Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hải quan nói gì về 'cuộc đua lúc 0h' giành hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4

Chính sách - Hạ tầng

19/04/2020 11:52

Mới đây, Intimex đã đăng ký xuất khẩu thành công 102 tờ khai, với 96.234 tấn, trong tổng số 400.000 tấn gạo mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch tháng 4/2020.

Điểm danh các DN mở được tờ khai xuất khẩu gạo nửa đêm

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho nối lại xuất khẩu gạo với lượng 400.000 tấn trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp đã cử quân số "trực" trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) để đăng ký. Chỉ trong 3 tiếng, từ 0h đến 3h sáng ngày 12/4, toàn bộ hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn đã đăng ký xong.

Theo đó, số doanh nghiệp đã đăng ký mở tờ khai hải quan thành công để xuất khẩu gạo trong tháng 4 có nhiều tên tuổi lớn trong giới xuất khẩu gạo. Theo đó, doanh nghiệp đăng ký “trúng” số lượng lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Intimex với trên 96.200 tấn. 

Intimex thắng lớn trong
Intimex thắng lớn trong "cuộc đua" mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc 0h.

Được biết, Tập đoàn Intimex có trên 900 lao động, vốn điều lệ là 223 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm và doanh thu hàng năm đạt trên 40.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp đăng ký thành công số lượng lớn như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) là 38.350 tấn, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn…

Nhiều doanh nghiệp như Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Công ty CP Hiệp Lợi, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Lương thực Bình Định, Công ty CP Mỹ Trường… đều có số lượng đăng ký từ 11.000-17.000 tấn…

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An, đơn vị đã may mắn đăng ký được 1.300 tấn gạo nếp xuất khẩu trong tháng 4, nói trên báo Dân Việt rằng, từ tối 10/4, doanh nghiệp của bà cử hẳn một đội ngũ canh trên cổng đăng ký mở tờ khai hải quan, click chuột liên tục.

"May mắn là sau đó chúng tôi đã đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu 1.300 tấn gạo, tương đương 52 container. Còn nhiều doanh nghiệp khác không biết, hoặc ngủ quên coi như mất cơ hội vì Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai online vào lúc nửa đêm chủ nhật 12/4 từ 0h đến 3h sáng là đóng cổng vì đã khai xong số lượng 400.000 tấn", bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, việc doanh nghiệp của bà đăng ký được là do may mắn, hên xui chứ không hề có thông tin nào trước đó. "Thậm chí, khi có văn bản đề xuất của Bộ Công Thương, chúng tôi có hỏi thông tin về mở tờ khai hải quan, họ còn trả lời chắc phải thứ hai (13/4) mới có. Nếu chúng tôi không kiên trì chắc cũng đã mất cơ hội", bà Liên chia sẻ với Dân Việt.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho hay rất nhiều doanh nghiệp thành viên của VFA cũng không kịp mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo do không có thông tin hải quan cho mở tờ khai nên không kịp trở tay.

Được biết, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên liên quan đến xuất khẩu gạo gửi đến Thủ tướng Chính phủ và ngành chức năng trong thời gian sớm nhất.

Sau nửa tháng từ thời điểm Việt Nam thực hiện chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo (0 giờ ngày 24/3), giá chào bán đối với loại gạo 5% tấm của Thái Lan- loại gạo trong cùng phân khúc xuất khẩu với Việt Nam, được đẩy lên cao nhất, đến 102 USD/tấn.

Hải quan nói gì?

Trước phản ứng gay gắt của nhiều doanh nghiệp liên quan đến việc xuất khẩu gạo, ngày 17/4 Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 2280 ngày 25/3 của Văn phòng Chính phủ về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị, trong đó có thành viên là Bộ Tài chính, theo nguồn tin từ VTC.

Tuy nhiên thời gian cuộc họp chỉ có 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Về việc thực hiện quyết định số 1106 của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về xuất khẩu 400.000 tấn gạo, Tổng cục Hải quan cho biết văn bản này được ký ngày 10/4 và có hiệu lực từ 0h ngày 11/4. Tuy nhiên đến thời điểm văn bản có hiệu lực, Tổng cục Hải quan chưa nhận được quyết định này từ Bộ Công Thương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến 9h30 ngày 11/4, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử và ngày 13/4 mới nhận được bản chính thức. 

Căn cứ theo nguyên tắc quản lý hạn ngạch được Bộ Công Thương quy định tại quyết định nêu trên, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4.

Việc trừ lùi sẽ được hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước.

Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu là 400.000 tấn, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Tổng cục Hải quan kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ về việc có hay không dấu hiệu trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trả lời báo chí tối 16/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết đã đề nghị Chính phủ điều tra, làm rõ việc có hay không cá nhân, tổ chức có liên quan có lợi ích nhóm, trục lợi trong chính sách xuất khẩu gạo.

Ông Cẩn nói với báo giới sẽ điều tra các đối tượng liên quan, thậm chí kể cả công chức hải quan có vi phạm. Hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo để bộ này tổng hợp gửi Thủ tướng.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan xuất hiện một số bất cập như: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi), cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống.

Để giải quyết những vấn đề trên, Bộ Công Thương quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

PV (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement