Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu: Áp lực từ nợ xấu (bài 1)

Ngân hàng

09/09/2019 08:02

Nửa đầu năm 2019 chứng kiến hàng loạt ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu. Nguyên nhân của việc này đến từ nợ xấu của các nhà băng tăng nhanh.

Cuộc đua nhau ngược

Vietinbank (CTG) vừa thông báo được cấp giấy chứng nhận chào bán 5.000 tỷ đồngtrái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, theo 2 giai đoạn. Đợt đầu tiên,ngân hàng sẽ phát hành 400.000 trái phiếu. Đợt 2 sẽ chào bán 100.000 trái phiếu và phần còn lại của đợt 1 không chào bán hết.

Vietinbank sẽ chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu.
Vietinbank sẽ chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu.

Thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày từ khi giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực và đợt 2 sẽ chào bán trong 90 ngày từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn nhận được thông báo phát hành của ngân hàng.

Trước đó, Vietinbank thông báo chào bán 650 tỷ đồng trái phiếu theo 3 giai đoạn. Đợt 1, ngân hàng chào bán 50 tỷ đồng với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, trong tháng 7-8. Lãi suất trái phiếu cố định 8,2%/năm với toàn bộ kỳ hạn 15 năm. 

Đợt 2, ngân hàng phát hành riêng lẻ 100 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, trong tháng 7-8. Lãi suất trái phiếu thả nổi tính bằng mức tham chiếu cộng với biên độ 1,2% với toàn bộ kỳ hạn 10 năm. Ngày thực hiện quyền mua lại là 5 năm từ ngày phát hành. Đồng thời, Vietinbank cũng được quyền mua lại trước hạn toàn bộ hoặc một phần trái phiếu

Đợt 3, ngân hàng chào bán 500 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng, thực hiện trong quý III, IV. Lãi suất trái phiếu cố định 8% với toàn bộ kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu là loại không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 theo quy định.

Trước đó, hồi tháng 5, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép Vietinbank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết.

Tương tự, BIDV (BID) vừa thông báo phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2. Lượng trái phiếu gồm 2.500 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm và 500 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.

Lãi suất cho toàn bộ thời hạn của trái phiếu được thả nổi xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng với 1,2% với kỳ hạn 7 năm và 1,3% với kỳ hạn 10 năm. Lãi suất tham chiếu là trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, trả sau áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank. 

Mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đảm bảo sự bền vững nguồn vốn. BIDV sẽ bổ sung nguồn tiền đáp ứng nhu cầu cho vay đối với các dự án trung và dài hạn.

BIDV phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.
BIDV phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.

Trong đó, ngân hàng sẽ giải ngân 2.000 tỷ đồng vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại công nghiệp, 500 tỷ đồng và lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đốt, 100 tỷ đồng trong lĩnh vực xây dựng và 400 tỷ đồng vào các lĩnh vực khác. Thời gian đăng ký mua trái phiếu từ ngày 27/8 đến 25/9/2019.

Đây không phải là lần đầu tiên BIDV phát hành trái phiếu. Còn nhớ, từ ngày 12/11/2018 đến ngày 11/12/2018, BIDV mở bán tổng cộng 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm, nhằm thu về 4.000 tỷ đồng. Mệnh giá trái phiếu là 10 triệu đồng/trái phiếu. 

Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 7 năm có khối lượng chào bán là 300.000 trái phiếu, trái phiếu 10 năm có khối lượng chào bán là 100.000 trái phiếu. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 và 10 năm luôn cao hơn lần lượt 0,8 -1,0% năm so với trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng và kỳ hạn thực tế của trái phiếu sẽ rút ngắn tương ứng còn 2 năm, 5 năm khi BIDV mua lại trái phiếu trước hạn.

LienVietPostBank (LPB) cũng vừa phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm. 

Theo LienVietPostBank, lượng vốn huy động lần này nhằm tăng vốn hoạt động, cải thiện cơ cấu huy động vốn huy động với chi phí rẻ hơn so với phương thức huy động tiền gửi thông thường, từ đó nâng cao chất lượng các hệ số bảo đảm an toàn, đặc biệt là tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình điều chỉnh giảm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

LienVietPostBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.116 tỷ đồng, bằng 181% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Ngân hàng đã thực hiện thay đổi cơ cấu nguồn thu, thu nhập lãi thuần tăng mạnh, bằng 128% so với cùng kỳ năm trước nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu ra đầu vào. Thu nhập từ dịch vụ, ngoại hối cao hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.

Eximbank (EIB) cũng vừa công bố việc phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2019. Một số ngân hàng còn tìm cách huy động vốn nước ngoài qua kênh trái phiếu. Đó là VPBank đã huy động thành công 300 triệu USD trên thị trường quốc tế qua việc phát hành trái phiếu. Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của nhà băng này trong kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD trong năm 2019.

Do áp lực tăng vốn

Theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán SSI (SSI), 8 tháng đầu năm, các ngân hàng phát hành hơn 56.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm một nửa tổng giá trị phát hành của thị trường.

LienVietPostBank vừa phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
LienVietPostBank vừa phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Với tỷ lệ phát hành thành công lên tới 99,6%, ngoại trừ Seabank có hai lô không bán hết, 10 ngân hàng còn lại đều thành công. Những con số hàng chục nghìn tỷ phát hành với tỷ lệ gần như tuyệt đối cho thấy trái phiếu ngân hàng đang được thị trường đón nhận. Vậy ai đã hấp thụ số trái phiếu này?

Theo SSI, 40% trái phiếu ngân hàng phát hành (khoảng 22.900 tỷ đồng) được các công ty chứng khoán mua vào. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định người nắm giữ cuối cùng thực chất là ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính.

Còn theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB trong 6 tháng đầu năm, các nhà băng đã huy động khoảng 18.200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, ở các kỳ hạn từ 3-5 năm

Kết quả khảo sát tình hình hoạt động của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của bốn ngân hàng thương mại Nhà nước theo chuẩn mực vốn Basel I ở mức 9,4% đã sát mức tối thiểu theo quy định, thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước 13%.

Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ thì có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Từ năm 2014 đến nay, Vietinbank không được bổ sung vốn điều lệ nên tốc độ tăng trưởng của nhà băng này trong năm 2018 chỉ đạt được 6% (mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của Vietinbank) và dư nợ tín dụng cho vay của ngân hàng này qua năm 2019 giảm so với trước. 

Do những ngân hàng này chưa được phép tăng vốn điều lệ nên việc phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn cấp 2 để có dư địa tăng trưởng tín dụng, đáp ứng Basel II cũng như đáp ứng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Vì đâu?

Còn nhớ, từ đầu năm 2017, các ngân hàng đã phải triển khai các giải pháp huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 60% về 50% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018.

Giải pháp chung là tăng vốn điều lệ, hạn chế chia cổ tức tiền mặt và thực tế Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt hỗ trợ vốn tự có cấp 1. Đồng thời với đó là phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn để tăng vốn, nhưng chủ yếu sẽ vẫn tập trung vào phát hành trái phiếu chuyển đổi, bởi chứng chỉ tiền gửi không được tính vào vốn cấp 2. 

Tuy nhiên, với Thông tư 19/2017/TT-NHNN ban hành ngày 28/12/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được điều chỉnh ở mức 45% vào năm 2018 và giảm về mục tiêu 40% vào năm 2019, thay vì ngay trong năm 2018. 

Eximbank phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2019. 
Eximbank phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2019. 

Việc thay đổi này được thị trường đánh giá giúp giảm áp lực lên lãi suất huy động của các ngân hàng và các ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu danh mục cho vay sang các khoản vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng có thời gian cân đối dòng vốn của mình. Rõ ràng, các ngân hàng đã có khoảng thời gian dài để chuẩn bị cho quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống mức 45% từ 1/1/2018.

Một câu chuyện nữa đó là từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định đã chính thức bước vào thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bộ tiêu chuẩn không mới đối với các ngân hàng trong khu vực. 

Bên cạnh 10 ngân hàng được chỉ định, không ít ngân hàng còn xung phong thực hiện thí điểm Basel 2. Thậm chí, cuối năm 2017, OCB là một trong số ít ngân hàng đã sớm công bố hoàn thành dự án Basel 2 nhằm nâng tầm quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, VPBank vừa qua đã chính thức xin phép Ngân hàng Nhà nước được áp dụng toàn phần tiêu chuẩn Basel 2 trong quản trị rủi ro từ đầu năm 2019, sớm 1 năm so với yêu cầu đặt ra của Ngân hàng Nhà nước. Nếu được chấp thuận, VPBank sẽ là một trong những ngân hàng Việt Nam đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn Basel 2. 

Ngân hàng đua nhau phát hành trái phiếu: Ai mua trái phiếu này? (bài 2)

Trong 8 tháng đầu năm 2019, các ngân hàng đã phát hành 56.000 tỷ đồng trái phiếu. Câu hỏi đặt ra là ai mua lượng trái phiếu này, hệ quả ai gánh?

TUYẾT HƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement