Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Người Mỹ lo sợ hỗn loạn sau bầu cử

Kinh tế thế giới

28/10/2020 13:56

Khi ngày bầu cử càng đến gần, nhiều người Mỹ càng tỏ ra lo sợ kịch bản khủng hoảng hậu bầu cử vì tranh chấp giữa hai ứng viên.

Nghị sĩ Mark Pocan, thành viên đảng Dân chủ đến từ Madison, bang Wisconsin, gần đây dành rất nhiều thời gian để cố gắng trấn an các cử tri của ông. Họ lo sợ Tổng thống Donald Trump bằng cách nào đó sẽ "đánh cắp" cuộc bầu cử năm nay.

"Tôi nhận được câu hỏi này gần như hàng này", Pocan nói và thêm rằng các cử tri hỏi ông mọi thứ, từ các vụ kiện liên quan tới bầu cử, thời hạn bỏ phiếu, phiếu đại cử tri và các sự cố ở cấp bang. "Mọi người rất lo lắng, bởi họ nghĩ Tổng thống sẽ làm bất kỳ điều gì để giữ quyền lực", ông nói thêm.

Một người phụ nữ bỏ phiếu bầu cử tại Chicago hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.
Một người phụ nữ bỏ phiếu bầu cử tại Chicago hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Chỉ 22% người Mỹ tin rằng cuộc bầu cử năm nay "tự do và công bằng", theo khảo sát hồi tháng 9 của Yahoo News/YouGov, trong khi 46% nói rằng nó sẽ không diễn ra như vậy.

Molly Ball, biên tập viên của Time, cho rằng tâm lý lo lắng của người dân Mỹ là điều dễ hiểu, khi Tổng thống Trump từng nhiều lần cáo buộc bầu cử năm nay "gian lận", đặc biệt là với hình thức bỏ phiếu qua thư, dù không có bằng chứng, đồng thời từ chối cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Đại dịch Covid-19 cũng làm thay đổi quy trình bỏ phiếu ở Mỹ, trong khi hệ thống bỏ phiếu của Mỹ được cho là thiếu đầu tư và quá tải.

"Sẽ thật ngây thơ nếu cho rằng không có sự cố nào xảy ra", Ball nhận định.

Nhưng với nhiều người, cảm giác lo lắng này đã biến thành nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng hiến pháp "không thể tránh khỏi". Thậm chí một số cho rằng hỗn loạn hậu bầu cử năm nay có thể phức tạp hơn rất nhiều so với khủng hoảng kiểm phiếu năm 2000 ở Florida.

Giới chuyên gia không phủ nhận có những kịch bản hậu bầu cử tồi tệ sau các động thái gây lo lắng của Tổng thống Trump, nhưng cho rằng khả năng nước Mỹ chìm trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng là rất thấp. Benjamin Ginsberg, người đại diện cho ứng viên Cộng hòa trong cuộc kiểm phiếu năm 2000, cho rằng "sự hoảng loạn này đang bị thổi phồng".

Nhiều người cho rằng kịch bản tệ nhất có thể xảy ra là người chiến thắng không được công bố ngay trong đêm bầu cử. Nhiều bang sẽ phải xử lý số lượng lớn phiếu bầu qua thư và phiếu vắng mặt, khiến thời gian kiểm phiếu lâu hơn so với bỏ phiếu trực tiếp.

Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm tại một điểm bỏ phiếu ở bang Texas ngày 13/10. Ảnh: USA Today
Cử tri xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm tại một điểm bỏ phiếu ở bang Texas ngày 13/10. Ảnh: USA Today

Nhiều cuộc thăm dò cho thấy thái độ hoài nghi của Tổng thống Trump đối với hình thức bỏ phiếu qua thư đã dẫn tới tình trạng chia rẽ đảng phái về phương thức bỏ phiếu. Nhiều thành viên Cộng hòa định bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử, trong khi thành viên Dân chủ thiên về bỏ phiếu qua thư.

Quy trình kiểm đếm phiếu bầu qua thư cũng phức tạp hơn. Các lá phiếu phải được lấy ra khỏi phong bì, dàn phẳng để phân loại, đối chiếu chữ ký cửa tri và các yêu cầu kỹ thuật khác trước khi được kiểm.

Chậm trễ trong khâu thu thập và kiểm phiếu có thể tạo điều kiện cho Tổng thống Trump tuyên bố số phiếu bầu qua thư được nhận sau ngày 3/11 là không hợp lệ. Nhiều người cho rằng Tổng thống có thể từ chối chấp nhận kết quả kiểm phiếu và tiến hành các vụ kiện tụng. Các thành viên của phe Cộng hòa trong chính phủ có thể sẽ ủng hộ Tổng thống, trong khi nhiều người sẽ xuống đường biểu tình, khiến nước Mỹ rơi vào bất ổn.

Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản hỗn loạn này xảy ra, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng ông Trump không thể phá vỡ quy trình bầu cử Mỹ chỉ với các bài đăng Twitter. Họ thêm rằng các cuộc bầu cử Mỹ được giám sát bởi các quan chức bang và địa phương ở hàng nghìn khu vực pháp lý, với hầu hết đều là người có chuyên môn, kinh nghiệm và nổi tiếng liêm chính. Ngoài ra, quy trình bầu cử đã được kiểm tra cẩn thận để đối phó với những bất thường, thách thức và tranh cãi có thể xảy ra.

"Ứng viên hầu như không có vai trò gì trong quá trình này", Vanita Gupta, chủ tịch Hội nghị lãnh đạo về Nhân quyền và Dân quyền, và từng là quan chức Bộ Tư pháp dưới thời chính quyền tổng thống Barack Obama, nói. "Dù mọi người có thể tuyên bố chiến thắng hay đe dọa về những điều họ có thể hoặc không thể làm, thực tế là ứng viên không có quyền định đoạt kết quả bầu cử. Một điều quan trọng mà cử tri phải hiểu là dù hệ thống của chúng tôi khá phức tạp, nó không phải là cái chợ".

Ông Trump vận động tranh cử tại sân bay ở Janesville, bang Wisconsin ngày 17/10. Ảnh: Reuters
Ông Trump vận động tranh cử tại sân bay ở Janesville, bang Wisconsin ngày 17/10. Ảnh: Reuters

Giới phân tích nhận định việc Tổng thống Trump có chấp nhận hay không sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Ông chủ Nhà Trắng hay bất kỳ ứng viên nào khác đều không thể đơn giản khởi kiện lên Tòa án Tối cao, bởi nó cần có quy trình pháp lý.

"Những điều Tổng thống Trump nói như hủy bỏ các lá phiếu hay kết thúc kiểm phiếu đều không phải là lập luận pháp lý trước tòa", Joshua Geltzer, giám đốc điều hành Viện Bảo vệ và Ủng hộ Hiến pháp thuộc Đại học Luật Georgetown, nói.

Một kịch bản đáng lo ngại khác mà nhiều người Mỹ nghĩ tới là bất đồng về phiếu đại cử tri mà các ứng viên giành được ở mỗi bang, khi lo ngại thống đốc và nghị viện bang do hai đảng kiểm soát sẽ đệ trình danh sách đại cử tri của riêng họ. Nhưng các chuyên gia chỉ ra Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri được quốc hội thông qua năm 1887 sẽ ngăn kịch bản năm 1876, khi hai đảng cùng tuyên bố chiến thắng ở ba bang Florida, Louisiana và Nam Carolina và nộp danh sách đại cử tri khác nhau.

"Sẽ là phản dân chủ nếu tổ chức một cuộc bỏ phiếu phổ thông bầu tổng thống nhưng sau đó bạn không công nhận nó chỉ vì không thích kết quả đó", Adav Noti, chánh văn phòng tại Trung tâm Pháp lý Tranh cử, một tổ chức phi đảng phái, cho biết.

Hai người ngồi xem buổi tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden tại thành phố San Francisco, bang California hôm 22/10. Ảnh: AP.
Hai người ngồi xem buổi tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden tại thành phố San Francisco, bang California hôm 22/10. Ảnh: AP.

Dù không thể hoàn toàn phủ nhận kịch bản này khi đảng Cộng hòa vốn trung thành với Trump, Adav Noti cho rằng các thẩm phán sẽ không đồng tình với các nỗ lực nộp danh sách đại cử tri đối chọi như vậy.

"Điều này rõ ràng vi phạm luật liên bang và gần như chắc chắn vi phạm các quyền của cử tri được quy định trong hiến pháp. Nếu họ làm như vậy, đó chắc chắn là một tình huống nghiêm trọng, nhưng tôi không nghĩ nỗ lực đó sẽ thành công", Noti nói.

Dù các kịch bản hỗn loạn hậu bầu cử không có nhiều khả năng xảy ra, giới chuyên gia cho rằng việc người dân quá lo sợ về chúng có thể dẫn tới các hậu quả tiêu cực. Nó sẽ khiến nhiều người không tin tưởng lá phiếu của họ sẽ được kiểm cũng như làm xói mòn niềm tin vào hệ thống dân chủ.

"Giống như kịch bản ngày tận thế, chắc hẳn bạn sẽ muốn mọi người lưu tâm đến nguy cơ hỗn loạn hậu bầu cử", Ginsberg nói. "Nhưng việc lo lắng thái quá như thể nó sắp xảy ra sẽ gây vấn đề thực sự là mọi người không còn tin tưởng vào hệ thống chọn lựa lãnh đạo của chúng ta. Điều đó thực sự tai hại".

THANH TÂM
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement