Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Mối nguy đằng sau mảng kinh doanh béo bở của Tesla

Doanh nghiệp

19/05/2021 13:45

Việc bán hạn mức khí thải giúp Tesla thu về hàng trăm triệu USD với vốn bằng 0. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo hãng xe điện quá phụ thuộc vào nguồn thu này.

Nhà đầu tư nổi tiếng Michael Lewis vừa tiết lộ ông chi 534 triệu USD để mua quyền chọn bán cổ phiếu Tesla vào cuối quý I. Với quyền chọn bán, nhà đầu tư có thể chọn bán cổ phiếu trong tương lai với mức giá chốt ở thời điểm ký hợp đồng. Nếu giá cổ phiếu giảm trong tương lai, nhà đầu tư sẽ có lãi.

Theo CNBC, ván cược của ông Lewis khiến giới đầu tư chú ý đến sự phụ thuộc của Tesla vào việc bán hạn mức khí thải. Hoạt động này đã kiếm về 518 triệu USD trong quý I/2021 và giúp hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk có lãi.

Trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon, các chính phủ trên khắp thế giới đã đưa ra những biện pháp khuyến khích các nhà sản xuất ôtô phát triển xe điện hoặc ôtô phát thải lượng carbon thấp. Điểm sẽ được trao cho những hãng xe sản xuất và bán các loại xe thân thiện với môi trường.

Ty phu Elon Musk anh 1
Hãng xe điện của Elon Musk gây lo ngại vì phụ thuộc vào hoạt động bán hạn mức khí thải để có lãi. Ảnh: Reuters.

Thu lời hàng trăm triệu USD

Tại Mỹ, California và ít nhất 13 bang khác có quy định liên quan đến hạn mức khí thải. Họ yêu cầu các nhà sản xuất ôtô sản xuất một lượng nhất định phương tiện không phát thải (ZEV) dựa trên tổng số ôtô được bán ở bang đó.

Nếu không đạt yêu cầu, các hãng xe phải mua lại hạn mức từ những công ty khác. Tesla chỉ bán ôtô điện thuộc danh mục ZEV. Do đó, hãng luôn dư hạn mức khí thải và bán chúng với lợi nhuận 100%.

Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc cũng có quy định tương tự. Tại Trung Quốc, yêu cầu về hạn mức khí thải đối với các nhà sản xuất ôtô tăng đều từ năm 2019 và vẫn tiếp tục tăng.

Các quy định của Trung Quốc tính điểm cho mỗi chiếc xe dựa trên một số yếu tố, bao gồm quãng đường xe đi liên tục mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.

Tesla cũng kiếm được tiền từ việc bán hạn mức khí thải tại Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng nhất của hãng. Tuy nhiên, Tesla đã vướng phải hàng loạt chỉ trích từ dư luận nước này trong vài tháng qua.

Ty phu Elon Musk anh 2
Tesla kiếm bộn tiền từ việc bán hạn mức khí thải cho các nhà sản xuất ôtô khác. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 4, Reuters đưa tin liên doanh giữa nhà sản xuất ôtô Đức Volkswagen và nhà sản xuất quốc doanh Trung Quốc FAW đã đồng ý mua lại hạn mức khí thải của Tesla tại Trung Quốc. Hãng xe điện Mỹ chưa trả lời yêu cầu bình luận của CNBC.

Các nhà lập pháp châu Âu cũng rất tích cực trong việc cố gắng giảm lượng khí thải ôtô. Năm 2020, EU cho biết lượng khí thải CO2 trung bình từ ôtô không được nhiều hơn 95 gram/km. Những xe vượt quá mức này có thể phải nộp phạt rất nặng.

EU cũng đưa ra các ưu đãi dưới hình thức “siêu hạn mức” cho những phương tiện thải ra ít hơn 50 gram CO2 mỗi km. Mục đích là thúc đẩy sự phát triển của các phương tiện phát thải carbon thấp.

Tesla không phải trả bất cứ khoản tiền nào cho hạn mức khí thải. Do đó, khi bán lại chúng, hãng được hưởng lợi nhuận 100%. Điều này giúp Tesla ghi nhận lãi trong những quý vừa qua.

Quá phụ thuộc

Tuy nhiên, nhà đầu tư Michael Lewis không phải người duy nhất lo ngại về sự phụ thuộc của Tesla vào hoạt động kinh doanh hạn mức khí thải. Trong một cuộc họp hồi quý IV/2020, Giám đốc tài chính Tesla Zachary Kirkhorn đã được hỏi về triển vọng của doanh số bán hạn mức khí thải năm 2021. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng điều đó "rất khó dự đoán".

"Về lâu dài, doanh số hạn mức khí thải không phải phần quan trọng của hoạt động kinh doanh. Chúng ta không thể lập kế hoạch kinh doanh cho mảng này. Có thể trong một số quý, doanh số sẽ tăng mạnh, nhưng cũng có khả năng không", ông nói thêm.

"Tesla mất tiền vào việc bán ôtô, nhưng kiếm tiền nhờ bán hạn mức khí thải. Tuy nhiên, nguồn tiền này sẽ biến mất", chuyên gia Gordon Johnson tại hãng nghiên cứu GLJ Research, một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Tesla, cảnh báo.

Vấn đề nằm ở chỗ Tesla sẽ phụ thuộc vào số tiền mà các nhà sản xuất lớn bỏ ra để mua hạn mức khí thải. Tuy nhiên, toàn bộ ngành công nghiệp đang hướng tới một tương lai hoàn toàn bằng điện, vừa để đáp ứng những quy định môi trường ngày càng khắt khe trên toàn cầu, vừa nhằm theo kịp nhu cầu đang gia tăng trên khắp thế giới.

Tesla mất tiền vào việc bán ôtô, nhưng kiếm tiền nhờ bán hạn mức khí thải. Tuy nhiên, nguồn tiền này sẽ biến mất

Chuyên gia Gordon Johnson thuộc hãng nghiên cứu GLJ Research

Một nguyên nhân khác là xe điện đòi hỏi ít lao động, bộ phận và chi phí chế tạo thấp hơn so với ôtô chạy bằng xăng truyền thống.

"Đa số mọi người có thể đồng ý rằng xe điện là tương lai", nhà phân tích công nghệ Gene Munster tại hãng Loup Ventures bình luận. Do đó, hầu hết nhà sản xuất ôtô truyền thống đã lên kế hoạch tung ra sản phẩm xe điện mới. Tesla vì thế sẽ mất dần khách hàng.

Một ví dụ điển hình là Stellantis, công ty do Fiat Chrysler Automobiles và Peugeot S.A. sáp nhập thành. Theo Reuters, tính từ năm 2019 đến năm 2021, Stellantis đã mua khoảng 2 tỷ euro (2,43 tỷ USD) hạn mức khí thải của Tesla tại châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Stellantis Carlos Tavares mới đây tiết lộ công ty có thể đạt mức phát thải mục tiêu trong năm 2021. Điều đó có nghĩa là hãng xe sẽ không phải mua thêm hạn mức từ Tesla. Và công ty của tỷ phú Elon Musk có khả năng mất đi một khách hàng quan trọng.

THẢO CAO
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement