Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hậu gắn mác 'thao túng tiền tệ'

Phân tích

23/12/2020 16:22

Trước những lo ngại về khả năng chính quyền Trump sẽ tăng thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trước ngày 20/1/2021, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng này ít xảy ra.

Tối qua (22/12/2020), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chủ động điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.

Hai bên nhất trí giao các bộ ngành Việt Nam và Mỹ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của hai nước, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hoà, bền vững, cùng có lợi.

Các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng đang tích cực kêu gọi, vận động hành lang để ngăn chặn khả năng chính quyền áp thuế trừng phạt lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, một hành động “gây tổn hại lợi ích doanh nghiệp Mỹ và quan hệ song phương đang trên đà phát triển mạnh mẽ”.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Amcham đã nộp các phản hồi và yêu cầu được tham gia phiên điều trần công khai của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ theo Điều khoản 301 vào ngày 29/12 tới đây.

Hậu gắn mác “thao túng tiền tệ” ảnh 1
Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trong chuyến thăm VN năm 2017. Ảnh: Getty.

Trong bản kiến nghị đã nộp lên uỷ ban điều tra thao túng tiền tệ của USTR, Hiệp hội các nhà sản xuất may mặc và giày da Hoa Kỳ đã khẳng định: “Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng khi các công ty Mỹ triển khai các chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

Việc áp đặt các mức thuế mang tính trừng phạt lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây ra sự gián đoạn vô cùng nghiêm trọng (đối với chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ).”

Diễn biến cuộc điều tra theo Điều khoản 301 của USTR

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong báo cáo bán niên trước Quốc hội đã liệt Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Việc Bộ Tài chính quy kết một đối tác là thao túng tiền tệ không tự động đi kèm các biện pháp trừng phạt nào.

Tuy nhiên, đó sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để (1) Bộ Thương mại quyết định điều tra và (có thể) áp thuế chống trợ cấp và (2) USTR khởi động một cuộc điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trong trường hợp của Việt Nam, hồi tháng 8 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ kết luận Việt Nam đã can thiệp phá giá VND dẫn đến lợi thế không công bằng của mặt hàng lốp xe hạng nhẹ sản xuất ở Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Trên cơ sở này, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành điều tra và ngày 4/11 có kết luận sơ bộ khẳng định vi phạm.

Đi kèm với kết luận sơ bộ này là lệnh của Bộ Thương mại yêu cầu Hải quan và Biên phòng thu tiền ký quỹ từ các đơn vị nhập khẩu với tỉ lệ từ 6,23 đến 10,08% (bằng với tỉ lệ trợ cấp) tổng giá trị đơn hàng. Cuộc điều tra này vẫn đang tiếp diễn và Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra kết luận cuối cùng vào giữa tháng 3/2021.

Nếu kết luận cuối cùng vẫn là vi phạm thì vụ việc sẽ được đưa lên Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ xem xét. Nếu Uỷ ban này ra phán quyết (dự kiến vào cuối tháng 4/2021) khẳng định vi phạm thì Bộ Thương mại sẽ chính thức áp thuế chống trợ cấp.

Kết luận thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính hồi tháng 8 cũng là cơ sở để USTR công bố ngày 2/10/2020 cuộc điều tra thao túng tiền tệ với Việt Nam theo Điều khoản 301 Luật thương mại 1974 (về lý thuyết cuộc điều tra này độc lập với công bố thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính).

USTR đã sử dụng cuộc điều tra theo Điều khoản 301 để ra phán quyết áp mức thuế trừng phạt lên tới 25% đối với toàn bộ 370 tỉ đô la hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đỉnh cao của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn hai năm qua của chính quyền Trump với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ, hiện chưa rõ liệu mức thuế trừng phạt nếu có đối với các hàng hoá của Việt Nam có thể lên tới mức 25% hay sẽ ở quanh mức 6.2% hoặc 10% mà Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt lên mặt hàng lốp xe hạng nhẹ hồi tháng 11 hay không.

Ngày 29/12 tới đây, USTR sẽ tổ chức phiên điều trần công khai theo hình thức trực tuyến. Sau đó, USTR tiếp tục nhận các ý kiến tham gia bằng văn bản đến ngày 7/1/2021.

Trước những lo ngại về khả năng chính quyền Trump sẽ tăng thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trước ngày 20/1/2021, thời hạn chuyển giao chính quyền cho Tổng thống đắc cử Joe Biden, trao đổi với VietTimes, ông Vũ Tú Thành (Phó Giám đốc Điều hành khu vực, Hội đồng Kinh tế Mỹ - ASEAN) cho biết khả năng này ít xảy ra.

“Khả năng USTR ra phán quyết áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam trước ngày 20/1, khi ông Trump bàn giao nhiệm sở cho người kế nhiệm, Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn có thể xảy ra nhưng ở mức độ thấp.

Để giảm thiểu khả năng này, các doanh nghiệp Mỹ cần tích cực tham gia điều trần và gửi góp ý”, ông Thành nói thêm.

Amcham Việt Nam, hiệp hội của hơn 500 doanh nghiệp Mỹ có quan hệ làm ăn với Việt Nam đã gửi văn bản góp ý và yêu cầu tham gia phiên điều trần ngày 29/12.

Giới điều hành doanh nghiệp Mỹ cũng đang tích cực vận động hành lang thông qua Quốc hội để ngăn chặn một phán quyết bất lợi mà theo họ sẽ “gây đứt đoạn chuỗi cung ứng, thiệt hại trực tiếp đến giới doanh nghiệp Mỹ”.

Theo Reuters, trong tuần qua nhiều văn phòng nghị sĩ ở Washington DC đã nhận được hàng loạt các cuộc gọi bày tỏ quan ngại của các doanh nghiệp từ các bang mà họ đại diện.

Hậu gắn mác “thao túng tiền tệ” ảnh 2

Ông Joe Biden đã lẩy Kiều khi tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiệc chiêu đãi tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Ảnh: Reuters).

Khả năng thay đổi phán quyết dưới chính quyền Biden

Theo nhiều chuyên gia về quan hệ Việt – Mỹ, ngay cả trong trường hợp USTR ra phán quyết áp thuế trừng phạt đối với Việt Nam trước thời điểm bàn giao chính quyền ngày 20/1, Việt Nam vẫn có cơ hội tác động để thay đổi phán quyết dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Bởi lẽ, chính quyền ông Joe Biden đề cao cách tiếp cận đa phương trong quan hệ quốc tế, trong khi Điều khoản 301 là một công cụ đơn phương, đi ngược lại với các quy định, nguyên tắc của các thiết chế đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo ông Vũ Tú Thành, bà Katherine Tai, người được ông Biden chỉ định đứng đầu Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tới đây có cách tiếp cận mềm dẻo và dễ chịu hơn người tiền nhiệm, ông Lighthizer. Ông Thành và một nhóm doanh nghiệp Việt – Mỹ từng gặp bà Tai ở Quốc hội Mỹ năm 2018.

Bộ trưởng Tài chính mới của ông Biden, bà Janet Yellen cũng được cho là có quan điểm linh hoạt hơn đối với việc các quốc gia khác sử dụng “các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách tiền tệ và tài khoá,” để đạt được các mục tiêu kinh tế của họ, như phát biểu của bà hồi năm ngoái.

Bà Yellen dự kiến sẽ dẫn đầu một cuộc đánh giá lại danh sách các nước thao túng tiền tệ của chính quyền hiện tại vào tháng Tư năm 2021.

Hậu gắn mác “thao túng tiền tệ” ảnh 3

Việt Nam đã ký hàng loạt dự án LNG trị giá nhiều tỉ đô với đối tác Mỹ.

Mặc dù vậy, như cảnh báo của nhiều chuyên gia, Việt Nam vẫn phải tìm các giải pháp giảm nhẹ mối quan ngại của chính quyền Mỹ về thâm hụt thương mại song phương, động cơ thực sự phía sau những cáo buộc thao túng tiền tệ và đe doạ áp thuế trừng phạt hiện nay.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 50,9 tỉ USD.

“Việt Nam có thể xem xét một số biện pháp giúp giảm thâm hụt thương mại trước mắt như ký vài hợp đồng mua điện khí hoá lỏng LNG của Mỹ hay ban hành chính sách nhập nhiều nông sản Mỹ hơn để chứng minh cho phía Mỹ thấy có những biện pháp khác hiệu quả hơn việc áp thuế trừng phạt”, ông Vũ Tú Thành phân tích.

Hồi tháng 10/2020, Việt Nam và Mỹ đã kí kết các thoả thuận LNG trị giá nhiều tỉ USD.

Điều trớ trêu là thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh trong hai năm trở lại đây có một phần nguyên nhân từ chính cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà chính quyền ông Trump khởi xướng.

“Sự gia tăng thâm hụt thương mại này chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam của các doanh nghiệp Mỹ trong nỗ lực đa dạng hoá và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.

Sự dịch chuyển này cũng được thúc đẩy bởi việc chính quyền Mỹ áp đặt thuế trừng phạt lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn ở Việt Nam, chứ hoàn toàn không phải bởi chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Amcham Hà Nội nhấn mạnh.

Amcham đã thúc giục chính quyền Mỹ hiện tại nhìn nhận xu hướng này như một minh chứng cho thấy sự thành công trong triển khai chính sách đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

TRƯỜNG MINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement