Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giao dịch chứng khoán sáng 7/6: Không thể tăng mãi

Chứng khoán

07/06/2021 11:01

Cách mà lãnh đạo UBCK truyền thông cuối tuần về việc "căng margin" là một cái cớ đẹp để thị trường sáng nay không giữ được đà hưng phấn của tuần trước, đảo chiều rơi điểm mạnh mẽ theo nguyên tắc giá cổ phiếu không thể tăng mãi.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch tưng bừng khi dòng tiền trong nước cuồn cuộn chảy đã bất chấp áp lực ròng mạnh mẽ của khối ngoại, giúp các chỉ số duy trì đà tăng điểm. Trong đó, chỉ số VN-Index đã duy trì đà tăng trong 5 phiên và liên tục phá đỉnh mới.

Đà tăng này được tạo bởi dòng tiền mới từ F0 và cả tiền bổ sung từ Fn vào tài khoản, bên cạnh sự đóng góp của margin các công ty chứng khoán. Margin theo thống kê chính thức được ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước thông tin với báo chí là: "Margin thi trường cuối tháng 5 hơn 112.000 tỷ đồng, mặt bằng chứng khoán đã lên cao, tạo ra rủi ro điều chỉnh".

Việc cảnh báo của cơ quan quản lý với thị trường là cần thiết, nhưng cách cảnh báo "như xúi bán ra" này khiến không ít nhà đầu tư phải đặt câu hỏi!

Làm một phép tính đơn giản, 112.000 tỷ đồng dù có tăng so với mức 81.000 tỷ đồng tới cuối năm 2020, nhưng mức tăng đó là không đáng kể thậm chí là giảm nếu so sánh với quy mô giao dịch thị trường. Thời điểm cuối tháng 5, thị trường thường xuyên giao dịch ở mức gần 30.000 tỷ đồng trên cả 3 thị trường mỗi phiên, lớn hơn rất nhiều so với mức gần 20.000 tỷ đồng những phiên cao nhất cuối năm 2020.

Đúng là căng margin thì khả năng "xả margin dễ xảy ra", nhưng việc nhận định mặt bằng thị trường chứng khoán lên cao và rủi ro điều chỉnh là những những nhận định rất chung chung. Bởi cao là đúng vì VN-Index đang lập đỉnh mọi thời đại, nhưng nên nhớ rằng VN-Index từng có giai đoạn tăng khủng khiếp hơn bây giờ rất nhiều ở 2007. Còn rủi ro điều chỉnh thì luôn thường trực.

Vẫn nhấn mạnh lại là việc cảnh báo và cung cấp dữ liệu của cơ quan quản lý là cần thiết, nhưng tiếc rằng, vừa cảnh báo xong thì thị trường sập thì đó là cách mỗi nhà đầu tư cần tư duy thêm về cách cảnh báo này.

Quay lại với thị trường sáng nay, sau vài phút thăm dò một cách khá thận trọng hơn bình thường vì ngoài chờ xu hướng chung, việc không cho hủy lệnh càng buộc nhà đầu tư phải ra quyết định cẩn trọng, thì thị trường chuyển động dần theo hướng tiêu cực.

Bảng vẫn treo, VN-Index cùng khối lượng giao dịch đứng im trong thời gian dài, chỉ có chỉ số VN30 từ từ lao dốc báo hiệu các mã lớn bị bán tháo,... Tất cả những điều này tạo một tác động thị giác rất tệ, và lệnh MP bán ở nhiều mã đã xuất hiện ép nhiều mã cỡ trung và mã nhỏ cũng chịu tác động tiêu cực theo.

Điểm sáng thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu dầu khí. Trong khi dòng ngân hàng và chứng khoán bị chốt lời khiến đồng loạt đều quay đầu điều chỉnh thì lực cầu tiếp tục gia tăng vào nhóm cổ phiếu P giúp các mã này tiếp tục phi mã. Cụ thể, PVC, PVT, PVD, PXS đều tăng trần hoặc sát trần.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đang có dấu hiệu tích cực. Điển hình là bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup là VIC, VHM và VRE đang tăng khá mạnh, là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì sắc xanh.

Tuy nhiên trong xu thế chung thị trường giảm điểm thì kết thúc phiên, nhiều mã trong nhóm này đã phải giảm nhiệt.

Nếu phiên chiều lực cầu không cải thiện hoặc nhà đầu tư tranh thủ cơ hội giảm điểm để tái cơ cấu danh mục từ mã lớn sang mã nhỏ hoặc sang nhóm ngành khác thì phiên điều chỉnh mạnh, tạm ngắt xu hướng tăng giá thời gian qua chính thức diễn ra.

Vẫn có những điểm cần lưu ý đó là bên cạnh nhóm vốn hóa lớn tăng mạnh thời gian qua lao dốc thì vẫn có tới 125 mã giữ được giá xanh trên HOSE, tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu chưa tăng giá đáng kể thời gian qua và không ít các cổ phiếu quy mô nhỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 125 mã tăng và 286 mã giảm, VN-Index giảm 25,71 điểm (-1,87%) xuống 1.348,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 606,68 triệu đơn vị, giá trị hơn 19.734 tỷ đồng, tăng 5,51% về khối lượng và 8,66% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 4/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,1 triệu đơn vị, giá trị 497,75 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán bị bán khá mạnh trong phiên hôm nay sau đợt tăng nóng. Đồng loạt dòng bank giảm khá sâu với phần lớn đều có mức giảm trên 5%, đáng kể một số mã như LPB giảm sàn về mức 31.100 đồng/CP với lượng dư bán sàn chất đống, tới 4,89 triệu đơn vị. Các mã khác như BID, STB, MSB cũng có thời điểm nằm sàn và tạm dừng phiên sáng với mức giảm hơn 6%.

Tuy nhiên, dòng bank vẫn là tâm điểm giao dịch của thị trường với bộ 3 cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE gồm STB khớp hơn 29 triệu đơn vị, VPB khớp 28,19 triệu đơn vị và MBB khớp 21,84 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, ở nhóm chứng khoán, các mã cũng đồng loạt giảm sâu, nhiều mã như AGR, BSI, CTS, IVS, SBS nằm sàn, còn lại phần lớn trên 5%.

Không chỉ ngành tài chính, nhóm cổ phiếu tăng mạnh thời gian vừa qua là thép cũng chịu áp lực bán ra khá lớn với các mã HSG, HPG, NKG, POM, SMC đều giao dịch trong sắc đỏ.

Trong khi thị trường lao dốc khá mạnh trước gánh nặng lớn từ các nhóm cổ phiếu lớn trên thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vẫn có nhiều điểm sáng khi nhận được sự “ưu ái” của dòng tiền.

Điển hình như SCR dù không còn giữ sắc tím nhưng vẫn tăng khá mạnh khi chốt phiên tăng 5% lên mức 10.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,75 triệu đơn vị, ITA tăng 1,3% lên 7.550 đồng/CP và khớp 14,55 triệu đơn vị, FIT tăng 4,5% lên 13.950 đồng/CP, HBC tăng 2,6% lên 15.600 đồng/CP, MIG tăng 5,2% lên 19.100 đồng/CP…

Ngoài ra, các cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch tích cực như PVD tăng 3,1% lên 25.000 đồng/CP và khớp 12,48 triệu đơn vị, PVT tăng 3,2% lên 20.700 đồng/CP và khớp 7,81 triệu đơn vị, PXS tăng 5% lên 7.300 đồng/CP…

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng mạnh khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số HNX-Index lao dốc mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 64 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 12,27 điểm (-3,72%) xuống 317,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 152,76 triệu đơn vị, giá trị 3.708,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,97 triệu đơn vị, giá trị 57,7 tỷ đồng.

Bộ 3 cổ phiếu ngân hàng trên HNX giảm mạnh với SHB giảm 7,1% xuống mức 30.200 đồng/CP, NVB giảm 6,8% xuống 19.200 đồng/CP, BAB giảm 6,9% xuống 28.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng bị chốt lời ồ ạt khi có thời điểm đồng loạt nằm sàn. Chốt phiên sáng, SHS, MBS, APS cùng giảm hơn 9%, cặp BSI và IVS nằm sàn, còn lại cũng có mức giảm mạnh trên dưới 5%.

Về thanh khoản, SHB vẫn dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 24,23 triệu đơn vị, tiếp theo đó là PVS khớp 17,66 triệu đơn vị và SHS khớp 13,72 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HUT nhanh chóng hồi phục tích cực sau nhịp điều chỉnh cuối tuần trước và chốt phiên sáng tăng 2,8% lên mức 7.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 10,25 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng không nằm ngoài xu hướng chung với mức giảm khá sâu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 2,51 điểm (-2,77%) xuống 88,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 76m39 triệu đơn vị, giá trị 1.349,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,89 triệu đơn vị, giá trị 247,31 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí vẫn đi ngược xu hướng chung của thị trường khi BSR chốt phiên giữ mức tăng 5,7% lên 20.300 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản, đạt hơn 19,3 triệu đơn vị; OIL tăng 5,4% lên 15.700 đồng/CP và khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, đồng loạt cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đều lao dốc mạnh như ABB giảm 8,4% xuống 22.900 đồng/CP, BVB giảm 7,1% xuống 22.400 đồng/CP, NAB giảm 7,4% xuống 22.600 đồng/CP, SGB giảm 10% xuống 19.800 đồng/CP…, hay SBS và ORS cùng giảm sàn, AAS giảm 11,9% xuống 11.800 đồng/CP…

T.THUÝ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement