Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 11/8: Bluechip bị chốt lời, VN-Index quay đầu giảm điểm

Chứng khoán

11/08/2021 16:20

Lực bán gia tăng mạnh cuối phiên, nhất là ở nhóm bluechip khiến VN-Index không thể đứng vững, quay đầu giảm điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày với thanh khoản tăng mạnh so với các phiên trước.

Trong phiên giao dịch sáng, dòng tiền mới tìm kiếm cơ hội giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng cản 1.370 điểm. Điểm đáng chú ý, dòng tiền không quá tập trung vào một vài nhóm nào, mà đã có sự lan tỏa rộng ra nhiều nhóm ngành khác nhau.

Tưởng chừng với dòng tiền mới chảy mạnh sẽ tạo đà cho VN-Index bứt qua được ngưỡng cản 1.370 điểm, hướng tới ngưỡng cứng hơn 1.380 điểm trong phiên hôm nay, nhưng diễn biến phiên chiều lại trái ngược hoàn toàn.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán gia tăng mạnh với giá bán một hạ thấp dần khiến VN-Index quay đầu giảm nhanh xuống dưới tham chiếu. Dù lực cầu bắt đáy mỗi nhịp thị trường điều chỉnh khá lớn, nhưng không thể khỏa lấp trước lực cung giá thấp gia tăng mạnh cuối phiên khiến VN-Index quay đầu giảm trong đợt ATC, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày và tạo cây nến đỏ thứ 2 liên tiếp trên đồ thị ngày.

Phiên giảm điểm với thanh khoản tăng mạnh so với các phiên trước đó cho thấy lực cung đang thắng thế. Sau phiên hôm qua, diễn biến phiên hôm nay cho thấy, dường như dòng tiền lớn đang chốt lời dần.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng với phiên giảm hôm nay, bởi trong quá trình tăng, việc xuất hiện các phiên bị bán như hôm nay là điều bình thường. Thị trường có tăng thì ắt có giảm và việc VN-Index gặp khó khăn ở ngưỡng cản 1.360 - 1.380 điểm là điều đã được dự báo trước. Thậm chí, việc tích lũy ở vùng này là điều cần thiết để VN-Index bước vào đợt tăng để hướng tới chinh phục đỉnh lịch sử trong thời gian tới.

Trở lại với phiên giao dịch chiều nay, lực bán mạnh trong đợt ATC khiến VN-Index giảm trở lại sau 2 phiên tăng liên tiếp, thanh khoản trong đợt ATC lên tới hơn 39 triệu đơn vị. Dù giảm điểm, nhưng sắc đỏ không chiếm quá nhiều ưu thế so với sắc xanh, đà giảm này chủ yếu do tác động từ nhóm VN30, trong khi dòng tiền vẫn hoạt động tốt ở các nhóm khác.

Phiên giao dịch hôm nay cũng khá giống với kịch bản của phiên 6/8 khi VN-Index điều chỉnh sau chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp. Sau phiên điều chỉnh này VN-Index đã tăng trở lại 2 phiên sau đó, đặc biệt là phiên liền sau (7/8).

Chốt phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,34%), xuống 1.357,79 điểm với 182 mã tăng và 205 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 806,8 triệu đơn vị, giá trị 26.344,8 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 16,4% về giá trị so với phiên hôm qua.

Phiên chiều nay nhiều mã bluechip bị chốt lời mạnh, trong đó nhóm VN30 từ 21 mã tăng của phiên sáng chốt phiên chiều chỉ còn 9 mã tăng, trong khi số mã giảm từ 7 mã đã lên thành 18 mã. Trong nhóm này, giảm mạnh nhất là KDH với mức giảm 4,4% xuống 40.050 đồng, thanh khoản gần 1 triệu đơn vị. Tiếp đến là SSI giảm 2,9% xuống 57.700 đồng, khớp 17,7 triệu đơn vị, GVR giảm 2,6% xuống 34.100 đồng, khớp 6,1 triệu đơn vị. VIC giảm 1,8% xuống 111.000 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị và là mã tác động tiêu cực nhất lên VN-Index hôm nay. Các mã giảm trên 1% có FPT, ACB, MSN, VRE, CTG, các mã khác giảm dưới 1% là HPG, VHM, NVL, PLX, STB, BID, HDB, GAS, PNJ. Trong khi đó, ở chiều tăng TPB vẫn là mã tăng mạnh nhất,nhưng đà tăng thu hẹp còn 2,8% lên 37.000 đồng, khớp 13,6 triệu đơn vị. Tiếp đến là POW tăng 1,8% lên 11.450 đồng, khớp 14 triệu đơn vị. VNM cũng thu hẹp đà tăng còn 1,7% lên 90.900 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị. VCB tăng 1,5% lên 100.500 đồng, khớp 1,7 triệu đơn vị và là mã có tác động tích cực nhất tới VN-Index hôm nay.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài VCB, TPB, các mã tăng còn có VPB, MSN, MBB, trong khi mã giảm có thêm LPB, SSB, VIB.

Nhóm chứng khoán cũng đồng loạt giảm, trong đó VCI là mã giảm mạnh nhất 3,3%, tiếp đến là SSI giảm 2,9%, VDS giảm 2,5%, CTG giảm 2,2%, VIX giảm 1,9%, AGR và HCM giảm 1,4%...

Trong khi đó, nhóm logistic vẫn giữ được phong độ khi tràn ngập sắc xanh và sắc tím, thậm chí số mã tăng trần còn nhiều hơn phiên sáng, ngoại trừ GMD quay đầu giảm 2,07% xuống 49.450 đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự sàn HNX khi lực chốt lời mạnh dần về cuối phiên kéo HNX-Index giảm dần và đợt bán mạnh ATC khiến chỉ số này xuống dưới tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Tuy nhiên, độ rộng trên sàn này lại nghiêng về số mã tăng, cho thấy nhóm bluechip là nhóm bị chốt lời mạnh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,19%), xuống 334,44 điểm với 137 mã tăng, trong khi có 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,2 triệu đơn vị, giá trị 3.447 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,3 triệu đơn vị, giá trị 31 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, ngoài PHP khởi sắc cùng nhóm logistics, cùng THD, BAB và NVB giữ được phong độ như phiên sáng, còn lại đều quay đầu giảm hoặc nới đà giảm. Trong đó, SHB quay đầu giảm 1,69% xuống mức thấp nhất ngày 29.000 đồng, khớp 15,5 triệu đơn vị. PVS giảm 1,84% xuống 26.700 đồng, khớp 12,3 triệu đơn vị. VCS giảm 1,69% xuống 122.500 đồng, khớp gần 400.000 đơn vị. VND giảm 2,53% xuống 50.000 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 11 triệu đơn vị. IDC, DXS cùng giảm hơn 2%.

Trong các mã tăng, ngoài 3 mã lớn kể trên, còn có SHS tăng 1,3% lên 45.800 đồng, KLF tăng 2,4% lên 15.400 đồng, TVC tăng mạnh 9,2% lên 15.400 đồng và DL1 tăng trần lên 7.500 đồng. Các mã này cũng có thanh khoản khá lớn, từ hơn 5 triệu đơn vị đến hơn 7 triệu đơn vị.

Trên thị trường UPCoM, áp lực chốt lời trên 2 sàn niêm yết không ảnh hưởng nhiều tới diễn biến trên thị trường này khi UPCoM-Index vẫn giữ đà tăng khá tốt và chỉ hạ nhiệt nhẹ cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 1,49 điểm ( 1,64%), lên 92,01 điểm với 201 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 108,9 triệu đơn vị, giá trị 2.068 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,6 triệu đơn vị, giá trị 364 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời khiến BSR không duy trì được đà tăng, quay đầu đóng cửa ở tham chiếu 20.100 đồng, thanh khoản 11,3 triệu đơn vị. Trong khi OIL vẫn giữ đà tăng 2,3% lên 13.400 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị.

Các mã ngân hàng chỉ có KLB quay đầu về tham chiếu khi đóng cửa, còn lại đều giữ được sắc xanh. Trong đó, VAB vẫn là mã tăng mạnh nhất, nới đà tăng lên 9,9% đóng cửa ở mức 18.900 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị. Tiếp đến là VBB tăng 7,4% lên 18.800 đồng, BVB tăng 2,9% lên 21.400 đồng, khớp 4 triệu đơn vị, còn lại chỉ có mức tăng khiêm tốn dưới 1%.

Trên thị trường phái sinh, toàn bộ hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo chứng khoán cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 6,5 điểm (-0,43%), xuống 1.487,91 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 8 giảm 8,1 điểm (-0,54%) xuống 1.486 điểm với 244.596 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 36.176 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm thế áp đảo, nhưng mức giảm không quá lớn. Hai mã giảm mạnh nhất đều do KIS phát hành là CVIC2103 giảm 13,3% xuống 910 đồng, thanh khoản 155.500 đơn vị và CNVL2102 giảm 10,9% xuống 2.050 đồng, thanh khoản 270.700 đơn vị. Trong khi đó, 2 mã tăng mạnh nhất đều do MBS phát hành là CVRE2104 tăng gấp đôi lên 40 đồng, thanh khoản 683.300 đơn vị và CTCH2102 tăng 50% lên 30 đồng, thanh khoản 534.500 đơn vị. Trongkhi mã có thanh khoản nhất là CVNM2107 do HSC phát hành với 1,19 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,1% lên 1.800 đồng.

T.LÊ
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement