Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhận 'bản án tử hình' từ Washington, nhưng Huawei quá lớn để thất bại!

Kinh tế thế giới

26/08/2020 00:01

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Washington được ví như "bản án tử hình" đối với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Nhưng một số người cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định đó.

Đối với Guo Ping, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, thứ Hai vừa qua cũng giống như bao ngày khác. Trong một bài phát biểu vào hôm đó tại TP. Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, ông đã vẽ lên một bức tranh đầy màu sắc về sức mạnh công nghệ và sự tiên phong của Huawei trong lĩnh vực viễn thông 5G.

Điều này sẽ biến Trung Quốc trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới.

Vài giờ sau đó, viễn cảnh tươi đẹp đã bị dội gáo nước lạnh, khi thông báo từ Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ sử dụng sự bao phủ toàn cầu của công nghệ Mỹ, để cắt đứt tất cả các nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei.

Ngay lập tức, trong các phòng họp và văn phòng Chính phủ trên khắp thế giới, đã nổ ra những cuộc thảo luận rầm rộ với câu hỏi đặt ra, là liệu động thái này của Mỹ có giáng một đòn chí mạng vào công ty trị giá 122 tỉ USD hay không. 

Huawei có thể chuẩn bị gấp rút nhanh cỡ nào để đối phó với lệnh hạn chế mới. Và sự sụp đổ của nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới sẽ dẫn tới hậu quả thế nào ở 170 quốc gia sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất?

Án tử với Huawei

Trong khi một số nhà phân tích nói rằng, đây sẽ là một bản án tử hình với Huawei, thì những người khác lại tự hỏi rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng đối đầu với Washington trong bao lâu, để bảo vệ một doanh nghiệp công nghệ của mình?

Một Giám đốc điều hành doanh nghiệp viễn thông châu Âu gọi viễn cảnh nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường sụp đổ là "một thảm họa". Dưới áp lực chính trị ngày càng tăng, các nhà mạng tại phương Tây, cũng như ở Australia và Anh đang phải bỏ ra rất nhiều tiền để thay thế thiết bị viễn thông của Huawei.

Một giám đốc điều hành khác lập luận rằng một khi Huawei sụp đổ, những nhà mạng bị ảnh hưởng trực tiếp đó là BT, Deutsche Telekom và Swisscom. Bởi họ sử dụng rất nhiều thiết bị mạng băng thông rộng của công ty Trung Quốc.

Nhưng đối với Washington, đây lại là đỉnh điểm của cuộc chiến kéo dài 15 năm chống lại Huawei, kể từ khi công ty này gia nhập thị trường Mỹ lần đầu tiên vào những năm 2000.

Lệnh cấm bổ sung của Mỹ đã giáng đòn chí tử cho Huawei. Ảnh: AFP.
Lệnh cấm bổ sung của Mỹ đã giáng đòn chí tử cho Huawei. Ảnh: AFP.

Các nhà quan sát kì cựu cho rằng, Mỹ đang tiến gần hơn tới mục tiêu đã được chứng minh là khó nắm bắt. "Làm thế nào để tiêu diệt Huawei?", Duncan Clark, Chủ tịch công ty tư vấn viễn thông và công nghệ Trung Quốc BDA, đặt câu hỏi về tình thế tiễn thoái lưỡng nan của Mỹ. "Giống như một con sâu, dù bạn cắt đầu thì nó vẫn tiếp tục sống".

Chính phủ Mỹ tin rằng, Huawei có thể bị chi phối với chính quyền Trung Quốc, để do thám các quốc gia khác và công ty của họ, phá hoại an ninh quốc gia, đánh cắp bí mật thương mại,...

Trong nhiều năm qua, chính quyền Nhà Trắng đã ngăn chặn Huawei mua lại các công ty và tài sản của Mỹ, thông qua chính sách "đánh giá an ninh quốc gia đối với các khoản đầu tư nước ngoài".

Ngoài ra, Chính quyền ông Trump còn theo đuổi một vụ truy tố hình sự, khiến bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính của Huawei, đồng thời là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, bị bắt và giam lỏng tại Canada, chờ kết quả của một phiên điều trần dẫn độ về Mỹ.

Bắt đầu từ năm 2019, Nhà Trắng đã khơi mào các biện pháp chống Huawei bằng những quyết định trừng phạt. Hai lần trừng phạt trước, Huawei đều tỏ ra khó khăn. Lần này, các chuyên gia trong ngành cho rằng, công ty công nghệ Mỹ khó lòng thoát khỏi sợi dây thòng lọng đang lơ lửng  trên đầu do Washington tạo ra.

"Các thiết bị cầm tay và trạm gốc đều đòi hỏi phải có chất bán dẫn để sản xuất. Hai ngành nghề kinh doanh này chiếm tới 90% hoạt động kinh doanh của Huawei", Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics - một công ty nghiên cứu ở Bắc Kinh cho hay.

"Nếu không còn khả năng sản xuất những sản phẩm này, Huawei sẽ không còn là Huawei nữa". Đầu tuần này, ông Wang đã gọi những lệnh trừng phạt mới của Mỹ là một bản án tử hình dành cho Huawei.

Tháng 11 hy vọng

Cái chết đang đến rất gần, nhưng không phải sắp xảy ra, ít nhất là vào lúc này. Huawei đã xây dựng cho mình một kho dự trữ chip kể từ khi Washington gia tăng các áp lực lên công ty cách đây 2 năm. 

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành tin rằng, các báo cáo về việc Huawei dự trữ chip đủ dùng trong 2 năm là thổi phồng quá mức. Thực tế, Huawei chỉ có đủ lượng chip dự trữ để cầm cự khoảng 6 tháng nữa.

Khoảng thời gian đó đủ để tồn tại qua tháng 11, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, và lễ nhậm chức của Tổng thống mới diễn ra. Một số nhà phân tích cho rằng khả năng Donald Trump - người luôn coi Trung Quốc là một mối đe doạ sẽ bị miễn nhiệm. Tia hy vọng cho Huawei đó là ứng cử viên Đảng Dân chủ, Joe Biden, với lập trường ít đối đầu hơn với Trung Quốc.

Cửa hàng lớn nhất thế giới của Huawei mới mở tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Cửa hàng lớn nhất thế giới của Huawei mới mở tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng những tia hy vọng đó là rất mong manh.

"Giới chức Trung Quốc đang ngóng trông vào Joe Biden, trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây ở Florida. Nhưng những nhà tư tưởng kì cựu ở Trung Quốc cũng hiểu rằng không gian chính sách dành cho Biden cũng sẽ bị hạn chế", Hosuk Lee-Makiyama - Giám đốc Trung tâm kinh tế chính trị thế giới châu Âu, có trụ sở tại Brussels cho hay.

Ông nói thêm rằng bất kì tuần trăng mật nào giữa Bắc Kinh với chính quyền Biden sắp tới cũng khó có thể kéo dài. Bởi Trung Quốc không thể đảo ngược các chính sách và luật pháp quan trọng của họ, vốn đã tỏ ra cứng rắn trước lập trường của chính phủ các nước phương Tây chống lại Huawei và Trung Quốc.

Mấu chốt ở đây là luật an ninh quốc gia Trung Quốc, đòi hỏi các doanh nghiệp và người dân sẵn sàng hợp tác khi được yêu cầu, và điều này làm dấy lên mối lo ngại về gián điệp. Một vấn đề khác chắc chắn sẽ tiếp tục gây rắc rối cho các mối quan hệ, đó là động thái của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự trị, dân quyền và pháp quyền tại Hong Kong.

Theo kịch bản đó, tương lai của Huawei có vẻ sẽ đen tối hơn. 

Washington tuần trước đã ngừng cấp giấy phép tạm thời cho các công ty Mỹ bán chíp cho Huawei.

Với các lệnh cấm được áp dụng vào tháng 5, cùng những bổ sung mới trong tuần này, giờ đây không một công ty nào trên thế giới có thể bán chip trực tiếp hoặc gián tiếp cho Huawei, nếu chúng được sản xuất dựa trên công nghệ Mỹ.

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới mà hầu hết các nhà thiết kế chip đều dựa vào để chế tạo chất bán dẫn của riêng họ, sẽ ngừng giao hàng cho Huawei vào ngày 15/9 tới. Các hạn chế bổ sung cũng sẽ ngăn chặn việc Huawei có thể tiếp cận bất kì nguồn chip nào khác, như chip nhớ Hynix của Hàn Quốc, hay chất bán dẫn từ công ty Hà Lan NXP.

Một quan chức thương mại của Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết: "Không một công ty nào dù ít dù nhiều không sử dụng công nghệ của Mỹ. Cánh cửa đã đóng sập lại".

Tuy nhiên, một trong số 200.000 nhân viên Huawei vẫn tỏ ra lạc quan: "Tôi cảm thấy mọi người khá bình tĩnh, vì chúng tôi còn rất nhiều dự án chưa hoàn thành và các đơn đặt hàng mới từ Chính phủ cũng đang đến".

Một số nhà quan sát cũng tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ ra tay. "Huawei quá lớn để thất bại", một giám đốc điều hành ngành bán dẫn ở Đài Loan cho hay. "Chắc chắn Bắc Kinh sẽ giúp đỡ họ"

Xây dựng một ngành công nghiệp

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ giúp Huawei bằng cách nào. Ông Wang cho rằng tiền - cách tiếp cận quen thuộc trước đây của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ - sẽ không còn hiệu quả. 

"Hiện Huawei đang giữ khoảng 53 tỉ USD tiền mặt và các khoản đầu tư trong ngắn hạn, vì vậy họ có nguồn lực đáng kể. Những gì họ thiếu là chip. Trong một thời gian ngắn không thể có phép màu để tạo ra một chuỗi cung ứng bán dẫn mà không dính dáng gì tới công nghệ của Mỹ", ông nói.

Một kỹ thuật viên quét mã trên dây chuyền lắp ráp của một nhà máy điện thoại di động Huawei ở Đông Quan. Ảnh: Bloomberg.
Một kỹ thuật viên quét mã trên dây chuyền lắp ráp của một nhà máy điện thoại di động Huawei ở Đông Quan. Ảnh: Bloomberg.

Một số người tin rằng, Bắc Kinh sẽ buộc các nhà sản xuất chip Trung Quốc - vốn đang phụ thuộc vào phần mềm và thiết bị của Mỹ - tiếp tục cung cấp chip cho Huawei. Giám đốc điều hành công ty sản xuất chất bán dẫn tại Đài Loan, cho biết: "Họ có thể tổ chức lại ngành công nghiệp chip trong nước theo bất kì cách nào họ muốn. Bạn có thể hình thành một lớp trung gian giữa các nhà cung cấp và Huawei, điều đó có thể giúp ông lớn công nghệ Trung Quốc lách luật cấm của Mỹ".

Tuy nhiên, một kế hoạch như vậy thường ẩn chứa rất nhiều rủi ro, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, và hơn nữa có thể làm suy yếu mục đích cuối cùng của Bắc Kinh là xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình.

Các luật sư thương mại dự đoán rằng, bất kì nhà sản xuất chip Trung Quốc nào cố gắng lách luật để giao hàng cho Huawei, đều sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu tiếp theo cho các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Khách hàng trên khắp châu Âu đã từ bỏ thiết bị của Huawei - kết quả của áp lực chính trị mà Mỹ tạo ra. Một CEO nhà mạng hàng đầu châu Âu - công ty trước đó đã sử dụng một lượng lớn thiết bị viễn thông của Huawei, cho biết: "Có một rủi ro lớn hơn nhiều khi sử dụng thiết bị Huawei do các lệnh trừng phạt vi mạch. Cuộc đấu tranh của Huawei sẽ thay đổi cán cân quyền lực. Chúng tôi cần một doanh nghiệp như Samsung nhanh chóng vào cuộc để cung cấp thiết bị".

Các công ty viễn thông đã bắt đầu xem xét lại kế hoạch của họ, đặc biệt là đối với việc nâng cấp 5G. Huawei - đơn vị chiếm gần 50% thị phần cung cấp thiết bị mạng 4G trước đó, đã mất phần lớn vai trò là "nhà cung cấp chính".

Một số công ty viễn thông như BT và Three đã lựa chọn Ericsson làm nhà cung cấp thay thế.

Nhiều giám đốc điều hành tại các hãng viễn thông lớn cho rằng mạng lưới sẽ không dừng lại ngay cả khi Huawei sụp đổ, nhưng nó sẽ cướp đi khả năng dễ dàng bảo trì mạng và có thể gây ra gián đoạn đáng kể cho khách hàng do không thể nâng cấp phần mềm từ Trung Quốc và thay thể thiết bị bị lỗi.

Đối với Huawei, nỗi đau gần như chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Các chuyên gia trong ngành cho rằng khó có thể hình dung làm thế nào Huawei có thể tiếp tục duy trì hoạt động khi Washington gần như chặn đứt mọi đường sống.

Ông Clark nhận định, Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ nhúng tay vào tái cơ cấu Huawei. Thế nhưng, trớ trêu thay, điều đó có thể biến điều mà Mỹ từng nghi ngờ đối với Huawei trở thành sự thật, trong khi công ty này liên tục phủ nhận: Đó là một công ty nhà nước thuộc sở hữu của Trung Quốc.

ĐỨC HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement