Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Không ai có thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu gạo ST25

Thị trường 24h

23/04/2021 20:49

Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cho rằng không ai có thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo. Việc bảo hộ của nhà nước là bảo hộ giống cây trồng đối với bản thân lúa giống.

Ngay khi nhận được thông tin gạo ST25 của Sóc Trăng bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cùng doanh nghiệp đang sở hữu sản phẩm gạo ST25, có ý kiến hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ cho sản phẩm gạo ST25 tại thị trường trong nước.

Doanh nghiệp đang sở hữu giống lúa ST25 cũng không được bảo hộ  dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN, cần phân biệt giữa giống cây trồng và sản phẩm gạo từ giống lúa đó. Giống lúa có tên ST25 đã được cấp bằng bảo hộ số 21.VN.2020. Chủ bằng bảo hộ là doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, và tác giả giống lúa là các ông bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương. 

st25-161899500977618-01.jpg
Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của bộ giống lúa ST24, ST25, cho biết trước giờ ông vẫn làm nhiệm vụ của nhà khoa học, là lai tạo giống lúa, không biết nhiều đến câu chuyện bảo hộ thương mại. Ảnh: DV

Ông Bảy giải thích theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Tên đó phải không trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng.

Trong trường hợp cụ thể này, khi nộp hồ sơ đăng ký, giống lúa tương ứng được lấy tên là ST25.

Theo quy định tại Điều 186, Luật Sở hữu trí tuệ, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền sử dụng, hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sản xuất hoặc nhân giống, chế biến, nhằm mục đích nhân giống, chào hàng, bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác, xuất khẩu…

Khoản 4, Điều 163, Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc sử dụng đúng tên giống cây trồng khi đưa sản phẩm (ở đây là giống lúa ST25) là một nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ bằng bảo hộ, người được chủ bằng bảo hộ cho phép thực hiện các quyền của chủ bằng, kể cả sau khi giống lúa này đã hết thời hạn bảo hộ.

Tuy nhiên, gạo lại là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (lúa) từ cây lúa. Trong trường hợp Công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng, thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là “gạo ST25”.

Các doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa, được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát, và sau đó bán gạo ra thị trường, cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa ST25 là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ lúa thu hoạch được từ giống ST25.

4-16190826988101241843772.jpg
Đây là một nhãn hiệu gạo ST25 được doanh nghiệp tại Mỹ xin đăng ký bảo hộ.

Ông Bảy cho biết vì lý do là tên gọi chung của một loại sản phẩm, nên bất kỳ ai kinh doanh gạo này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó. Do vậy, Điểm b, Khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên. Nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu.

Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.

Vấn đề chưa đáng lo!

Vậy trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng đưa ra thị trưởng sản phẩm gạo ST25, thì đâu là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo mình mua? Theo ông Bảy, câu trả lời là các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình.

"Đó là lý do chúng ta có thể mua được gạo ST25 mang nhãn hiệu Bảo Minh hoặc gạo ST25 của các doanh nghiệp a, b,c khác với các nhãn hiệu khác nhau.

“Đúng là đang có vài doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ. Và các đơn đăng ký đó đang trong quá trình xử lý, nhưng theo pháp luật của Mỹ, tên gọi chung của sản phẩm, dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu.  ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng (lúa), không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu. Đã có ví dụ về việc từ chối đối với nhãn hiệu “VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” theo đơn đăng ký số 901511727 vì có chữ ST25 ở đó”, ông Nguyễn Văn Bảy nói.

1604307610-single_news1-gaongonnhat1.jpg
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng không ai có thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo. 

Như vậy, dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam, cũng như Mỹ sẽ không cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nếu trên một nhãn hiệu nào đó được cấp văn bằng bảo hộ có xuất hiện dấu hiệu ST25, cùng với các dấu hiệu khác tạo thành một tổng thể, thì dấu hiệu ST25 sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ.

Đây cũng là quan điểm của đại diện doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25. Phía doanh nghiệp này cho biết việc các doanh nghiệp, cá nhân tại Mỹ đăng ký bản quyền gạo ST24, ST25 không ảnh hưởng đến chủ sở hữu giống lúa ST24, ST25, và không có ai cấp độc quyền sản phẩm gạo.

Doanh nghiệp này cho biết đã tham vấn luật sư về sở hữu trí tuệ, và thấy rằng vấn đề trên chưa đáng lo.

Đầu tuần này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận gạo ST24, ST25 đã bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.

Theo thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 5 doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25. Tuy nhiên, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp văn bằng bảo hộ. Các đơn đăng ký đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending).

Hỗ trợ doanh nghiệp sớm được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Việt Nam

gao-st.jpg
ST25 là gạo ngon nhất thế giới nhưng lại chưa phải là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Ảnh: NA

Trả lời truyền thông về vấn đề sản phẩm gạo từ bộ giống lúa ST24, ST25 do mình lai tạo ra bị doanh nghiệp ngoại nhanh tay đăng ký bảo hộ tại Mỹ, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết ông đã nắm được thông tin. Tuy nhiên, từ trước giờ ông chỉ tập trung vào chuyên môn của một nhà khoa học, còn đăng ký bản quyền thương hiệu rất phức tạp. Ông không làm gì được vì không rành lĩnh vực này. 

Phía Bộ Nông nghiệp cho biết hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cùng  Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp sớm được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng gạo ST25 là nhãn hiệu sản phẩm của một doanh nghiệp, một sản phẩm có uy tín, được thị trường ưa chuộng, hoàn toàn có thể xảy ra tranh chấp nhãn hiệu nếu doanh nghiệp không có biện pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu kịp thời.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng gạo ST25 dù được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới nhưng hiện vẫn chưa phải là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Muốn sản phẩm được công nhận thương hiệu quốc gia thì doanh nghiệp phải chủ động đăng ký tham gia chương trình thương hiệu quốc gia, thông qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt, đáp ứng nhiều yếu tố.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cũng cho biết đã liên hệ với ông Hồ Quang Cua, để trao đổi thông tin về vụ việc và tư vấn những vấn đề liên quan đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại.

Giữa tháng 11/2019, gạo ST25 đã được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới.

Q.HUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement