đồ họa: Tiến Thành.

8 địa điểm đang bị phong tỏa ở Hà Nội do Covid-19. Đồ họa: Tiến Thành.

Hà Nội đang phong tỏa 8 khu vực. Trước tình hình dịch phức tạp, số ca ngày càng tăng, một ngày sau khi dừng hoạt động quán karaoke, bar, vũ trường, thành phố tiếp tục yêu cầu đóng cửa quán game, Internet, bắt đầu từ ngày 2/2.

Làm việc với Hà Nội chiều nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch lần này khó khăn và phức tạp hơn, khác hẳn đợt dịch liên quan Đà Nẵng tháng 7-8/2020, bởi tốc độ lây nhiễm cao. "Phân tích giải trình tự gene là biến chủng của Anh lây lan nhanh và có khả năng tăng nặng. Một số trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng", ông Long nói.

Ông Long cho biết, với các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày, nhưng lần này chỉ 1-2 ngày. Đặc biệt, thời gian khởi phát của bệnh rất nhanh. Đợt dịch trước đây phải mất 5-7 ngày thời gian ủ bệnh, đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ hai đã xuất hiện virus vùng hầu họng. Từ đó khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh lần này rất cao.

"Chỉ mấy ngày đã sang đến chu kỳ lây nhiễm thứ 4, gần như xóa chu kỳ lây nhiễm", ông Long nói và lưu ý trước đây, virus lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, virus lây theo đường không khí. Dẫn chứng chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm, chứng tỏ hệ số lây nhiễm rất cao.

Bộ trưởng Y tế khuyến cáo Thủ đô phải nâng cao hơn một mức trong ứng phó với dịch này so với trước đây. Hà Nội cần nhanh chóng truy vết nhưng không chờ truy vết xong mới khoanh vùng mà cần phải khoanh vùng nhanh, rộng hơn. Đồng thời, thành phố cũng phải đẩy nhanh tốc độ làm xét nghiệm cũng như khởi động ngay bệnh viện dã chiến, để phòng cho tình huống xấu.

Là tỉnh giáp Hà Nội, Hải Dương và Quảng Ninh, Bắc Giang hôm nay đã ghi nhận ca dương tính đầu tiên. Cô gái 18 tuổi mắc Covid-19 từng học làm tóc tại tiệm tóc ở thị trấn Lê Lợi, thành phố Chí Linh. Ngày 27/1, khi Chí Linh ghi nhận dịch, cô chủ động xin chủ tiệm về nhà tại thôn Kiệu Đông, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Bước đầu, tất cả trường hợp F1 xét nghiệm âm tính lần một.

Hải Dương - nơi bùng phát dịch từ hôm 28/1 và là nơi có ổ dịch lớn nhất trong cộng đồng hôm nay ghi nhận thêm 17 ca - là các trường hợp được xác định từ những mẫu bệnh phẩm đã được lấy trước đó tại ổ dịch Công ty Poyun. 5 ngày qua, tổng số ca nhiễm ở tỉnh là 205.

Tỉnh này đã thực hiện giãn cách xã hội từ trưa 28/1, trong đó một số khu vực đông bệnh nhân bị phong tỏa 21 ngày, qua Tết Tân Sửu, gồm: TP Chí Linh (200.000 người); xã Nam Tân, Huyện Nam Sách (hơn 5.500 nhân khẩu); bốn khu dân cư thuộc bốn xã, thị trấn ở Huyện Kim Thành; 14 xã phường (15.300 nhân khẩu) ở Thị xã Kinh Môn; hai khu dân cư ở phường Thạch Khôi, TP Hải Dương.

Quảng Ninh - một trong hai tỉnh khởi phát dịch, hôm nay ghi nhận thêm 5 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở địa phương 5 ngày qua lên 30. Tỉnh đã phong tỏa hai xã An Sinh, Bình Dương ở thị xã Đông Triều và thị trấn Cái Rồng ở huyện Vân Đồn, từ ngày 28/1. Trong đó, huyện đảo Vân Đồn tồn tại ổ dịch ở sân bay Vân Đồn; thị xã Đông Triều xuất hiện ổ dịch ở xã Bình Dương, giáp TP Chí Linh, Hải Dương.

Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, nhận định hai ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh được xử lý, số ca nhiễm chỉ còn lây lan địa phương mới.

Theo ông, 5 ngày qua đã ghi nhận số lượng lớn các ca nhiễm cộng đồng liên quan hai ổ dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương. Số người bệnh tăng nhưng đều được khoanh vùng, lấy mẫu từ trước. Điều này cho thấy lực lượng chức năng đã kiểm soát được ổ dịch, không để dịch tiếp tục lây lan, tạo thành các ổ dịch mới. "Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 rất quyết liệt, vào cuộc sớm. Bộ Y tế cũng vào cuộc, làm đúng, trúng", ông Phu nhận định.

Ông cũng cho rằng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra thời hạn 10 ngày để xử lý hai ổ dịch và "đã làm được". Hiện ghi nhận chỉ còn các ca lây lan từ ổ dịch cũ, xuất hiện tại các địa phương mới và không tạo thành ổ dịch. "Điều này cũng cho thấy công tác truy vết của Việt Nam rất hiệu quả", ông nói.

Ở phía Nam,trước diễn biến phức tạp của Covid-19, hôm nay TP HCM đã cho toàn bộ 1,7 triệu học sinh được nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 2/2, sớm hơn một tuần so với kế hoạch. Như vậy, đến nay đã có 26 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ Tết sớm để phòng chống Covid-19. Thời gian này năm ngoái, 22 triệu học sinh cả nước phải nghỉ học phòng dịch, kéo dài liên tục gần 3 tháng.

Bình Dương hôm nay ghi nhận thêm một ca nhiễm là nữ sinh viên Đại học Thủ Dầu Một, nâng tổng số lên 2 ca. Cô gái 19 tuổi, là F2 của người mẹ về từ vùng dịch Hải Dương, liên quan bệnh nhân Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố. Dù người mẹ trước đó có kết quả xét nghiệm âm tính.

UBND TP Thủ Dầu Một đã quyết định một số khu vực của phường Phú Hòa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hôm qua, Đại học Thủ Dầu Một đã thông báo cho khoảng 16.000 sinh viên, học viên nghỉ. Toàn bộ học sinh ở tỉnh giáp ranh TP HCM được nghỉ Tết sớm hơn một tuần. Ngành y tế địa phương đang dồn lực truy vết đến cả F4 của ca nhiễm để dập dịch.

Đường Trần Văn Ơn dẫn vào Đại học Thủ Dầu Một, nơi nữ sinh viên nhiễm bệnh theo học, bị phong tỏa sáng 1/2. Ảnh: Nguyệt Triều

Đường Trần Văn Ơn dẫn vào Đại học Thủ Dầu Một, nơi nữ sinh viên nhiễm bệnh theo học, bị phong tỏa sáng 1/2. Ảnh: Nguyệt Triều

Gia Lai - tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên xuất hiện bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch lần này hôm nay cũng ghi nhận thêm 2 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh lên 6 , trở thành vùng dịch lớn thứ tư cả nước hiện nay. Hai ca nhiễm mới gồm một phụ nữ 31 tuổi và bệnh nhân nam, 38 tuổi, liên quan ca bệnh về từ ổ dịch TP Chí Linh, Hải Dương.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh cả nước hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định mức độ đợt dịch này phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước. Đa số mắc Covid-19 là người trẻ, đi lại, tiếp xúc nhiều nên rất khó kiểm soát.

"Việc phát hiện muộn, lại không tìm được F0, thậm chí F1, khiến dịch ngày càng lan rộng. Nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đợt dịch này gần dịp Tết nhu cầu đi lại cao, là yếu tố để bệnh lây lan mạnh", ông Nga nói.

Ngoài ra, biến chủng có chu kỳ lây lan rút ngắn nên tốc độ lây nhiễm nhanh hơn. Vì vậy, ông Nga cho rằng việc truy vết cần rộng hơn. "Phải đặt trong tình huống dịch có thể bùng phát trong cộng đồng nếu lơ là mất cảnh giác, không tuân thủ để đưa ra các biện pháp phòng chống", PGS Nga nói.

HỮU CÔNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement