Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ông Bùi Thành Nhơn vẫn giữ được vị trí giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán dù giá cổ phiếu giảm sâu

Chứng khoán

08/06/2018 18:57

Hiện tại, ông Bùi Thành Nhơn có gần 191 triệu cổ phiếu NVL, tương đương giá trị tài sản 10.403 tỷ đồng.

Giảm mạnh

NVL niêm yết 589.369.234 cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào ngày 28/12/2016 với thị giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, NVL đóng cửa ở mức 60.000 đồng/cổ phiếu.

Kể từ đó, thị giá NVL tăng dần đều và đỉnh điểm là ở phiên giao dịch 5/4/2018 với mức giá 78.780 đồng/cổ phiếu. Chính điều này đã giúp cho ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2017.

Cụ thể, kết thúc ngày 31/12/2017, ông Nhơn đứng thứ 7 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản trị giá 9.486 tỷ đồng. Số tài sản này đến từ việc ông Nhơn sở hữu 145.715.656 cổ phiếu NVL.

Tài sản ông Bùi Thành Nhơn tăng gần 1.000 tỷ đồng lên 10.403 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2018.
Tài sản ông Bùi Thành Nhơn tăng gần 1.000 tỷ đồng lên 10.403 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2018.

Bước sang năm 2018, thị giá cổ phiếu NVL tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên đến tháng 5, thị giá NVL bắt đầu giảm. Cụ thể, ở phiên giao dịch 2/5, NVL về mức 58.200 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 31/5, NVL tiếp tục tụt xuống mức 51.000 đồng/cổ phiếu. Còn chốt phiên giao dịch ngày 8/6, NVL đang ở vùng giá 54.000 đồng/cổ phiếu, giảm 0,9% so với phiên giao dịch trước đó một ngày.

Tuy nhiên, dù thị giá cổ phiếu NVL giảm nhưng tổng tài sản của ông Bùi Thành Nhơn lại tăng từ 9.486 tỷ đồng lên 10.403 tỷ đồng nhưng vẫn đứng thứ 7 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán. Nguyên nhân là số lượng cổ phiếu ông Nhơn nắm giữ tiếp tục tăng trong năm 2018. Nếu ở cuối năm 2017, ông Nhơn có 145.715.656 cổ phiếu NVL thì hiện tại, Chủ tịch Tập đoàn Novaland đang nắm 190.887.509 cổ phiếu NVL.

Có thể nói, NVL là hiện tượng lạ trên sàn chứng khoán Việt Nam bởi trong suốt năm 2017, Novaland không mở bán được bất cứ dự án mới nào, bị thanh tra đất công... nhưng cổ phiếu này vẫn tăng giá mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2017 của Novaland đạt 11.632 tỷ đồng tăng 58% so với năm 2016 nhưng chỉ đạt 70% kế hoạch được đại hội cổ đông thông qua.

Trong báo cáo tài chính 2017, Novaland lý giải kết quả kinh doanh không đạt là vì một số dự án cần hoàn thiện thủ tục pháp lý theo chính sách của Nhà nước. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 33% so với cùng kỳ do đánh giá lại khoản đầu tư khi hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn giảm. Đây là nguồn doanh thu ghi nhận từ việc đánh giá lại khoản đầu tư hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn của công ty con mới với Dự án Harbor City và Palm Marina.

Trong quý I năm 2018, Novaland đạt mức doanh thu tương đương cùng kỳ năm 2017 nhưng lợi nhuận sự sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý I của Novaland đạt 1.924 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm 6,4% nên lợi nhuận gộp của công ty đạt 550 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, doanh thu tài chính trong quý I chỉ đạt 126 tỷ đồng, giảm 73% so với quý I năm 2017 do không còn doanh thu từ việc đánh giá lại khoản đầu tư khi hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn cùng với công ty con. Chi phí tài chính tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 72% và 65% dẫn đến lợi nhuận trước thuế đạt 230 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế của Novaland đạt 128,4 tỷ đồng, giảm 68,6% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Novaland đạt 50.619 tỷ đồng, tăng 1.152 tỷ đồng so với đầu kỳ. Đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty giảm 400 tỷ đồng trong khi đó hàng tồn kho tăng 1.470 tỷ đồng so với đầu kỳ. 

Nợ ngắn hạn của công ty tăng lên 2.166 tỷ đồng trong đó mục phải trả người bán ngắn hạn giảm 860 tỷ đồng, người mua trả tiền trước tăng lên 1.553 tỷ đồng và các khoản vay ngắn hạn tăng 1.775 tỷ đồng. Nợ dài hạn của công ty đã giảm 1.228 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Rung lắc

Cổ phiếu NVL giảm 0,9% trong phiên giao dịch 8/6 đã đi ngược với đà tăng điểm của Vn-Index. Ở phiên giao dịch hôm nay, thị trường giằng co và rung lắc mạnh vì áp lực chốt lời của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng vẫn kết phiên trong sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, Vn-Index tăng 2,32 điểm lên 1.039,01 điểm, khối lượng giao dịch đạt trên 148,1 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 4.494 tỷ đồng. Thị trường có 118 mã tăng giá, 63 mã đứng giá và 157 mã giảm giá.

Hnx-Index tăng 0,87 điểm lên 119,86 điểm, khối lượng giao dịch đạt gần 44 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị gần 610 tỷ đồng. HNX có 93 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 82 mã giảm giá.

Ở phiên giao dịch hôm nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh. Trong rổ VN30 có tới 16 mã giảm giá, 5 mã đứng giá và chỉ 9 mã tăng giá. 

Vn-Index trong phiên 8/6 tăng điểm trong sự rung lắc mạnh.
Vn-Index trong phiên 8/6 tăng điểm trong sự rung lắc mạnh.

Các mã giảm giá mạnh như SAB giảm 3.000 đồng/cổ phiếu, GAS giảm 2.100 đồng/cổ phiếu, CTD giảm 2.200 đồng/cổ phiếu, DHG giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, BMP giảm 800 đồng/cổ phiếu, HPG giảm 600 đồng/cổ phiếu, MSN giảm 1.300 đồng/cổ phiếu.

Chỉ còn vài mã tăng điểm nâng đỡ thị trường như HSG tăng 850 đồng lên mức giá trần 13.150 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 4,1 triệu đơn vị. VCB tăng 1.000 đồng/cổ phiếu, ACB tăng 700 đồng/cổ phiếu, CTG và BID cũng đều kết phiên trong sắc xanh. TCB tiếp tục tăng 6.800 đồng lên mức giá trần 105.200 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.

Nhiều mã cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến trái chiều. PLX tăng 1.300 đồng/cổ phiếu, PVY được kéo lên mức giá trần, TDG tăng 550 đồng/cổ phiếu, PVS tăng nhẹ 200 đồng/cổ phiếu thì PVD, POW, OIL, BSR đều kết phiên trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến khá ảm đạm với thanh khoản thấp. Các mã SHS, SSI, VND, SBS, CTS, HCM... tăng giá nhẹ trong khi VDS, BVS, AVG... ở chiều giảm giá.

Ở phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại bán ròng mạnh trên cả 2 sàn. Cụ thể, trên HNX khối ngoại bán ròng 793.492 cổ phiếu với giá trị bán ròng đạt 18,61 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất VGC với hơn 9,6 tỷ đồng, PVS với hơn 3,66 tỷ đồng.

Trên HOSE, khối ngoại đã bán ròng tới gần 3,4 triệu cổ phiếu, với giá trị bán ròng 33,04 tỷ đồng. Trên sàn này khối ngoại bán ròng mạnh nhất những mã như GAS với giá trị hơn 17,4 tỷ đồng, DHG hơn 17,95 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh VNM với hơn 41,38 tỷ đồng.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 8/6, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm sau khi thăng hoa trong gần như cả tuần. Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 128,76 điểm xuống 22.694,5 điểm.

Tại thị trường Sydney của Australia và Seoul của Hàn Quốc, chỉ số S&P/ASX 200 và KOSPI lần lượt mất 0,2% và 0,8%, xuống 6.045,20 điểm và 2.452,45 điểm. Các thị trường chứng khoán chủ chốt khác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm Taipei, Manila và Jakarta cũng đua nhau hạ điểm.

Hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong cũng đều nhuộm sắc đỏ. Đáng chú ý, chỉ số Hang Seng đã dứt chuỗi sáu phiên tăng điểm liên tiếp để kết phiên với mức giảm 554,42 điểm xuống 30.958,21 điểm. Trong khi chỉ số Shanghai Composite mất 42,35 điểm xuống 3.067,15 điểm. 

Thị trường chứng khoán châu Á xuống được lý giải là các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore. Ngoài ra, việc đồng Yen tăng từ mức 109,73 yen/USD lên 109,66 yen/USD cũng tạo sức ép lên thị trường cổ phiếu Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới mới đây cũng đón nhận số liệu kém lạc quan khi tăng trưởng kinh tế quý I sụt giảm lần đầu tiên trong hai năm qua.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement